Cây chò đen - cây đường phố

Cây Chò đen

Cây Chò đen, tên khoa học là Parashorea stellata Kurz., thuộc họ Dầu – Dipterocarpaceae, phân bố ở Đông Dương và Myanmar. Ở Việt Nam, nó phân bố tự nhiên từ Quảng Trị vào đến Khánh Hòa, lên Tây Nguyên. Ở Thừa Thiên Huế, nó được gặp rải rác ở A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc.

Cây có lá hình bầu dục, dài 6-10 cm, rộng 3-4 cm, đỉnh lá nhọn hơi cong, khi trưởng thành mặt trên màu xanh lục, mặt dưới có lớp phấn trắng với 9-11 cặp gân bên nổi rõ. Hoa mọc thành hoa tự chùm ở đầu cành. Quả hình cầu, đường kính khoảng 1 cm, mang 5 cánh gần đều nhau, phát triển từ đáy quả và ôm quả bên trong.

Chò đen là một loài cây gỗ rừng lớn, thân thẳng, tán hình tháp. Cây cho gỗ tốt, màu hồng hơi vàng hoặc nâu xám, vàng tùy điều kiện lập địa, chéo thớ nhưng dễ chẻ dọc, chịu được nước kể cả nước mặn. Gỗ  được dùng xây dựng, đóng tàu thuyền…

Cây Chò đen có khả năng tái sinh hạt mạnh. Do mang 5 cánh, quả phát tán nhờ gió giúp cây phát triển cá thể trên một bán kính không gian khá rộng. Khi rơi vào môi trường đủ ẩm, quả hút nước giúp hạt nảy mầm để hình thành cây con. Ở tuổi cây mạ, cây cần che bóng để sinh trưởng, nhưng sau đó ưa sáng dần, cho đến khoảng tuổi 2 thì cây ưa sáng hoàn toàn. Từ thời gian này trở đi, nếu bị che chắn, cường độ chiếu sáng yếu, cây sẽ sinh trưởng kém, cong vênh, von tược, lệch tán, bệnh tật và có thể bị triệt tiêu. Đây là điều cần chú ý khi đưa cây vào hệ thống cây xanh đô thị.

Giá như, một vỉa hè đường phố nào đó được thiết kế trồng một hàng Chò đen thẳng tắp, thì cứ đến mùa xuân, cư dân đô thị và du khách lại có dịp chiêm ngưỡng những tháp màu lạ mắt, lúc ấy cảnh sắc đô thị cũng đa dạng và vui nhộn hơn hẳn. Có điều cần lưu ý là, phải chọn vỉa hè đủ rộng để trồng, vì Chò đen thuộc loại cây gỗ lớn, khi trưởng thành lại có bạnh to hơn cả mét chiều ngang, có thể làm hỏng mặt vỉa hè, choán không gian, gây trở ngại cho việc đi lại.

Cũng cần biết thêm rằng, Chò đen là một loài được xếp ở mức CE (Critically Endangered) trong Danh sách Đỏ IUCN 2008 (The IUCN Red List of Threatened Species 2008). Tuy nhiên, ở Việt Nam, nó không được xem là loài quí hiếm, nhưng việc phát triển số lượng cây Chò đen là một việc làm có ý nghĩa đối với Công ước Bảo tồn Đa dạng Sinh học Toàn cầu. Tôi nghĩ rằng, làm được thế sẽ được thế giới trân trọng, đồng thời cũng góp phần vào công cuộc giáo dục – đào tạo thế hệ trẻ.

Như đã nói, Chò đen có khả năng tái sinh hạt mạnh, việc nhân giống nó không khó. Nguồn giống tại địa phương cũng dễ kiếm, chỉ cần hợp đồng với một đơn vị kinh doanh khai thác lâm nghiệp hoặc một khu bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, Vườn QG Bạch Mã chẳng hạn… chúng ta sẽ có đủ quả giống để gieo ươm. Ngoài ra, nếu cần số lượng lớn có thể mua quả từ Tây Nguyên, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng… Thiết nghĩ, với tiềm năng sẵn có của mình, các vườn ươm cây xanh đủ sức có cây giống Chò đen để cơ cấu vào hệ thống cây xanh của thành phố trong thời gian không xa.

Theo ĐXC


……………..
Xem thêm các loại cây lá màu khác tại: cây lá màu
Xem thêm các loại cây bóng mát thân gỗ khác tại: cây bóng mát
Cây lộc vừng, cây bưởi, cây bằng lăng, cây sấu; cây cau vua; cây mít; cây xoài; cây vú sữa.

Comments