ĐỖ TRỌNG TÍA Euonymus chinensis Lindl, 1826. Họ: Dây gối Celastraceae Bộ: Dây gối Celastrales Mô tả: Cây gỗ nhỏ, cao 3 - 8 m, vỏ màu xám, cành non gần như vuông. Lá mọc đối, phiến lá hình trứng ngược hoặc hình trứng ngược dạng tròn dài hoặc gần hình trái xoan, dài 4 - 10cm, chỗ rộng nhất 3 - 4cm, mép lá gần nguyên, gân mạng rõ, cuống dài 5 - 8mm. Cụm hoa xim tán, phân nhánh 1 - 2 lần. Hoa mẫu 4, màu xanh nhạt, đường kính gần 1cm, đĩa hoa nạc. Nhị có chỉ nhị ngắn. Quả nang hình cầu dạng trứng ngược, có 4 cạnh dạng cánh, mặt trên như cắt ngang, đường kính khoảng 1cm, mỗi ô có 1 - 2 hạt, vỏ hạt màu hồng. Sinh học: Mùa hoa tháng 5 - 7, mùa quả chín tháng 8 - 9. Cây tái sinh bằng thân, cành vì khi bị chặt nó vẫn có khả năng tái sinh chồi. Còn có thể trồng được bằng hạt. Nơi sống và sinh thái: Sống ở rừng mưa nhiệt đới thường xanh mưa mùa ẩm, ở độ cao khoảng trên 1000 m. Cây hơi ưa sáng mọc ở núi đất, nơi ẩm mát, xen lẫn nhiều loài cây gỗ và cây bụi khác. Phân bố: Việt Nam: Ninh Bình, Quảng Bình (Tuyên Hóa), Thừa Thiên Huế (Phú Lộc: núi Bạch Mã), Quảng Nam - Đà Nẵng (Hiên: bà ná), Đắc Lắc (Đắc Min), Khánh Hòa (Ninh Hòa). Thế giới: Trung Quốc (Triết Giang, Quảng Đông, Quảng Tây). Giá trị: Cây cho gỗ nhỡ sử dụng trong xây nhà cửa hoặc đóng đồ dùng. Theo kinh nghiệm dân gian, vỏ thân, vỏ cành được dùng làm thuốc thay thế cho vị đỗ trọng Bắc. Tình trạng: Mức độ bị đe dọa: Bậc T. Do trữ lượng ít, phân bố hẹp, lại bị bóc vỏ làm thuốc không có kế hoạch. Đề nghị biện pháp bảo vệ: Điều tra khảo sát lại vùng phân bố, khoanh bảo vệ nơi còn loài đang sống. Đồng thời nghiên cứu trồng bằng hạt trên qui mô rộng.
Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam - trang 133. |
CÂY CÔNG TRÌNH - Danh sách các loại cây công trình > Những loại cây công trình và cây trồng rừng khác >