Cây Dó bầu - ươm trồng, chăm sóc

CÂY DÓ BẦU

(Aquilaria crassna Pierre ex Lecomte hoặc Aquilaria agallocha Roxb.)

Là loại có khả năng tụ trầm cao.

- Họ: Thymeleaceae.

- Bộ: Thyméales.

- Lớp: Song-tử-diệp

- Ngành: Hiển hoa (bí tử)

Trên thế giới, có khoảng 25 loại Dó Bầu chỉ mọc rải rác ở các nước Ðông Dương.

Cây Dó Bầu sống lâu năm, thuộc loại thân gỗ, cao 30-40m, vỏ xám, có xơ.

Lá dó bầu mọc so le, thuôn hay bầu dục ngọn giáo, nhọn ở gốc, thon hẹp ở đầu, dài 8 - 10 cm, rộng 3,5 - 5,5 cm, có mép phồng lên thành vòng, mặt trên màu lục, sáng bóng, nhẵn, mặt dưới nhạt hơn có lông mềm. Hoa thành chùm hay thành tán, nách lá có lông.

Quả dó bầu khô, loại quả nang, hình quả lê có lông lún phún, dài 4cm, rộng 3cm, dày 2cm. Hạt chỉ có 1 phần chính ở trên dạng nón và phần kéo dài ở dưới, vỏ ngoài hoá gỗ, bên trong mềm. Cây thường ra hoa kết quả từ tháng 3 đến tháng 6.

Chúng tôi cung cấp, bán cây dó bầu các loại trồng làm cây bóng mát, cây cảnh quan cho công trình, các khu biệt thự, khu sân vườn; Các cây dó bầu kích cỡ nhỏ có đường kính gốc từ 10 cm - 20 cm, cây dó bầu trung bình đường kính gốc từ 20 cm đến 30 cm, cây dó bầu lớn đường kính gốc trên 30 cm. Dó bầu là loại cây dễ trồng, tuy vậy, khi đánh chuyển cây, nên được đánh bầu, vận chuyển đúng mùa có thời tiết thuận lợi thì tỷ lệ sống sẽ cao. Hãy liên hệ với chúng tôi để có thông tin chi tiết.

Gỗ cây Dó Bầu có khả năng hình thành một loại sản phẩm đặc biệt gọi là Trầm Hương, do cây bị bệnh hoặc bởi tác động bên ngoài. Căn cứ vào sự tụ nhựa nhiều hay ít để tạo Trầm mà có những sản phẩm khác nhau: Tóc, Trầm Hương hay Kỳ Nam.

- Tóc: Do sự biến đổi một phần chất gỗ, hình thành những đường đen như sợi tóc (lượng tinh dầu ít, thường dùng làm nhang đốt)

- Trầm Hương: Do sự phân hóa không trọn vẹn của các phần tử gỗ, ngấm tinh dầu Trầm nhiều hơn Tóc, có màu nâu, hay sọc đen. Loại càng tốt thì ít nổi trong nước (trầm = chìm).

- Kỳ Nam: tốt nhất, do sự biến đổi hoàn toàn của các phần tử gỗ, thấm nhiều tinh dầu Trầm, có màu nâu đậm, đen, xanh, vàng hay trắng. Kỳ Nam nặng, chìm trong nước, có vị đắng, thường hình thành ở phần lõi của cây trầm.

Theo nghiên cứu của Cty Dó Bầu Hương thì cây Dó bầu là loại này có khả năng tụ Trầm chất lượng cao nhất: Kỳ nam, Trầm loại 1, 2.

Dó Bầu Hương là một chọn lựa sáng suốt nhất khi nhân rộng mô hình trồng cây Dó vì những tính ưu việt của chúng:

(1) Tụ trầm chất lượng cao hơn các giống Dó Bầu khác gấp hai, gấp ba lần, do đó đem lại một nguồn siêu lợi nhuận cho người đầu tư.

- Dó Bầu Hương sẵn chứa một nguồn tinh dầu với hương thơm đặc biệt quyến rũ các loại côn trùng, vi sinh, vi nấm. Chúng thích cộng sinh và phát triển trong thân cây, thuận lợi cho việc tăng tiết một số chất cần thiết để kích thích sự tụ Trầm.

- Dó Bầu Hương có thớ gỗ mềm hơn các loại Dó Bầu khác, giúp các côn trùng dễ đục khoét, các vi sinh vật khác dễ tạo vết thương nơi thân cây, mộc tố dễ bị thoái biến khi tinh dầu Trầm tích tụ. Ðó yếu tố thuận lợi cho việc kết Trầm chất lượng cao.

(2) Phát triển nhanh khi di thực vào vườn hộ vì thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng Việt Nam, nhất là vùng cao nguyên và đất đỏ bazan.

(3) Có khả năng tái sinh cao: Trồng một lần, hưởng nhiều đời vì cây cho thu hoạch qua nhiều chu kỳ (7-8 lần, chồi tái sinh phát triển thành cây mới sau khai thác trầm và chừa lại gốc). Gốc để lại lâu năm còn cho được Trầm chất lượng cao đặc biệt.

(4) Bảo vệ tốt sức khỏe con người: nhờ tinh dầu có chứa chất định hương và nguồn dược liệu quan trọng.

(5) Có thể tận dụng tất cả các thành phần của cây từ cành, lá, gốc, rễ, ngọn để chế biến nhang trầm, dược liệu và các nhu yếu phẩm khác như trà hương (bổ thần kinh, sức khỏe), kẹo ngậm sát trùng, dầu gội, xà bông sát khuẩn, sữa tắm, kem đánh răng, thuốc hút v.v.

Như vậy nếu vùng nguyên liệu cây Dó bầu rộng lớn, chỉ sau vài ba năm là có thể thu mua lá Dó bầu (cho người dân nghèo có thu nhập sớm) để chế biến các nhu yếu phẩm trên.

II - KỸ THUẬT TRỒNG CÂY DÓ BẦU HƯƠNG:

Việt Nam là nước được thiên nhiên ưu đãi, khí hậu rất thích hợp cho việc trồng Dó bầu tạo Trầm.

Cây Dó Trầm sống được trên nhiều loại đất: tốt nhất là đất đỏ bazan, trừ đất ngập úng, nhiễm phèn, nhiễm mặn hoặc đất trên nền đá vôi.

Trạng thái thực bì thích hợp với đất trang trại, rừng nghèo kiệt, rừng sau nương rẫy hoặc vườn hộ.

Cây giống Dó Bầu Hương được ươm từ hạt. Cây tiêu chuẩn 8-12 tháng tuổi, cao trên 40 cm, đường kính cổ rễ trên 0,35 cm và không bị sâu bệnh. Hạt lấy từ những cây mẹ >12 tuổi, được ươm trong bầu đất theo phương pháp truyền thống. Hạt giống mất khả năng nẩy mầm rất nhanh (1 tuần lễ ) nên khi lấy hạt là phải ươm ngay.

1- Thời điểm trồng cây dó bầu: Tốt nhất vào đầu mùa mưa.

2- Phương thức trồng cây dó bầu: Tùy thuộc vào loại đất, dạng thực bì.

+ Trồng độc canh:

- Nếu trồng trên đất trang trại, đất rừng sau nương rẫy thì theo qui cách cụm tam giác đều: cây cách cây1,2-1,5 m; cụm cách cụm từ 2-4m. Mật độ 1.600-2.000cây/1ha.

- Nếu trồng trên các loại đất rừng nghèo kiệt: cây cách cây 2 m, hàng cách hàng từ 10 -12,5 m. Mật độ trồng từ 400-500 cây/ha.

+ Trồng xen canh:

Rất thích hợp vì cây dó bầu chịu bóng râm, phát triển nhanh khi sống chung với những cây khác. Vì thế trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ta không phải đốn bỏ những cây đã có sẵn mà xen vào vườn tiêu, điều, cà phê, chè, sa nhân, các loại cây ăn trái hoặc cây ngắn ngày như thơm (dứa), cây họ đậu, bắp, dưa, ớt vv. lấy hoa lợi có sẵn nuôi cây Dó bầu (của để dành).

Riêng cây cao su thì không nên trồng chung với cây Dó trầm vì nó phát triển nhanh và có tán lớn.

* SƠ ÐỒ TRỒNG CÂY DÓ BẦU TẠO TRẦM:

Nên trồng theo cụm tam giác đều, cây cách cây 1,2-1,5m, cụm cách cụm 2-3m, hàng cách hàng 2-4 m.

Lợi ích: Trồng theo cụm tam giác giảm thiểu chi phí khoan cấy tạo trầm sau này (bắc một giàn, khoan cả ba cây). Khi cây đã cấy chất xúc tác, do có nhiều vết thương nên gió mạnh dễ làm gãy cây. Ta có thể niềng một cụm ba cây: ngọn với ngọn - gốc với gốc vào nhau thành một khối để bảo vệ cho cây.

3- Phương pháp trồng cây dó bầu:

* Xử lý thực bì :

a / Ðối với các loại đất rừng nghèo kiệt:

Trước khi trồng dó bầu cần xử lý thực bì theo băng chặt, chiều rộng của băng chặt bằng 1/3 - 1/2 chiều cao bình quân của rừng. Cần xử lý toàn bộ thực bì băng chặt, gốc chặt cao không quá 15 cm, băm nhỏ, xếp gọn, sau đó đào hố trồng trên băng chặt, mỗi băng một hàng cây.

b / Ðối với các loại đất rừng sau nương rẫy:

Xử lý thực bì toàn diện, băm nhỏ, dọn sạch sau đó đào hố trồng dó bầu theo hàng.

- Ðào hố: kích thước 40x40x40 cm. Trộn đều 1/2 đất + 1/2 với tro trấu cho xốp đất rồi đặt cây, lấp hố. Có thể không bón phân lót trước, đến khi cây bén rễ sẽ nhấp phân từ từ.

- Nếu muốn bón phân lót thì tốt nhất là dùng phân vi sinh hoặc phân chuồng (phân trâu, bò). Sử dụng phân chuồng đã oai (14% phân +1% super lân).

Khi đào để lớp đất mặt sang một phía. Ðào hố phải hoàn thành trước khi trồng 1 tháng. Dùng lớp đất mặt trộn đều với phân để lấp hố. Hố lấp xong phải cao hơn mặt đất tự nhiên 2-3 cm. Bón phân, lấp hố, phải hoàn thành trước khi trồng 10-14 ngày.

Dó bầu là loại cây rừng, không nên dùng phân nhiều. Ðộ đạm cao làm cây dễ bị bệnh và chết. Không nên dùng phân heo. Phân gà tốt nhưng nóng và chỉ bón khi cây > 2 tuổi.

c / Ðối với vườn hộ:

Xử lý quanh gốc cây dó bầu với đường kính 1-2 m để các loại cây khác trong vườn hộ không ảnh hưởng đến cây Dó Bầu.

4-Kỹ thuật trồng dó bầu:

Trong quá trình vận chuyển, cây dó bầu có thể bị động rễ. Khi nhận cây con nhà vườn nên để ở chỗ có bóng mát để theo dõi, chăm sóc một thời gian (1-2 tuần lễ) cho tốt trước khi trồng. Tập cho cây dó bầu từ từ quen với nắng, gió. Không tưới cây vài ba ngày cho bầu khô, cứng mới đem trồng, sau trồng thì tưới cây. Lựa những cây dó bầu phát triển mạnh trồng trước, những cây có vẻ còn yếu thì phải dưỡng thêm một thời gian. Nếu cây dó bầu rụng lá thì để yên, dùng phân bón lá tưới phun sương (theo hướng dẫn trên chai phân ) cho cây bén rễ và ra lá trở lại. Khi nào gốc cây chết hẳn, cạo vỏ gốc cây không còn thấy màu xanh mà chỉ thấy một màu vàng khô là cây thực sự chết hẳn mới bỏ đi.

Chọn những ngày có mưa nhỏ liên tục, thời tiết râm mát, không có gió heo may để trồng dó bầu.

Cẩn thận, nhẹ tay, khéo không làm bể bầu đất vì bể bầu tỉ lệ cây chết sẽ cao .

Theo kinh nghiệm đã qua, để giảm tối đa tỉ lệ cây chết chúng ta sẽ trồng cây dó bầu gồm 2 giai đoạn:

- Giai đoạn 1: Dùng dao bén hoặc kéo sắc rạch vòng quanh phần nylon ở đáy bầu và bỏ đi, còn phần trên bầu đất vẫn giữ phần bọc ny lon (để giảm thiểu sự bể bầu con, đứt rễ cây).

Dùng cuốc, bay khơi rộng lòng hố vừa đủ đặt bầu, chiều sâu cao hơn chiều cao của bầu của bầu từ 1-2 cm. Sau đó đặt cây dó bầu ngay ngắn, thân thẳng, bầu tựa vào một thành hố, lấp đất và lèn chặt (còn giữ lại phần bọc ny lọn bao quanh bầu con). Vun đất quanh gốc cây cao hơn mặt đất tự nhiên 4-5 cm. Không trồng ở giữa hố để tránh bị sụp gốc.

- Giai đoạn 2 : để một thời gian khoảng một tháng cho cây dó bầu quen từ từ với môi trường đất mới và khi rễ cây ổn định, ta mới bới nhẹ gốc cây, dùng dao rạch thẳng một đường xuống vào bọc ny lon chứa bầu đất con trước đây còn chừa lại và lấy bỏ đi bao ny lon để giải phóng hoàn toàn bầu đất cho rễ cây được tự do phát triển.

* NHỮNG ÐIỀU CẦN LƯU Ý KHI TRỒNG CÂY DÓ BẦU HƯƠNG:

- Khi mới trồng nên cột cây dó bầu vào cọc để tránh lay động rễ khi có gió mạnh.

- Cây thích bóng râm. Nếu trồng một mình nó thì có thể che mát cây con bằng lá dừa. Chặt tàu lá dừa làm 2, làm ba rồi chống che hướng nắng chiều vào những ngày nắng gắt trong năm đầu.

- Nguyên nhân làm cây dó bầu chết thường nhất là do bể bầu, đứt rễ hoặc có tình trạng ứ nước, tăng độ ẩm trong bầu đất.

Do đó nên tưới phun sương, chớ cho ướt đẫm bầu hay gốc cây thường xuyên.

Khi cây bị vàng lá, kiểm tra độ ẩm của đất. Nếu độ ẩm đất tăng thì cây dễ bị nhiễm nấm (dùng Anvil hoặc các thuốc chống nấm ở rễ theo hướng dẫn trên chai thuốc) .

Cây Dó có sức sống mạnh, nếu cây bị động rễ, rụng lá, trơ cành thì chưa hẳn là cây đã chết, ta vẫn nên chăm sóc, cây sẽ ra nhánh mới. Chỉ sau 1 tháng chăm sóc mà cây không ra lá lại thì mới coi như cây thực sự chết.

- Vào mùa mưa nên vun gốc cây dó bầu hơi cao hơn mặt đất, khai thông những vũng nước đọng gần gốc cây, đào mương, hào thoát nước để tránh đọng nước ở gốc làm tăng độ ẩm của đất, ngập úng rễ, cây dễ bị chết.

- Mùa nắng nóng, vài ngày nên tưới đủ nước cho cây dó bầu phát triển nhanh. Không tưới xói vào gốc cây làm lồi rễ, cây sẽ bị tổn hại.

- Không nên trồng cây dó bầu vào đầu mùa nắng vì tình trạng nắng gắt, thiếu nước có thể làm cây không sống nổi.

III- CHĂM SÓC CÂY DÓ BẦU:

1- Chế độ chăm sóc cây dó bầu:

Cây dó bầu mới trồng cần được chăm sóc theo chế độ sau đây:

- Năm thứ nhất: Chăm sóc từ 1-2 lần.

- Năm thứ 2 đến năm thứ 3: Chăm sóc mỗi năm 2 lần.

- Từ năm thứ 4 đến khi rừng khép tán: Mỗi năm 1 lần.

2- Kỹ thuật chăm sóc cây dó bầu:

- Trồng giặm lại những cây con đã bị chết vào lần chăm sóc đầu tiên của năm đầu hoặc năm sau. Chọn cây sinh trưởng tốt, kích thước tương đương cây đã trồng. Luống phát dây leo, cây bụi và cỏ dại ở vườn trồng.

- Xới xáo quanh gốc cây dó bầu thành hình vòng tròn, đường kính 0,8 đến 1 m cho những lần chăm sóc từ năm thứ nhất đến năm thứ 3.

- Bón thúc cho cây 50 g phân NPK (thành phần 2 đạm, 1 lân, 1 kali) trong phạm vi vòng tròn đã xới xáo. Mỗi năm bón 1 lần thực hiện trong 3 năm đầu.

- Ðối với phương thức trồng theo băng, rạch phải tỉa cành, chặt cây ở băng chừa để điều chỉnh độ tàn che để năm thứ 4 cây Dó trầm được phơi ra ánh sáng hoàn toàn.

- Cẩn thận không dùng thuốc diệt cỏ, diệt côn trùng hoặc các hóa chất khác khi đã xới xáo đất vì rễ cây bị đứt có thể ngấm hóa chất và làm chết cây.

- Nếu dùng thuốc diệt cỏ thì phun thuốc trên cỏ, xa gốc cây.

IV- BẢO VỆ RỪNG DÓ BẦU TẠO TRẦM:

1. Phòng trừ sâu bệnh cho cây dó bầu:

- Sâu ăn lá thường xuất hiện phá hoại từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm. Biện pháp

diệt trừ là dùng dung dịch Trebon liều lượng 1,5-2 ml thuốc trong 1 lít nước rồi phun cho cây hoặc nuôi kiến vàng trên rừng Dó trầm.

Theo kinh nghiệm dân gian có thể trừ sâu ăn lá Dó bằng cách dùng Long não treo ở cành cây hoặc đâm nát trộn với dầu dừa và phun trên lá.

2. Phòng chống cháy rừng:

Triệt để phòng chống cháy rừng. Ở những nơi dễ gây ra hỏa hoạn phải có đường ranh cản lửa. Cấm đun nấu, đốt ong ở rừng dó bầu tạo trầm. Không được để người và súc vật vào phá hoại rừng.

V- KẾT LUẬN:

Tóm lại, cây Dó Bầu Hương dễ trồng, dễ sống. Nó là một lọai cây rừng nên không cần bón nhiều phân. Cách chăm sóc chỉ bằng 1/2 đến 1/3 cây ăn trái . Vào mùa nắng trong 2-3 năm đầu nên tưới cho cây sống tốt. Tình trạng khô hạn quá mức hoặc ngập úng rễ đều làm cây con có thể chết. Cần phòng chống cháy rừng.

Với cách trồng xen canh thì không tốn nhiều công lắm (một công đôi việc), lại thu về nguồn lợi lớn về sau.

Trồng cây Dó Bầu Hương để tạo trầm là bước đột phá mới trong lãnh vực cây trồng, là một hướng đi tuyệt vời hiện nay.

……………..
Xem thêm các loại cây lá màu khác tại: cây lá màu
Xem thêm các loại cây bóng mát thân gỗ khác tại: cây bóng mát
Cây lộc vừng, cây bưởi, cây bằng lăng, cây sấu; cây cau vua; cây mít; cây xoài; cây vú sữa.

Comments