Cây tếch - kỹ thuật trồng

Cây Tếch – nguồn gen ngoại lai

Tếch là loài cây gỗ rụng lá có nguồn gốc ở Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan, dần dần được trồng hầu khắp các vùng nhiệt đới của trái đất, từ các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam sang đến châu Phi, châu Mỹ.
Ở Việt Nam, địa điểm trồng Tếch đầu tiên có lẽ là một trong hai huyện Vĩnh Cửu và Tân Phú, thuộc tỉnh Đồng Nai. Do được xem là một loài cây đa tác dụng, ngoài khả năng sản xuất gỗ nguyên liệu và chất đốt, Tếch còn có khả năng tôn tạo cảnh quan, cung cấp tanin, thuốc nhuộm và cả dược liệu nữa, nên sau một thời gian du nhập vào Việt Nam, cây tếch đã nhanh chóng được nhân rộng ra nhiều tỉnh thành Nam bộ, cả trồng rừng lẫn trồng tôn tạo cảnh quan . Ở Tây Nguyên, vào năm 1954, Trạm Nghiên cứu Lâm nghiệp Eakmat (tỉnh Daklak) đã bắt đầu trồng thử nghiệm trên phạm vi đất do mình quản lý, đến nay quần thể tếch đã trở thành những hàng cây cổ thụ rất đẹp.

Ngày đầu tiên đặt chân vào Việt Nam, Tếch được người trồng gọi tên theo âm tiếng Pháp “teck”. Sau đó, dần dần nó có thêm tên giá tỵ và báng súng (gỗ được dùng làm báng súng). Tên gọi tiếng Pháp “teck” có âm hưởng khá tương đồng với nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới, chẳng hạn như tiếng Tamil “tek”, tiếng Anh và Nepal “teak”, tiếng Sinhala “teaku”, tiếng Đức “tiek”, tiếng Tây Ban Nha “teca”…
Đây là một loài cây gỗ lớn, với tên khoa học là Tectona grandis,  thuộc họ Cỏ roi ngựa – Verbenaceae. Khi sống ở môi trường tối ưu, chiều cao cây có thể vượt quá 30 m, đường kính thân 60-80 cm. Gốc thân thường có múi và bạnh lớn, giúp cây đứng vững ở những địa hình dốc. Vỏ thân màu vàng xám, nứt dọc thành vảy nhỏ hẹp và dài khi trưởng thành. Cành non vuông cạnh, phủ lông màu rỉ sắt. Lá đa dạng: hình xoan, hình trứng ngược hoặc gần tròn; dài 20-60 cm, rộng 20-40 cm; đỉnh nhọn, đáy men theo cuống; mặt trên phiến lá nhẵn, mặt dưới phủ lông màu vàng nhạt; cuống dài 2-5cm, có phủ lông. Hoa tự hình xim viên chùy, mang nhiều hoa nhỏ, màu trắng. Quả hình cầu, đường kính khoảng 2 cm.
Cây ưa sáng toàn phần, mọc ở nơi thông thoáng không bị che chắn sẽ sinh trưởng khỏe, phát triển cân đối.
Nhân giống bằng hạt hoặc bằng phương pháp stump từ nguồn tái sinh tự nhiên, thích hợp cho việc trồng tạo bóng ở các công viên lớn hoặc trồng làm đai che chắn các nhà máy để lọc bụi, cản tiếng động, giảm tác động bất lợi cho môi trường chung quanh. Hệ rễ của tếch thường ăn nổi và có thể lan rộng đến 15 m, vì thế không thích hợp cho việc trồng trên vỉa hè đường phố, hơn thế nữa cây có lá quá lớn, khi rụng thường gây trở ngại cho công tác vệ sinh hoặc gây ắc tách cống rãnh thoát nước. 

Kỹ thuật trồng cây tếch và chăm sóc rừng trồng

1. Chuẩn bị đất trồng

- San ủi thực bì, đốt dọn, cày phá lâm phần bằng cày chảo 3.

- San bằng các gốc cây, gò mối, cày bằng cày chảo 7 hai lần để đạt độ tơi của đất.

Những nơi độ dốc cao, địa hình phức tạp không cày được thì tiến hành cuốc hố cục bộ.

2. Thiết kế mật độ trồng rừng

Tùy theo mục đích trồng và điều kiện khí hậu ở mỗi địa phương mà có mật độ trồng khác nhau, có thể trồng tập trung hay phân tán, trồng quanh hàng rào, …. Thông thường thì trồng rừng với mật độ 1.100 cây/ha, thiết kế theo kích thước 3 m x 3 m (hàng cách hàng 3 m, cây cách cây 3 m) để sau này cơ giới hóa được trong khâu chăm sóc và phòng chống cháy rừng. Sau 3 – 5 năm trồng, tiến hành tỉa thưa loại bỏ những cây xấu, sâu bệnh, gãy ngọn, tỉa giản mật độ chỉ để lại khoảng 50% số cây so với lúc trồng.

3. Đào hố

- Kích thước hố đào 30 x 30 x 30 cm.

- Hố được đào trước và bón phân NPK (15 – 15 – 15) từ 50 – 100 gram/hố, phân được trộn đều dưới đáy hố với lớp đất mặt.

4. Trồng cây tếch

Cho cây stump vào giữa hố, giữ cây thẳng đứng, dùng tay vun lớp đất mịn ở xung quanh vào gốc cây. Vừa vun vừa nén chặt gốc, lấp đất cao hơn cổ rễ từ 2 - 3 cm, hố lấp hình mu rùa.

5. Chăm sóc cây tếch

- Sau khi trồng 1 tuần đến 10 ngày, những vị trí có cây stump chết phải được trồng dặm ngay.

- Làm cỏ vun gốc 1 tháng sau khi trồng.

- Hàng năm định ký 6 tháng làm cỏ, bón phân, vun gốc một lần, lượng phân bón là 100 gram NPK/lần bón, kết hợp bón thêm phân chuồng hoặc các loại phân hữu cơ khác. Bón phân trong 3 năm đầu.

- Sử dụng cơ giới để cày sạch cỏ giữa 2 hàng cây từ năm thứ nhất đến năm thứ 3, thực hiện 2 lần/năm.

6. Bảo vệ, phòng chống cháy rừng

- Ngăn chặn trâu bò vào phá hoại cây trồng, tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân xung quanh vùng về ý nghĩa của việc bảo vệ rừng.

- Phòng chống cháy rừng bằng cách cày làm sạch cỏ theo băng.

- Trên mỗi hàng cây cần dãy sạch cỏ, làm đường ranh ngăn lửa, đặt biển báo cấm đốt lửa trong rừng ngay ngoài bìa rừng.


……………..
Xem thêm các loại cây lá màu khác tại: cây lá màu
Xem thêm các loại cây bóng mát thân gỗ khác tại: cây bóng mát
Cây lộc vừng, cây bưởi, cây bằng lăng, cây sấu; cây cau vua; cây mít; cây xoài; cây vú sữa.

Comments