Cây bồ hòn - cây bóng mát

Cây Bồ hòn

Cây Bồ hòn còn được gọi là Bòn hòn, Vô hoạn tử; tên khoa học là Sapindus mukorossi, thuộc họ Sapindaceae là họ thực vật có nhiều cây ăn quả quen thuộc với người Á Đông nói chung và người Việt nói riêng như Vải, Nhãn, Chôm chôm. Vì vậy, nhìn lá Bồ hòn thấy hao hao lá Vải, nhìn quả Bồ hòn thấy hao hao quả Nhãn. Quả Bồ hòn là loại quả hạch (kiểu như xoài, cóc…), khi chín thịt quả mềm như đường mạch nha, có hoạt tính như xà phòng, được người dân nhiều nước Châu Á, trong đó có Việt Nam dùng làm xà phòng giặt áo quần từ hằng trăm năm về trước. Do vậy, từ tiếng Anh gọi quả Bồ hòn là soapnut (soap: xà phòng, nut: quả hạch) khiến tên cây bằng tiếng Anh là Soapnut tree, Soap nut shells, Soapnut whole, Chinese soap berry, còn tên tiếng Pháp là Savonnier. Cũng do khi chín, thịt quả mềm dần khiến cho vỏ quả nhăn nheo lại, nên dân gian có câu “Quả Bồ hòn trong tròn, ngoài méo”, nhưng khi chưa chín, vỏ quả căng tròn nên dân gian cũng có câu ví von “Khi thương trái ấu cũng tròn, khi không thương trái Bồ hòn cũng méo”. Ai đã một lần cầm quả Bồ hòn chín trên tay sẽ cảm nhận được mùi vị độc đáo của thịt quả – mùi đường thắng mứt, nhưng nếu vì thế mà nếm thử thì rất đắng. Có lẽ cũng đã từng có người, do bị khứu giác đánh lừa đã ngậm luôn cả một mảng thịt quả Bồ hòn chín trước mặt bạn bè khiến cho phải “lưỡng khai hai đoạn”, ngậm mãi thì đắng mà nhã ra lại sợ chúng bạn cười, và từ đó mà có câu “Đắng cay ngậm quả Bồ hòn” hay “Có con phải khổ vì con, Có chồng phải ngậm Bồ hòn đắng cay” chăng? Đúng là khi đã biết nó đắng thế, chẳng ai muốn ngậm quả Bồ hòn ngoại trừ trường hợp bất đắc dĩ.

Cây Bồ hòn là loài thực vật phân bố tự nhiên ở nhiều nước Đông Á, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và các nước Đông Dương. Chúng mọc tự nhiên từ độ cao 200 m lên đến 1.500 m và sinh trưởng phát triển tốt ở chân đất sét nhiều mùn.

Nó được xem là cây quan trọng nhiều mặt ở nhiều nước Châu Á do có gỗ tốt và đặc biệt quả là nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nhiều sản phẩm bảo vệ da, thuốc chữa bệnh, chất phụ gia công nghiệp và bột giặt.

Gỗ Bồ hòn cứng, nặng, màu vàng sáng, thường được dùng trong xây dựng ở nhiều vùng nông thôn, làm nông cụ, làm dụng cụ ép dầu hoặc ép đường.

Quả được dùng làm chất tẩy rửa, dầu gội đầu. Thịt quả có hàm lượng saponin cao, có tính kháng khuẩn, và là tác nhân sủi bọt nhẹ và tẩy rửa. Nhiều nước trên thế giới dùng quả Bồ hòn để làm nguyên liệu tẩy trong chăm sóc da, tóc và cho các hiệu giặt. Chính saponin trong thịt quả giúp ích cho việc tẩy các vết bẩn khỏi lòng bàn tay, làm giảm nhẹ bệnh chàm, bệnh vảy nến, và được dùng như một chất bổ trợ trong ngành dệt và sản xuất kem đánh răng. Nó cũng được dùng làm chất long đờm, gây nôn, ngừa thai, chữa chứng động kinh, chứng đau nửa đầu, trị chấy, ngứa ngáy, mẫn cảm da và điều chỉnh chứng chảy nước bọt thái quá. Cũng có nơi, quả Bồ hòn được dùng điều trị nhiều bệnh khác như cảm lạnh, mụn nhọt, động kinh, táo bón, nôn mửa… Một số nghiên cứu cho thấy nó còn có tác dụng ngăn ngừa sự phát triển các tế bào u bướu. Do thịt quả chứa nhiều tác nhân tạo bọt tự nhiên nên chất chiết xuất từ thịt quả có thể dùng cho việc chăm sóc da và tóc. Nhiều nơi xem quả Bồ hòn là một loại nguyên liệu sản xuất dầu gội đầu hảo hạng và bột giặt. Ở nhiều nước phương Tây (Canada, Mỹ, Anh…), quả Bồ hòn được xem là nguyên liệu chính để sản xuất xà phòng thân thiện môi trường, không độc hại, không gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe cộng đồng, và họ đã trồng rừng bồ hòn để sản xuất một loại bột giặt nổi tiếng có tên là Bohdi Soap Nuts.

Bồ hòn là một loài cây gỗ trung bình, rụng lá vào mùa khô ở vùng á nhiệt đới và vào mùa mưa ở vùng nhiệt đới. Cây có thân thẳng, hình trụ, vỏ thân xám nhẵn, bong vỏ hình vảy, lá kép lông chim với 5 – 10 cặp lá chét, vòm lá hình dù (bán cầu), tỏa rộng 5 – 6 m, thích hợp với việc trồng tạo bóng ở đô thị.

Theo ĐXC
……………..
Xem thêm các loại cây lá màu khác tại: cây lá màu
Xem thêm các loại cây bóng mát thân gỗ khác tại: cây bóng mát
Cây lộc vừng, cây bưởi, cây bằng lăng, cây sấu; cây cau vua; cây mít; cây xoài; cây vú sữa.
Comments