BA GẠC LÁ VÒNG Rauvolfia verticillata (Lour.) Baill. 1888 Dissolena verticillata Lour. 1790 Ophioxylon chinense Hance, 1865 Họ: Trúc đào Apocynaceae Bộ: Long đởm Gentianales Mô tả: Cây bụi cao khoảng 1m hoặc hơn, phân cành nhiều, vỏ màu nâu xám hoặc trắng xám, nhiều bì khổng. Lá có cuống ngắn thường mọc vòng 3, đôi khi mọc đối. Phiến lá thuôn hoặc trái xoan, nhọn cả hai đầu, mỏng, dài 3,5 - 12cm, rộng 2 - 4cm, gân phụ hơi nổi rõ ở mặt dưới. Cụm hoa xim dạng tán, thường mọc ở chỗ tiếp giáp mới phân cành hoặc nách lá, hiếm khi ở ngọn. Cuống chung của cụm hoa dài 3 - 4cm, cuống tứ cấp ngắn hơn. Hoa nhỏ hình sống màu trắng hoặc trắng ngà, thường phình ra ở giữa ống, dài 1 - 1,5cm. Lá đài 5. Cánh hoa 5, đầu cành hoa gần tròn. Nhị 5, ngắn, đính ở họng (chỗ phình ra của sống hoa). Vòi nhụy nhỏ, đầu nhụy hình trụ tròn. Bầu 2 ô, đĩa ô 1/2 bầu, quả hạch gồm 2 phân quả. Hình trứng thuôn, đính nhau ở gốc. Khi chín màu tím đen. Hạt nhỏ, vỏ hạt có vân nhẵn. Toàn cây có nhựa mủ, nhất là ngọn và lá non. Sinh học: Mùa hoa tháng 4 - 6, mùa quả chín tháng 7 - 9. Mọc chồi nhiều vào mùa xuân. Loại chồi này sinh trưởng nhanh và có khả năng ra hoa trong cùng năm. Sau khi bị chặt phá, phần thân cành còn lại có khả năng tái sinh. Thậm chí cây bị chặt sát mặt đất, gốc còn lại vẫn sống và tái sinh. Ra hoa kết quả hàng năm nhiều. Tuy vậy số cây tái sinh tự nhiên từ hạt ít. Có thể trồng được bằng hạt vào mùa xuân hè. Nơi sống và sinh thái: Mọc ở rừng thứ sinh, bờ nương rẫy hoặc ven rừng chân núi đá vôi, độ cao dưới 1000 m. Cây ưa ẩm, ưa sáng và hơi chịu bóng. Cây thường mọc rải rác lẫn với một số loài cây cỏ khác. Phân bố: Việt Nam: Cao Bằng (Thạch An), Lạng Sơn (Văn Quan, Hữu Lũng), Sơn La (Mộc Châu), Tuyên Quang (Chiêm Hóa), Vĩnh phúc (Thanh Sơn), Hòa Bình (Lạc Thủy), Hà Tây (Ba Vì), Ninh Bình, Nghệ An (Kỳ Sơn). Thế giới: Trung Quốc. Giá trị: Nguồn gen qúy và gần đây trở nên hiếm dần ở Việt Nam. Rễ có chứa một số alcaloid được dùng làm thuốc hạ huyết áp. Tình trạng: Sẽ nguy cấp. Bởi lẽ cây mọc rải rác, lại trữ lượng không đáng kể. Cây thường xuyên lại bị chặt phá, do mọc gân nơi canh tác và nạn phá rừng làm nương rẫy. Mức độ đe dọa: Bậc V. Đề nghị biện pháp bảo vệ: Cần hạn chế khai thác tự nhiên. Nên khoanh vùng bảo vệ những nơi ba gạc còn sót lại, như các điểm: Văn Quan (Lạng Sơn), Thanh Sơn (Vĩnh phúc) và Kỳ Sơn (Nghệ An). Trồng giữa tại các vườn thuốc và vườn quốc gia. Mặt khác có thể nghiên cứu phát triển trồng để lấy nguyên liệu làm thuốc.
Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam - trang 230. |
CÂY CÔNG TRÌNH - Danh sách các loại cây công trình > Những loại cây công trình và cây trồng rừng khác >