Cây cảnh

Cây cảnh

Từ ngàn xa xưa,  con người đã biết cuộc đời có bốn giai đoạn: sinh, trưởng, lão, tử (sinh ra, trưởng thành, già và chết). Cái vòng  luân hồi luôn luôn nối tiếp từ đời này đến đời khác. Khi qua "tử" rồi sẽ tiếp một chu kỳ mới là "sinh". Cây cảnh là biểu tượng con người, thể hiện khát vọng, lý tựởng, lẽ sống, ý niệm thẩm mỹ của con người. Cây cảnh Bonsai được bắt nguồn  ở Trung Quốc và nhanh chóng phát triển ở khá nhiều các nước phương Đông. Ở Việt Nam, cây cảnh bonsai  đã đi vào cuộc sống như một mỹ tục, một thú chơi thể hiện một phần tâm hồn của dân tộc Việt Nam. Ông cha ta đã gửi gắm vào cây cảnh tình cảm, ý niệm thẩm mỹ, tính chất nhân văn  làm tăng thêm lòng yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu đất nước để tự khẳng định và hoàn thiện mình

Người chơi cây cảnh sành điệu hay trồng cây cảnh chuyên nghiệp bao giờ cũng phải coi trọng gốc cây - Gốc chính là tâm điểm chính để tạo nên thế của cây. Gốc có to có khỏe thì cây mới mạnh, gốc phải to hơn thân. Gốc càng to càng thể hiện cây đã sống lâu năm. Nếu gốc có nhiều rễ nổi, rễ sum suê cây cảnh càng đẹp. Cây cảnh trồng trong chậu phải mọc từ một gốc, trừ một số thế cây quần tụ. Giữạ chiều cao và bề rộng của cây phải có sự tương xứng. Thân cây mềm mại duyên dáng, xiêu nghiêng hay đứng thẳng khỏe mạnh là tùy theo các thế cây. Cành cây phải được phân bổ hơp lý, cấu tạo so le chia ra các hướng lớn không trùng nhaụ, tránh gò bó. Từ gốc đến chỗ chia cành phải có khoảng cách ít nhất bằng một phần ba chiều cao của cây để nhìn rõ được thân cây khỏe đẹp và thoáng. Không nên để cành che lấp mất thân. Một cây nhiều nhất chỉ nên có bốn cành. Cành dưới cùng gọi là cành thân hay cành hồi âm, có giá trị tạo cảm giác cho phần gốc cây có hậu, vững chãi, bền lâu. Cành thứ hai và thứ ba là cành tả và cành hữu là hai cành chính của cây. Cành thứ tư là cành tế thân, cũng được gọi là "Cành ức" hay "Cành hầu", cốt để cho phần cổ đỡ trơ lộ, góp phần cho bố cục tổng thể toàn cây chặt chẽ. Các cành phải được xén tán lá cho ngang phẳng, gọn gàng, không để cho lá cây mọc tự nhiên, um tùm.

Cây cảnh được bàn tay nghệ thuật của con người tác động vào để hình thành nên tác phẩm nghệ thuật. Theo thời gian, bằng các phương pháp cắt, ghép, uốn, ký đá, vào chậu và nhiều kỹ thuật độc đáo khác, kết hợp với việc chăm bón hợp lý đã tạo nên dáng thế cây cảnh. Đó là một dáng đứng, một điệu vươn của cây có bố cục chặt chẽ, đẹp đẽ - một tác phẩm nghệ thuật độc đáo có sức sống, toát lên một chủ đề, một ý tưởng nhất định.

Tuổi cây càng cao, cây càng quý. Cây cảnh đẹp phải là cổ thụ nhưng nhỏ gọn, để nói lên ý nghĩa trường tồn.

Có rất nhiều thế cây cảnh như: thế phượng vũ, thế ngũ phúc, thế huynh đệ, thế phụ tử, thế mẫu tử, thế long giáng, thế phượng vũ long đàn, thế bạt phong hồi đầu, thế trực liên chi, thế long ẩn, thế lão mai, thế tam đa, thế tứ quý, thế nguyệt ảnh, thế địa đạo huyên nhi, thế phượng rồng sóng đôi, thế đón gió, thế chờ đợi, thế ngẫu tự, thế nhà hiền triết ...

- Cây cảnh thế ngũ phúc: Cây có bốn cành, một ngọn là 5 tán đều phải xén phắng, ngang bằng, không tán nào được vổng, mỗi tán được chia ra một hướng. Dáng cây là biểu tượng của năm điều ước muốn giản dị mà vĩ đại của con người xưa, nay: Phúc Lộc, Thọ, Khang, Ninh.

- Cây cảnh thế phượng vũ (chim phượng múa): Cây có bốn cành, một ngọn là 5 tán. Cành hồi âm quặt phía sau tượng trưng cho đuôi chim. Hai cành tả hữu thành hình hai tán xòe như hai cánh chim đang xòe múa. Cành ức nhỏ hơn các cành khác, ngọn cây để dài ra vươn lên, tượng trưng cho đầu chim. Dáng cây có làn đi ngang, hơi chúc xuống làm biểu tượng con chim phượng hoàng đang múa đón con người, vui với những thành quả tốt đẹp.

- Cây cảnh thế huynh đệ (hoặc huynh đệ đồng khoa): Cây một gốc, hai thân (có thể trồng ghép hai cây lại nhưng phải tạo thành một gốc). Hai thân có độ cao thấp, to nhỏ suýt soát nhau, kề sát nhau đẹp đẽ. Mỗi thân đều có 5 tán, các tán đan xen nhau. Ngọn cây nhỏ phải ngả hướng sang cây lớn như anh em, biểu lộ tình âu yếm ruột thịt.

Cây cảnh  làm cho con người ta thư thái hơn, hướng tới cái đẹp, cái thiện, sống đẹp đẽ và tốt lành hơn. Con người tạo dựng và chơi cây cảnh cũng là tạo dựng cuộc đời, tâm hồn, trí tuệ, ước muốn của mình. Như vậy, cây cảnh đã mang theo tâm hồn của người chăm sóc. Đó là những tác phẩm nghệ thuật đặc biệt, có nhựa sống của thiên nhiên và con người làm cho con người hoà nhập với thiên nhiên vĩnh hằng và kỳ thú.

Các thông tin khác về cây cảnh

Chọn chậu cho cây cảnh
Các dáng, thế cây cảnh
Các loại cây làm cây cảnh
Cây thủy sinh làm cảnh
Cắt tỉa cây cảnh
Kỹ thuật ký đá cho cây cảnh
Uốn cành cho cây cảnh
Cách Uốn cành to cây cảnh
Cách Uốn cành to và cứng của cây cảnh

……………..
Xem thêm: cây làm thuốc, cây lá màu: cây công trình, cây bóng mát, phân bón, thuốc, sâu bệnh
Cây lộc vừng, cây bưởi, cây bằng lăng, cây sấu; cây cau vua; cây mít; cây xoài; cây vú sữa.