BẰNG LĂNG

đăng 15:32 12 thg 9, 2013 bởi công trình cây   [ đã cập nhật 03:47 26 thg 6, 2014 ]

CÂY BẰNG LĂNG

Lagerstroemia calyculata Kurz.

Lagerstroemia angustifolia Pierre

Họ: Tử vi Lythraceae

Bộ: Sim Myrtales

Mô tả cây bằng lăng:

Cây Bằng lăng là cây rụng lá cao 30 - 35m, đường kính 40 - 80cm. Vỏ màu vàng nhạt, xen những mảnh màu nâu lục rất nhẵn, thịt màu vàng nhạt, nhiều xơ. Cành mảnh, có lông màu vàng. Lá bằng lăng hình mác thuôn, gốc tù, hơi lệch, đỉnh kéo dài thành múi, dài 7 - 14cm, rộng 2 - 5cm. Gân bên 10 - 13 đôi, có lông. Cuống lá dài 3 - 5mm, có lông.

Cụm hoa Bằng lăng hình chùy, có nhiều lông vàng, dài 12 - 20cm. Cánh đài hình chuông nhiều lông hình sao, trên mang 6 thùy hình tam giác. Cánh tràng 6, hình tròn hay hình tim ngược, rộng 2,5mm. Nhị nhiều, gần bằng nhau. Bầu 5 - 6 ô, có lông ở đỉnh, vòi dài; quả nang hình trứng, dài 12mm, chìm 1/3 trong đài, nứt thành 6 mảnh. Hạt dài 8mm.

Phân bố cây bằng lăng:

Thế giới: cây Bằng lăng có ở Lào, Campuchia...

Việt Nam: cây Bằng Lăng mọc ở, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Gia Lai, Kontum, Đắc Lắc, Lâm Đồng và nhiều tỉnh Nam bộ.

Sinh thái cây bằng lăng:

Cây bằng lăng ưa loại đất sâu dày có độ ẩm trung bình. Tái sinh bằng hạt và chồi đều tốt. Tốc độ sinh trưởng chậm.

Hoa bằng lăng tháng 6 - 7. Quả tháng 3 - 4 năm sau.

Công dụng cây bằng lăng:

Gỗ bằng lăng có dác lõi phân biệt, dác màu trắng, lõi màu vàng xám hay màu nâu, cứng và nặng. Tỷ trọng 0,71 - 0,90, vòng năm khó thấy, tia rất nhỏ, mật độ rất cao. Gỗ kém bền nếu để ra ngoài trời, dễ cưa xẻ nhưng khó gia công.

Tài liệu dẫn: Cây gỗ kinh tế - Trần Hợp, Nguyễn Bội Quỳnh - trang 481.

Xem thêm

Các loại cây công trình và trồng rừng khác, kỹ thuật trồng cây Bằng Lăng

Các cây làm thuốc khác   

Các tin tức khác 

Comments