Cây Đa gáo – một loài cây xanh có dáng dấp hùng vĩ Không rõ bắt đầu tự bao giờ, cây đa đã trở thành biểu tượng độc đáo, thâm nhập dần vào nền thơ ca Việt Nam, nhất là thơ ca bình dân. Qua những câu ca dao, tục ngữ, hò, vè, … chúng ta hình dung được những nơi đa tọa lạc. Chẳng hạn như “Trǎm nǎm dầu lỗi hẹn hò, Cây đa bến cũ con đò khác đưa…” hoặc “Cây đa bến nước sân đình…“. Đôi khi, để nói lên tính chất hoành tráng, đồ sộ và tuổi thọ cao niên của đa, người ta có câu “Cây đa cậy thần, Thần cậy cây đa.” hoặc “Cây đa, cây đề“…Tuy thế, để xác định đó là cây đa gì thì đâu phải chuyện dễ. Từ xưa, người Việt đã biết đến quá nhiều loài đa, chỉ có điều là, mỗi người một nghĩ, mỗi miền một cảm nhận, lắm khi cùng một cây, nhưng được biết dưới nhiều tên khác nhau, và ngược lại, cùng một tên lại chỉ hai ba cây khác loài. Những loài đa thường thấy ở Việt Nam có thể kể như: Đa lông, Đa sộp, Đa bút, Đa xanh, Đa đề, Đa cao, Đa gáo… Chúng đều là những loài cùng chi Sung – Ficus, thuộc họ Dâu tằm – Moraceae. Điểm chung của chúng là toàn thân có nhựa mủ trắng, hoa tập hợp thành cụm hình cầu tạo nên quả giả, đa số có hệ rễ phụ mọc thõng từ thân, cành. Những rễ này cứ theo chiều trọng lực để cắm vào đất, rồi cố định, tăng dần kích thước tạo thành những thân giả hay trụ đỡ, làm tăng khả năng chống đỡ cho cây. Chính vì thế, nhiều cây đa, khi càng già, các cành mọc chếch, thậm chí mọc ngang, cứ vươn dài ra tứ phía khiến cho vòm tán được mở rộng dần, đôi khi che bóng một khoảng không cả ngàn mét vuông, nhưng cành không đổ gãy, là nhờ những rễ phụ chống đỡ. Nhiều trường hợp, một hạt nhỏ của quả đa vô tình phiêu bạt, bám lấy một cành cây nào đó, nảy mầm thành cây mới, dần dần rễ chính, rễ bên cùng rễ phụ phát triển bao quanh thân cây chủ, nối kết nhau như một lớp da (có thể vì thế mà nó có tên “đa”, một âm cổ của “da”), và lắm khi thắt nghẹt khiến cây chủ chết dần. Cũng có không ít trường hợp, chúng phát sinh, phát triển trên các công trình kiến trúc bị lãng quên, để rồi xâm hại khiến công trình đó đi đến sập đổ. Có một loài đa thường gắn liền với nhiều công trình kiến trúc cổ, với một số không gian cảnh quan đô thị thoáng đãng, rất đáng được lưu tâm, đó là Đa gáo. Đa gáo có tên khoa học là Ficus callosa, vơi tên đồng danh là Ficus malunuensis. Do phân bố khắp các vùng ôn đới và nhiệt đới Châu Á, bao gồm Việt Nam, Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Ấn Độ, Sri Lanka, Indonesia, Malaysia, Philippines, nên nó mang khá nhiều tên địa phương như kalukoi, hindang, taloot, ilat-ilatan… Đây là một loài đa có hình thái đặc trưng, khác với nhiều loài đa khác ở điểm là, nó không có rễ phụ, cành nhánh ngắn, mọc chếch, tạo tán gọn hình trứng; khi trưởng thành có bạnh lớn; quả giả to đến vài cm, có cuống; thân hình trụ rất thẳng; cây cao 15 đến trên 20 m. Một cây Đa gáo tọa lạc ở một góc đình, chùa, miếu cổ hay một công trình kiến trúc cổ kính sẽ làm tăng vẻ uy nghi, hoành tráng cho cảnh quan ở đó. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp, do mọc tự nhiên bên cạnh một tường thành hay một miếu cổ, thấy đẹp người ta cứ để cho nó phát triển tự nhiên, đến lúc cây to lớn, bạnh của nó đã chèn lấn gây đổ tường, hư hỏng công trình. Cho đến nay, Đa gáo chỉ là một loài cây xanh tự phát, nó luôn là loài mọc hoang dại, nhưng nhờ có dáng đẹp, phù hợp với việc tôn tạo cảnh quan nên được các nhà quản lí công trình kiến trúc cổ và các khu vực công sở chấp nhận. Từ đó, nó đã mặc nhiên góp mặt vào hệ thống cây xanh đô thị mà không bị loại trừ. Thiết tưởng, các nhà quản lí hệ thống cây xanh đô thị cũng nên nghiên cứu, xem xét, để nhân giống và thiết kế trồng một số nơi thích hợp, thì sẽ phát huy được khả năng tôn tạo của một nguồn gen bản địa vốn hình ảnh đã ăn sâu vào tiềm thức dân gian. Theo tôi, việc nhân giống không khó và nguồn giống thì đã có sẵn tại chỗ rồi. Theo ĐXC
|