Cây hoa ban

Độc đáo lễ hội hoa ban người Thái

đăng 15:50 28 thg 10, 2014 bởi công trình cây

Xuân sang, hoa ban nở trắng trên các sườn núi là lúc nam nữ thanh niên trong các bản người Thái Đen, Thái Trắng lại rủ nhau đi hội chơi núi, hái hoa mừng xuân. Đây cũng là dịp để họ cùng vui chơi, ca hát, đánh đàn tính, thổi khèn, múa xòe, trao và đón nhận tình yêu.
Từ sáng sớm của ngày hội, tiếng trống, tiếng chiêng, âm vang truyền lan núi rừng. Các bếp nhà sàn bập bùng lửa đỏ: đồ xôi, luộc gà, thái măng, có nhà mổ lợn bày cỗ. Rượu cần từng vò lớn, nhỏ được bê ra để chuẩn bị đãi khách. Đó là những công việc phần lớn thuộc về lớp trung niên và người già. Còn những chàng trai, cô gái thì áo quần, khăn váy chỉnh tề, gọi nhau í ới và cùng đổ ra đường dẫn đến những cánh rừng có nhiều hoa ban nở. Họ chọn những cành hoa đẹp nhất, vừa hé nụ đều nhất để tặng người yêu và bố mẹ. Theo quan niệm của người Thái, hoa ban không chỉ tượng trưng cho tình yêu, mà còn là biểu tượng của lòng hiếu thảo, biết ơn.
Cũng trong ngày hội này, trên dòng sông Đà, sông Mã diễn ra các cuộc hát giao duyên của nam nữ trên thuyền. Các cô gái duyên dáng che ô ngồi ở mũi thuyền, bên cạnh những đóa hoa ban tươi thắm vừa mới hái, cất lên tiếng hát những bài dân ca mượt mà, giãi bày cảm xúc và tâm trạng riêng tư, trong khi các chàng trai vừa lái thuyền, vừa đánh đàn tính, thổi sáo.
Hội mở vào dịp hoa ban nở, tổ chức định kỳ hàng năm, nhưng quy mô to hay nhỏ tùy thuộc vào thời tiết có liên quan đến sự được, mất của mùa màng năm đó. Vào khoảng tháng Giêng, người Thái rất chú trọng đến tiếng sấm đầu năm. Theo quan niệm lâu đời của đồng bào nơi đây, tiếng sấm là dấu hiệu linh thiêng, là “lời phán quyết của vua trời” có liên quan đến cuộc sống của bản mường, của mùa màng năm đó.
Người Thái cho rằng hễ năm nào nghe tiếng sấm rền từ phía thượng nguồn sông Mã, sông Đà thì năm đó có đại hạn. Do đó, hội Xên bản, xên mường năm này chỉ tổ chức nhỏ và đơn sơ. Các cuộc vui chơi, đàn hát coi như bị xếp lại. Các ngả đường dẫn vào bản đều có buộc cành cây xanh - dấu hiệu “cấm người ngoài vào bản, kiêng người ngoài lên thang” trong một số ngày “kiêng kị”. Nhà nào nhà nấy đóng cửa im ỉm và có cài lá xanh. Không khí sinh hoạt của bản trong những ngày này chùng xuống, đượm vẻ lo âu, buồn tẻ.
Ngược lại, hễ nghe tiếng sấm đầu năm rền ở phía thượng nguồn sông thì mọi người đều phấn khởi vui tươi. Họ tin rằng năm đó sẽ có mưa thuận gió hòa, triển vọng mùa màng sẽ bội thu, thóc ngô đầy bồ đầy kho, mọi người khỏe mạnh, ít ốm đau. Trẻ già cùng rủ nhau ra suối tắm, giặt, gội đầu. Những đồ dùng nấu ăn hằng ngày cũng được đem ra cạo rửa. Và tất nhiên, hội Xên bản, xên mường của năm đó cũng được tổ chức lớn hơn, rộn dịp hơn. Cả bản cùng mổ trâu, mổ heo, ăn uống, vui chơi nhiều ngày liền.
Độc đáo những ngày hội hoa Ban
Ngày thứ nhất, hội Xên bản, xên mường mở đầu bằng đám rước, tiếp theo là lễ hiến sinh cúng thần. Đám rước diễn ra từ nhà lớn của mường ra đình. Dẫn đầu đám rước là các chức sắc trong mường với trang phục đẹp may bằng the, lụa, có cờ, lọng, chiêng, trống, kèn, sáo, nhị đi kèm. Tiếp đến, các cụ già đội khăn đỏ, mặc áo tơ tằm vàng, quần chàm sẫm, thắt lưng xanh. Một số cụ mang theo cả cung nỏ. Một con trâu mộng to béo, được tắm rửa sạch sẽ được dắt theo, đôi sừng trâu bọc giấy màu lấp lánh, ở giữa trán và hai bên mông có dán giấy trắng cắt hình hoa ban to như miệng bát. Đi sau cùng là những chàng trai trong bản, mặc áo đỏ viền xanh, quần vàng, đội mũ chóp sơn dầu, chân quấn xà cạp đen tận đầu gối, đeo gươm hoặc giáo bên vai.
Tại đình, vị đảm già - thầy mo có uy tín, áo thụng xanh, mũ đuôi én đỏ, quần chàm, đi hài, bước ra trước hương án làm lễ cầu thần, sau đó lệnh cho dắt con trâu mộng ra làm lễ hiến sinh. Trâu được dắt đến nơi bãi rộng cạnh đình để mổ thịt. Từ lúc này, các trò vui của nam nữ thanh niên bắt đầu. Họ tổ chức múa xòe quanh nơi mổ trâu theo nhịp chiêng trống và cuộc vui chơi kéo dài cho đến khi pha xong thịt trâu mới chịu dừng.
Khi những mâm cỗ được dọn lên, thì chiêng trống cùng các nhạc cụ khác được chuyển về đình. Từng đôi nam nữ luân phiên hòa tấu cho tới lúc hạ cỗ. Đêm đến, nam nữ thanh niên vui chơi, ca hát cho đến khuya mới chia tay.
Ngày thứ hai là ngày thi bắn súng hỏa mai và cung nỏ. Mỗi người chơi phải bắn đủ hai mục tiêu tĩnh và động. Nếu thí sinh bắn trúng mục tiêu di động cả 3 phát thì được hưởng một mâm cỗ đầy, có xôi, thịt, gọi là pàn han do chính tay tạo mường chuẩn bị trước để tặng cho người đoạt giải trong cuộc thi tài. Già bản nhận khẩu súng hỏa mai từ tay nhà thiện xạ và lấy thêm một con dao sắc mới nguyên, chuôi bằng ngà voi, đặt chéo hai loại vũ khí này bày bên mâm cỗ nơi bàn thờ để cáo thần. Già bản đứng ra tuyên bố trước thần linh và các chức sắc, bô lão cùng dân chúng trong toàn mường, từ nay người được giải nhận trọng trách “Tuần Mường” (người trông coi việc an ninh trong mường).
Ngày thứ ba, là ngày hội tự do, sôi động nhất, có người tham gia đông đảo nhất. Ai thích trò chơi gì thì nhập cuộc vào các nhóm: ném còn, ca hát, thổi kèn, sáo, thi chim hót, thi trâu bò kéo… (tục lệ ở đây kiêng thi vật và cấm trâu bò húc nhau trong những ngày này).
Đối với nam nữ thanh niên, đêm hội cuối là đêm vui nhất, để lại nhiều kỷ niệm nhất. Dưới ánh trăng, màu trắng của hoa ban ánh lên trên nền xanh thẫm của rừng, tạo nên một vẻ đẹp thanh khiết. Giữa khung cảnh đầy thơ mộng ấy, cuộc thi hát giao duyên hòa cùng tiếng kèn, tiếng sáo giữa nam nữ diễn ra từ lúc trăng lên và kéo dài tới tận khuya. Họ tặng cho nhau những tấm phà (mặt váy thêu công phu), vòng đeo tay bằng bạc, trầu cau và những chai rượu nếp mang hương vị của rừng, của suối. Từ cuộc vui này, có bao nhiêu mối tình chớm nở và biết bao nhiêu đôi nên vợ nên chồng.
Hội Xên bản, xên mường mở vào mùa hoa ban nở là hội cầu mưa, cầu phúc của người Thái. Họ gửi gắm vào đó những ước vọng lớn lao về một cuộc sống bình yên, no ấm nơi bản mường, đồng thời cũng là dịp thi tài, vui chơi, trai gái tìm hiểu, tâm tình qua tiếng hát, tiếng đàn…/.

Nguồn : Tin tức Du lịch

Say đắm lễ hội hoa ban

đăng 15:46 28 thg 10, 2014 bởi công trình cây

Tháng ba về như một lời hẹn ước, hoa ban lại nở rộ nhuộm tím trên những con đường như một món quà lãng mạn mà mẹ thiên nhiên ban tặng cho núi rừng Điện Biên. Tháng ba về, người miền xuôi lại ngược núi, ngược đèo cùng rộn ràng đón chờ Lễ hội hoa ban – một trong những lễ hội được mong chờ nhất của người dân bản địa.
Không rực rỡ lung linh ánh đèn màu sang trọng, không xa hoa mỹ miều với nhiều trung tâm thương mại, tòa nhà cao chọc trời như phố thị nhưng Tây Bắc hút hồn du khách bởi vẻ đẹp mộc mạc và dung dị. Là các cô em gái người Mường – Thái đang tra ngô trên nương rẫy; các chàng trai đang say sưa múa khèn trong hội Xên Bản, xên Mường; là các già làng, trưởng bản đang ngồi say sưa kể sự tích hoa Ban bên bếp lồ ô cháy bập bùng … Chỉ vì yêu cái đẹp “chân chất” không tô hồng ấy mà nhiều người thường lựa chọn Tây Bắc như là cung đường du hý lý tưởng. Họ già có, trẻ có, tây ta đủ cả. Trẻ tuổi, ưa khám phá thường đi phượt; trung niên, cao tuổi lại thích đi theo hành trình tour để tiết kiệm thời gian, bảo đảm sức khỏe. Nhưng dù có “xê dịch” theo hình thức nào thì du lịch theo mùa hoa đang là xu hướng phổ biến. Này nhé, tháng 9, cung đường ngập sắc vàng của hoa dã quỳ trên cao nguyên Mộc Châu là đích đến đầu tiên của dân phượt. Tháng 11 vừa sang, họ lại xách ba lô ngược lên cánh đồng tam giác mạch tại Xín Mần, Hoàng Su Phì. Và khi mùa xuân mới bắt đầu trạm ngõ, khi hoa ban nở, chim cất tiếng gọi bạn tình da diết cũng là lúc từng đoàn xe lại nườm nượp nối đuôi nhau hướng lên Tây Bắc, Điện Biên để đắm chìm trong tiếng hát, điệu xòe của Lễ hội hoa Ban.
Lễ hội thường diễn ra vào giữa tháng 3 khi khắp Điện Biên được phủ trắng một màu hoa ban. Từng chùm ban trắng ùa xuống ngập thung sâu rồi lại leo vút lên cao bồng bềnh như mây vắt ngang qua đỉnh núi. Và đây, trong buổi sáng tinh mơ của ngày hội, tiếng trống tiếng chiêng âm vang lan truyền cả núi rừng; các bếp nhà sàn bập bùng lửa đỏ: đồ xôi, luộc gà; thái măng; mổ lợn; rượu cần từng vò lớn, vò nhỏ được rót đầy…. . Và kia, trên con đường uốn lượn chênh chao phủ đầy sắc trắng, các cô gái chàng trai đang xúng xính, dập dìu trong những bộ váy, áo sặc sỡ, í ới gọi nhau đi chơi hội. Họ hái tặng nhau những bông hoa ban mới hé nụ vẫn còn đọng sương mai và không quên trao nhau lời nguyện ước.
Cũng giống như bao lễ hội khác, Hội Ban diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi và hấp dẫn như: hát giao duyên trên sông Nậm Rốn, đẩy gậy, kéo co, ném còn… song múa xòe vẫn là tâm điểm, thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân bản địa và du khách phương xa. Khi tiếng đàn tính cất lên dìu dặt, trầm bổng cũng là lúc các cô gái Thái bắt đầu say đắm trong những điệu múa xòe truyền thống. Xòe vòng sôi nổi bao nhiêu thì xòe điệu lại nhẹ nhàng tinh tế bấy nhiêu. Xòe nón thì thật duyên dáng và hấp dẫn với chiếc nón trong tay lúc chụm vào, lúc mở ra như những cánh hoa ban. Có lúc nón lao nhanh trên đầu, lúc lại nhẹ nhàng quay trên vai, nghiêng nghiêng bên má, khi e thẹn xoay tròn trước ngực rồi lại dập dờn như cánh bướm mùa xuân. Bao mùa cây rừng thay lá, bao xuân sang cũng không làm cho vòng xòe có tuổi. Vào mùa xuân này, ở xứ Mường Trời - Điện Biên nhịp xòe vẫn bồng bềnh trong tiếng tính tẩu. Ta lạc bước vào Mường Phăng, Tuần Giáo, Tủa Chùa… như để thả mình với mùa xuân Tây Bắc.

Hoa ban tháng ba

đăng 15:40 28 thg 10, 2014 bởi công trình cây

Khi những cơn mưa phùn mùa xuân vừa dứt và nắng ấm dần lên cũng là lúc vùng đất Tây Bắc chìm trong sắc trắng tinh khôi của hoa ban. 

Các thảm hoa ban trắng lô xô trên các đỉnh núi, nối dài thành những thác ban chảy tràn từ đỉnh núi qua các vách đá, rừng cây xuống sát mặt đất là cảnh sắc đặc trưng vùng Tây Bắc trong tháng 3.

Người Thái coi hoa ban là một trong những loại hoa biểu trưng cho tình yêu. Cũng như món xôi ngũ sắc, màu tím biểu trưng cho sự thủy chung, màu đỏ là tình yêu sắt son, say mê, lãng mạn…Nhưng sắc trắng của ban không chỉ là sự thuần khiết, nó còn mang trong mình bản chất của tình yêu sáng trong, không vụ lợi, toan tính. Tình yêu đích thực từ những rung cảm trái tim, từ những cảm xúc chân thật. Ban cũng đại diện cho một tình yêu thủy chung, vĩnh cửu.

Hoa ban gọi về cả những mùa màng bội thu. Năm nao ban nở rực rỡ thì năm ấy mùa màng hanh thông, trọn vẹn. Dường như khi hoa ban nở trắng rừng thì những đợt mưa đầu mùa cũng chợt tới. Ban xà từ trên đỉnh núi, buông mình xuống những thung lũng ăm ắp nước đầy. Bà con lại hối hả gieo mạ, làm đất, đốt nương chuẩn bị cho mùa mới. Cha bình thản giục trâu bừa những thửa ruộng mới, mẹ lụi cụi be bờ dưới gốc ban trắng bình yên. 




Sắc trắng hoa ban tràn ngập núi đồi Tây Bắc.

Cái đẹp như một thứ tôn giáo đặc biệt, nó không giáo huấn, không kinh kệ, nó thuyết phục con người ta bằng những biểu tượng rất nhỏ như hoa ban chẳng hạn. Tháng 3, giữa lúc giao mùa, phát hiện ra triết lý ấy giữa đất trời Tây Bắc cũng đã thấy mình hạnh phúc.

Bài và ảnh: Thành Đạo

1-3 of 3