cây sung
Cách làm sung ra nhiều quả và đúng chỗ
Sung thường làm cảnh thường được chia làm 2 loại, sung nếp và sung tẻ. Cây sung nếp được ưa thích hơn vì chùm quả của nó rất nhiều quả và kích thước quả không quá lớn . Việc kích thích cho cây sung ra quả là hoàn toàn có thể làm được với phương pháp đơn giản. Làm cho cây rơi vào tình trạng no nước ,thừa chất, nhưng không úng nước . đơn giản ta chỉ cần đảm bảo chất dinh dưỡng cho cây từ việc bón phân và để nước trong chậu lúc nào cũng ở tình trạng ngập tới già 1/2 chậu. Sung là cây thân gỗ lâu năm có tên khoa học là Ficus glomerata Roxb. var. chittagonga King), thuộc chi Ficus, họ dâu tằm (Moraceae). Sung ưa đất ẩm, nhiều ánh sáng, thường mọc hoang ở những nơi như bờ sông, bờ suối, khắp các vùng đồng bằng, ven chân rừng ở những nơi hợp thủy. Cái mà người ta gọi là quả thực ra đó là tập hợp của nhiều hoa nhỏ bên trong tạo thành quả giả hình trái lê, bên ngoài có lớp lông mịn, cuống ngắn. Hoa lớn dần, vỏ từ màu xanh chuyển sang màu đỏ thẫm, chín và rụng rất nhanh, có mùi thơm hấp dẫn. Quả thường mọc từng chùm trên thân và những cành không mang lá . Sung có nhiều loại, phổ biến nhất ở nước ta là sung vè, sung xanh, sung nòi…cũng có những giống không cho quả, có giống khó ra quả nếu không được tác động bàn tay con người. ![]() Bạn hãy quan sát kỹ trên lá, nếu lá to hình mũi giáo, lá non có lông cả 2 mặt, lá già cứng, nhẵn, trên lá thường có những mụn nhỏ (do con sâu thuộc họ Psyllidae ký sinh) gọi là “vú sung” thì sớm muộn gì cây cũng sẽ cho quả, nếu không thấy các đặc điểm nêu trên thì có thể là giống không cho quả hoặc khó ra quả. Trong trường hợp này bạn nên tìm những cây sung đã cho quả chiết lấy cành hoặc lấy quả chín gieo trồng và tạo cây bonsai mới nếu muốn chơi sung như một biểu tượng của sự no đủ, tốt lành và may mắn (sung nở hoa). Nếu có các đặc điểm như nêu ở trên (đúng là giống sung cho quả), muốn cho sung ra quả có thể làm theo những cách sau: Ngừng tưới nước cho cây 15-20 ngày, vặt bỏ hết lá trên cây. Sau đó cây sẽ ra một đợt lá mới và hình thành nụ hoa và ra trái (khoảng sau 3 tháng). Mùa hoa thường từ tháng 6-8, mùa quả tháng 9-11, do vậy nên làm vào cuối mùa xuân. Dùng dao khía vài nhát vào thân cây cho chảy nhựa (khứa vừa đến phần gỗ), chỗ gần gốc cây sẽ kích thích cây ra hoa, ra quả. Nếu trồng trong chậu thì nên thay chậu to hơn, thay từ 1/2 đến 2/3 đất mới có bổ sung phân vi sinh, moi lỗ xung quanh chậu bón xác con cá hố biển muối sơ bít các lỗ thoát nước lại, ngưng tưới nước hoàn toàn cho tới khi cây rụng hết lá, khía thêm vài nhát nơi thân nhẵn, sau 2-3 tháng cây sẽ thay lá mới và sẽ ra, ra quả. Sau mỗi đợt ra quả bạn cần bón bổ sung một lượng phân NPK, tưới nước thường xuyên cho cây sinh trưởng, phát triển tốt, mã quả đẹp theo ý muốn. Khi quả đã rụng hết còn lại cùi hoa bám vào thân cây mẹ, sang năm từ cùi hoa này sẽ đâm ra những chồi hoa mới, tiếp tục cho quả. Lưu ý : Nếu cắt bỏ những cùi hoa này thì cây sẽ không tự mọc ra chồi mới ở vị trí đó nữa, quả sung sẽ mọc ra ở những chỗ mới nơi thân đủ già, ngày càng lên cao nên mất cân đối và rất xấu. Vì vậy, khi thay chậu không được cắt bỏ các cùi hoa này. Muốn trái ra chỗ khác cũng nên khía nhẹ như đã nói ở trên. Những quả mọc trên cành thường ko nên để vì sẽ làm chết cành nên vặt bỏ sớm hơn ,để giữ cành ko lao . Nếu do chăm sóc nhiều, lá sung to, dày nên không đẹp, muốn làm cho lá nhỏ lại, khi mầm lá nẩy ra được 2-3 lá, bạn dùng tay bấm bỏ ngọn làm cho mầm lá chùn lại không phát triển, lá sẽ già đanh nhỏ lại chỉ bằng ngón tay cái. Tiếp tục theo dõi khi thấy mầm ở các mắt lá cứ nhú ra độ 1-2 lá, lại tiếp tục bấm bỏ ngọn một vài lần như thế, những ngọn ra lần sau sẽ nhỏ lại, chờ cho lá già thẫm lại, tiếp tục chăm bón bình thường. Theo Cây cảnh quý. |
Cây sung trong ngày tết cổ truyền
Người Việt Nam rất thích trồng cây sung và bày sung trong ngày Tết. Trong mâm ngũ quả ngày Tết bao giờ cũng có thêm một chùm quả sung. Theo quan niệm dân gian, sung là loại cây cảnh mang ý nghĩa văn hóa tâm linh, tượng trưng cho sự sung mãn, tròn đầy. Vì vậy, nhà dù nghèo hay giàu, Tết đến đều có cành đào (hoặc mai) và một đĩa trái cây gồm xoài, dừa, đu đủ, mãng cầu và sung. Trong đó chùm sung được coi là vật linh không thể thiếu. Trong nghệ thuật, cây cảnh, đặc biệt cây cảnh thế ở Hà Nội, sung được đứng đầu trong bộ tam đa: phúc (sung), lộc (lộc vừng) và thọ (vạn tuế). Theo truyền thuyết Phật giáo, trái sung còn gọi là hoa ưu đàm. ưu đàm, tiếng Phạn gọi là Udambara, cây này sinh ra hoa ưu đàm, 3000 năm mới nở một lần nên gọi là Linh hoa thụy (hoa điềm linh). Khi hoa ưu đàm xuất hiện thì sẽ có bậc Kim Luân Vương xuất hiện hoặc điềm lành sẽ đến. Kinh Pháp hoa có nhắc lại lời Phật: “Thật khó mà gặp hoa ưu đàm." Cây ưu đàm (ưu đàm thụ) tức cây sung, còn gọi là vô hoa quả, tên khoa học Ficus racemosa L., thuộc họ dâu tằm (Moraceae). Cây thân gỗ, cao khoảng 15-20m. Lá hình ngọn giáo hay bầu dục, hơi có lông nhung trên cả hai mặt lá khi còn non, cứng, nguyên hay hơi nhăn nheo, dài 8-20cm, rộng 4-8cm; mọc so le; thường bị sâu ký sinh tạo thành mụn nhỏ (gọi là lá sung tật). Quả sung, thực chất là hoa, hay còn gọi là quả giả. Bên ngoài giống như một đế hoa, bên trong mọc tủa tủa những cánh hoa li ti và được khép kín lại thành hình tròn, giống như quả vậy. Hoa lớn dần, vỏ từ màu xanh chuyển sang màu đỏ thẫm, chín và rụng rất nhanh. Phổ biến nhất ở Việt Nam là sung vè, sung xanh, sung nòi... Sung rừng có cây to đến vài người ôm, cao trên 20m, trái quanh năm. Trên thế giới, sung có nhiều ở ấn Độ, Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Chúng thường mọc hoang ở những nơi ẩm ướt và cũng được trồng quanh bờ ao hoặc ven sông. Nhưng nhiều nhất là mọc ở núi cao, rừng thẳm. Người ta dùng quả sung, lá sung làm thực phẩm và dùng cả nhựa, lá, vỏ cây để làm thuốc. Đặc biệt, ở vùng Địa Trung Hải, có loại sung ngọt (Ficus carica L.), thân gỗ nhỏ, dạng bụi cao trung bình 3-4m, lá có hình chân vịt với 5-7 thùy cách nhau bởi những góc lõm sâu. Cây sung ngọt này mới được nhập về trồng ở Phú Yên và Khánh Hòa. Quả sung ngọt có vị ngọt, tính bình, tác dụng thanh nhiệt, trừ ho, cầm máu, trừ lỵ và nhuận phế. Quả khi chín ngọt, phơi khô có vị ngọt như chà là. Người ấn Độ dùng quả sung ngọt để giải khát và bổ dưỡng. Người Trung Quốc dùng làm thuốc chữa táo bón, viêm ruột, hầu họng sưng đau, bổ dạ dày, giải độc. Sung ngọt còn dùng chế biến thành mứt ăn bổ huyết. Ngày nay, cây sung được trồng trong bồn, chậu non bộ làm cảnh, rất được ưa chuộng. Người ta nhân giống bằng hạt (nhân hữu tính) hoặc bằng cách chiết cành, giâm cành (nhân vô tính). Thường nhân bằng hạt được thực hiện nhiều hơn vì tạo ra cây con khỏe hơn./. |
Cây sung chữa mụn nhọt
Để chữa mụn nhọt, sưng vú, cần rửa sạch mụn nhọt, lau khô, lấy nhựa sung bôi trực tiếp vào chỗ sưng (để hở đầu vú). Cũng có thể trộn nhựa sung với lá đắp lên chỗ đau.Cây sung mọc hoang và được trồng khắp nơi ở nước ta, là vị thuốc thường được dùng trong nhân dân. Lá, quả sung làm gia vị, nhựa sung được nhân dân dùng chữa nhức đầu và một số bệnh ngoài da, nhọt sưng đau, tụ máu. Một số ứng dụng: - Khi bị sây sát, đắp nhựa lá sung lên trên chỗ sưng đỏ hoặc tím. - Nếu mụn có ngòi muốn lấy ngòi ra, giã 1 củ hành với nhựa và lá sung đắp lên trên, để hở miệng. - Chữa nhức đầu: Phết nhựa cây sung lên giấy bản dán vào hai thái dương, kết hợp uống 5 ml nhựa hòa nước trước khi đi ngủ. - Chữa hen: Hòa nhựa sung với mật ong uống trước khi đi ngủ. - Phụ nữ ít sữa hay tắc tia sữa: Dùng quả sung, quả mít non nấu cháo gạo nếp hay nấu canh với chân giò lợn ăn. - Trên mặt nổi cục sưng đỏ: Dùng lá sung tật (có u) nấu nước nóng xông rửa mặt hàng ngày. - Trẻ em ghẻ lở: Lá sung non giã nhỏ xát vào, bong vẩy là được. BS Trường Giang, Sức Khỏe & Đời Sống |
Cây sung làm thuốc
Sung là loại cây phổ biến ở nước ta. Quả sung, lá, nhựa và vỏ sung đều được dùng làm thuốc để trị nhiều chứng bệnh khác như chốc lở, mụn nhọt sưng đau, tắc tia sữa, mất sữa... Dưới đây xin giới thiệu một cách chữa bệnh từ cây sung để bạn đọc áp dụng khi cần thiết. Trị đau đầu vùng thái dương: nhựa sung mới lấy, phết đều lên mặt của 2 mảnh giấy bản có đường kính khoảng 3cm, dán nhẹ vào 2 bên thái dương, sẽ có tác dụng giảm đau rõ rệt đồng thời có thể ăn 20 - 30g lá sung non hoặc uống khoảng 5ml nhựa sung tươi, hòa với nước sôi để nguội. Trị chốc lở đầu ở trẻ em: quả sung chín, giã nát, đắp vào nơi bị bệnh, để khoảng 1,5 - 2 giờ bỏ ra. Dùng nước sắc bạc hà rửa sạch mụn lở. Tiếp theo dùng hạt nhãn đốt cháy, tán bột mịn, rắc đều vào nơi lở loét. Ngày làm một lần. Hoặc dùng vỏ tươi cây sung, sài đất tươi mỗi thứ 50g, lá trầu không 30g, bồ kết 20g sắc nước gội. Ngày một lần. Hoặc dùng lá vú sung 40g; huyền sâm, huyết giác, ngưu tất mỗi vị 20g. Sắc uống, ngày một thang, trước bữa ăn 1 giờ. Uống vài tuần lễ. ![]() Quả, lá, nhựa và vỏ cây sung đều có tác dụng chữa bệnh. Trị mụn nhọt, sưng đau: Lấy nhựa sung tươi, bôi trực tiếp vào mụn nhọt hoặc nơi chốc lở, sưng đau, ngày bôi 2 - 3 lần. Cũng có thể dùng lá sung non giã nát với nhựa sung rồi đắp vào mụn nhọt sưng, đỏ, nóng, đau. Ngày vài lần. Với mụn chưa có mủ thì đắp kín. Nếu mụn đã vỡ mủ thì đắp hở miệng. Muốn lấy “ngòi” của mụn ra thì thêm vào hỗn hợp trên một củ hành khô, rồi cũng đắp như trên. Nếu có nhiều mụn đỏ mọc trên mặt lấy khoảng 500g lá sung nấu nước xông, ngày một lần, dùng nước xông rửa nơi có mụn. Trị sưng đau vú, ngã chấn thương bầm tím: dùng hỗn hợp nhựa và lá sung non giã nhuyễn, đắp nơi sưng đau, trừ núm vú. Khi bị ngã xây xát, chấn thương bầm tím cơ nhục, cũng có thể đắp hỗn hợp thuốc trên. Chú ý không bôi lên vết thương hở. Trị tắc tia sữa, viêm tuyến vú: dùng vỏ tươi cây sung, cạo bỏ lớp vỏ bần bên ngoài, thái mỏng, lá bồ công anh tươi, mỗi thứ 20g, lá cây phù dung tươi, mỗi thứ 20g, thêm ít muối ăn, giã nát, đắp vào nơi sưng đau. Ngày thay 2 lần thuốc. Lưu ý, nếu đã hóa mủ thì không dùng phương pháp này. Mất sữa: lá sung bánh tẻ, lá mít bánh tẻ, lá mơ tam thể mỗi thứ 30g, sắc uống, ngày một thang, chia hai lần uống, trước bữa ăn 1 - 2 giờ. Uống 2 - 3 tuần. Trị bỏng: lá vú sung phơi khô, sao vàng, tán bột mịn, trộn đều với mỡ lợn, bôi vào nơi bị bỏng. Ngày bôi nhiều lần. Trị sốt rét, phong tê thấp: vỏ cây sung, cây vú bò mỗi thứ 20g. Vỏ sung cạo sạch lớp bần bên ngoài, thái phiến mỏng, phơi khô. Cây vú bò cắt đoạn, phơi khô, chích mật ong. Cả hai đem sắc, ngày một thang, uống trước bữa ăn 1 - 1,5 giờ. Uống liền 2 - 3 tuần lễ. Trị cơ thể yếu mệt do khí huyết kém: lá sung bánh tẻ 200g, hoài sơn (sao vàng), liên nhục, đảng sâm, thục địa (chích gừng), hà thủ ô đỏ (chế), ngải cứu tươi, táo nhân (sao đen), mỗi vị 100g. Tất cả tán mịn, riêng ngải cứu sắc lấy nước, thêm mật ong làm hoàn có đường kính 5mm. Người lớn uống ngày 2 - 3 lần, mỗi lần 10 - 12 viên, trẻ em 5 - 10 viên. Tùy tuổi điều chỉnh liều. GS.TS. Phạm Xuân Sinh |