Cây bàng vuông - Cây đặc trưng của Trường Sa

Cây Bàng vuông – nguồn gen quí hiếm đến từ Trường  Sa

Bàng vuông, bàng quả vuông, bàng biển là một loài cây gỗ đặc trưng của các vùng đảo biển, thuộc họ Chiếc – Lecythidaceae, cùng chi với cây mưng (lộc vừng) – Barringtonia, với tên khoa học là Barringtonia asiatica. Do có lá trông hao hao như lá Bàng, quả có hình khối chóp nón 4 cạnh, nên nó được gọi tên “Bàng vuông”. Vì nằm trong họ Chiếc, nhưng lá giống lá Bàng nên nó cũng có tên là “Chiếc bàng”. Ngoài ra nó cũng còn được gọi là Bàng bí. Ngoài ra, có người còn gọi nó là cây Thuốc cá, do dịch từ tên tiếng Anh “Fish poisson tree”.

Đây là một loài cây vốn xuất thân từ rừng ngập mặn ven biển nhiệt đới và các đảo biển châu Á, từ Ấn Độ Dương tới Tây Thái Bình Dương, từ Zanzibar tới Đài Loan, Philippines, Fijii, New Caledonia và Việt Nam (tính ngữ asiatica trong tên khoa học loài đã nói lên điều này).

Ở Việt Nam, Bàng vuông xuất hiện ở các đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Côn Sơn, Thổ Chu, Phú Quốc…, được đánh giá là một loài quí hiếm và được ghi vào Sách Đỏ ở mức độ đe dọa bậc R (rare: hiếm).

Hiện nay, chúng tôi đã nhân giống cây bàng vuông và đang ươm trồng thử nghiệm tại Hà Nội, chúng tôi có thể cung cấp, bán cây bàng vuông giống các loại để trồng cây công trình, biệt thự sân vườn, khu công nghiệp, khu đô thị. Các cây bàng vuông giống cao từ 40cm đến 100cm, trong bầu đất 17x24cm. 

Bàng vuông thuộc loại cây gỗ trung bình cao khoảng 7-20 m, cây rụng lá vào mùa đông. Lá đơn, mọc cách, phiến hình trứng thuôn ngược, dài 20-40 cm, rộng 10-20 cm. Hoa lớn mọc thành hoa tự chùm đầu cành, mỗi hoa tự dài 5-15 cm, mang 5-10 hoa; lá bắc hình trứng dài 8-20 mm; lá bắc con hình tam giác dài 1,5- 5 mm. Cuống hoa dài 5-9 cm. Nụ hoa to 2-4 cm. Đài hợp hình ống, đỉnh phân 3-4 thùy. Tràng 4 cánh màu trắng, hình trứng hay hình bầu dục, cao 5-6 cm. Nhị rất nhiều, khoảng trên dưới 300, xếp thành 6 ống đồng tâm; chỉ nhị trắng, đỏ dần về phía đỉnh. Quả có đường kính khoảng 9-11 cm, hình chóp nón 4 cạnh (đôi khi 5), bên trong là lớp xơ xốp dày bao bọc một hạt có đường kính 4-5 cm. Mùa hoa tháng 4-5, mùa quả tháng 10-12.

Ở Philippines, vỏ và lá Bàng vuông được dùng trong y học truyền thống, gỗ dùng làm chất đốt, hạt dùng thuốc cá. Ở Việt Nam, cây được sử dụng chủ yếu là tạo bóng hoặc làm cảnh, nhưng số lượng không nhiều. Ở các đảo ven bở như, đảo Cồn Cỏ có vài cây cổ thụ nằm ở bờ biển phía đông bắc; ở đảo Lý Sơn có hai cây cổ thụ nguyên được trồng tạo cảnh ở cửa chùa Hang, ngoài ra bộ đội ở Cồn Cỏ và nhân dân ở Lý Sơn cũng có trồng một số cây nhưng cây còn nhỏ… Ở Trường Sa, ngày Tết, bộ đội dùng lá Bàng vuông gói bánh chưng, bánh tét.

................

Cây bàng vuông - hình bóng và tình cảm Trường Sa

Nếu ai đã từng một lần đặt chân đến quần đảo Trường Sa thì chắc chắn khó có thể quên những loài cây như: phong ba, bão táp, muống biển. Xong, có một loài cây đã đi vào tình cảm của mọi người khi nói tới Trường Sa, đó là cây bàng vuông.

Tôi đã 2 lần ra Trường Sa (năm 2006 và 2012), biết rất rõ Trường Sa. Trừ các đảo chìm, tất cả các đảo đều có cây bàng vuông. Và tôi cũng mắt thấy, tai nghe rất nhiều về loài cây này. Lần đầu tiên tới đảo Sơn Ca, thấy cây bàng vuông đẹp và lạ, tôi leo lên hái 4 trái, nhưng khi về tàu lại bị các chị trong đoàn xin hết. Trở về đất liền, mấy tháng sau, khi gặp lại nhau, một chị còn khoe: “Trái bàng của anh, em đã phơi khô, cất làm kỷ niệm rồi!”. Đến đảo Nam Yết, ai cũng thích chụp ảnh lưu niệm với gốc bàng vuông cổ thụ ở sân nhà chỉ huy. Ở đảo Sinh Tồn Đông, những cây bàng vuông rất sai quả đã làm say lòng ca sĩ Đào Nguyên ở Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng, khiến một sĩ quan trẻ cũng “động lòng” hái một trái tặng cô.

Đảo Trường Sa Lớn có cây bàng vuông rất to, thế đẹp, bóng mát ở sân nhà chỉ huy. Dưới gốc cây có kê bàn nước tiếp khách, các đoàn đến thăm đều ngồi trò chuyện ở đây. Thượng tá Đinh Văn Hải - Đảo trưởng kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện về cây bàng này. Nó được một đảo trưởng trồng cách đây 25 năm như gửi lời nhắn nhủ âm thầm cho những lớp người sau: Hãy bảo vệ, giữ gìn thành quả của những người đi trước. Cũng tại gốc bàng này, tôi tình cờ gặp được người em họ là Thượng úy Hoàng Mạnh Tùng, quê ở Ninh Bình, đang công tác trên đảo… Ở đảo Sinh Tồn, ngồi uống nước dưới gốc bàng vuông, tôi tình cờ gặp lại người quen cũ là Thiếu tá Văn Trọng Phú - Phân đội trưởng PĐ82. Năm 2006, gặp nhau trên đảo này, anh là trợ lý. Có lẽ, cây bàng đã làm nhân chứng của biết bao cuộc hội ngộ như vậy!

Trên đảo Song Tử Tây, bàng vuông có rất nhiều trái. Lần đó, đoàn chúng tôi có 4 chị rất thân nhau và mỗi người đều mong muốn có được 1 trái để làm kỷ niệm, nhưng cây quá cao nên phải nhờ một chiến sĩ trẻ ra hái. Chiến sĩ ấy đi đến gốc cây lại chần chừ. Lúc này, từ xa có tiếng nói của một sĩ quan: “Lên hái cho các cô đi em!”. Vậy là chiến sĩ trẻ trèo nhanh như sóc, mấy phút sau mang xuống 4 trái bàng vuông rất đẹp, bẽn lẽn đưa cho các chị như có điều gì muốn thanh minh, rồi chạy nhanh vào nhà. Người sĩ quan cho biết: “Trên đảo có quy định không được bứt phá cây để giữ cảnh quang, bóng mát; ai vi phạm sẽ bị trừ thi đua. Trong trường hợp có đoàn ra thăm, anh chị hái một vài trái làm kỷ niệm với đảo cũng không sao, nhưng chiến sĩ thì không dám vi phạm quy định. Có ý kiến chỉ huy, anh em mới dám”. Hóa ra là vậy, anh chỉ huy quá hiểu các đoàn khi đến đảo và tâm lý khó xử của chiến sĩ.

Đến đảo Trường Sa Đông, đoàn giao lưu văn nghệ với chiến sĩ dưới tán những cây bàng vuông, ánh nắng lọt qua khe lá trông rất đẹp. Ở đảo này, bộ đội ươm rất nhiều cây con. Trung úy Nguyễn Gia Khang cho biết: “Trước đây, chúng tôi không biết, chỉ khi nào thấy cây con tự nhiên mới đánh lên trồng. Đối với quả bàng vuông còn trên cây, nếu hái mang ươm thì không thể mọc; phải đợi quả già, rụng xuống, ngâm nước cho mục vỏ mới ươm thành công. Quả rụng xuống biển, trôi dạt vào bãi cát, đem đi trồng thì chắc chắn sống!”. Khi về, nhiều đoàn đã xin cây con trên đảo mang vào đất liền trồng làm kỷ niệm.

Tháng 1/2013, có dịp ra đảo Bình Ba (Cam Ranh), tôi nhìn thấy một cây bàng vuông trong vườn Trạm Ra đa T570. Gặp Ban Chỉ huy trạm để tìm hiểu, tôi được biết, anh Lê Hòa Bình - sĩ quan trong đơn vị đã nhặt được trái bàng vuông trôi dạt trên biển, rồi mang về ươm. Cả đơn vị ra sức chăm bón, đến nay đã gần chục năm, cây phát triển rất xanh tốt, cao hơn đầu người. Trung úy Lê Tuấn Anh cho biết: Trong đình làng Bình Ba cũng có một cây bàng vuông rất to.

Nhờ anh Võ Lâm Thuận - nguyên là chiến sĩ Trạm T570, ra quân năm 2004, lấy vợ trên đảo - hỏi thăm, Chúng tôi đến đình Bình Ba, thấy cây bàng vuông khá to, có cả hoa và trái. Theo ông từ của đình - Huỳnh Văn Bốn (sinh năm 1913), cách đây 10 năm, khi thấy anh Nguyễn Hải Hội (sinh năm 1981) mang cây từ Trường Sa về, ông động viên anh trồng ở đám đất trước đình để ông chăm sóc. Còn anh Hội cho biết: Năm 2002, anh đi bộ đội ra đảo Song Tử Tây. Thấy bàng vuông rất lạ, quả đẹp, hoa đẹp, sống khỏe, chịu mặn, anh mang cây con về trồng trước đình làm kỷ niệm. Được ông Bốn chăm sóc, đến nay, cây đã ra hoa kết trái. Đó là thành quả của 2 thế hệ: một già một trẻ, người trồng người dưỡng. Mỗi lần nhìn cây bàng, cả làng đều nhớ tới Trường Sa.

Đầu tháng 3/2013, có dịp ghé thăm cột cờ Hiền Lương (tỉnh Quảng Trị), niềm xúc động trong tôi dâng trào khi thấy cây bàng vuông được trồng cạnh những viên đá chủ quyền Trường Sa, ngay dưới chân cột cờ. Anh Nguyễn Vương Hoàng, nhân viên Ban Quản lý di tích cho biết: Hiện nay, trong công viên dưới chân cột cờ Hiền Lương có 21 viên đá chủ quyền và 10 cây bàng vuông do bộ đội Trường Sa gửi tặng. Một thoáng gợi lại trong tôi, mấy chục năm từ sau hiệp định Giơ-ne-vơ (20/7/1954) đến ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975), đây là nơi Mỹ - Ngụy chia cắt 2 miền. Hàng triệu lượt người vượt sông Bến Hải vào Nam chiến đấu, chỉ biết hy sinh mà không nghĩ ngày về. Bao nhiêu máu xương của cả dân tộc đổ xuống cho ngày nay non sông nối liền một dải. Vậy mà bây giờ, kẻ thù đang xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa, chiếm giữ trái phép một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của chúng ta. Đá chủ quyền, cây bàng vuông đặt dưới chân cột cờ Hiền Lương thiêng liêng như phát đi một thông điệp: Việt Nam phải là một quốc gia thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Trường Sa, Hoàng Sa là máu thịt của Việt Nam. Di tích cầu Hiền Lương và dòng sông Bến Hải minh chứng cho quyết tâm đó.

Bây giờ, nghĩ lại, tôi mới tâm đắc việc Bộ Tư lệnh Hải quân cho in ảnh cây bàng vuông có cả hoa và trái đặt vào khung tặng cho các đoàn ra thăm Trường Sa. Bởi lẽ, bàng vuông đã gắn liền với mảnh đất xa xôi và thiêng liêng này. Hình ảnh của nó chính là hình bóng và tình cảm thiêng liêng của Trường Sa, luôn nhắc nhở mọi người: “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước!”.

Theo baokhanhhoa

Xem thêm các thông tin khác về cây bàng

Cây bàng lá đỏ - ký ức tuổi thơ

Cây bàng Đài Loan - thích hợp trồng công trình

Cây bàng vuông - Cây đặc trưng của Trường Sa

BÀNG VUÔNG

Cây bàng bí

LỌNG BÀNG

……………..
Xem thêm các loại cây lá màu khác tại: cây lá màu
Xem thêm các loại cây bóng mát thân gỗ khác tại: cây bóng mát
Cây lộc vừng, cây bưởi, cây bằng lăng, cây sấu; cây cau vua; cây mít; cây xoài; cây vú sữa.

Comments