MÃ HỒ

đăng 20:10 23 thg 9, 2013 bởi công trình cây

MÃ HỒ

Mahonia nepalensis DC. 1821

Mahonia annamica Gagnep 1908

Họ: Hoàng mộc Berberidaceae

Bộ: Mao lương Ranunculales

Mô tả:

Cây bụi, có thể cao tới 6 - 7 m, gỗ thân và rễ màu vàng, lá kép lông chim lẻ, dài 20 - 40cm, lá chét gần như không cuống, hình bầu dục hoặc hơi thuôn, dàỉ,5 - 7cm, rộng 2,5 - 4cm, ốc hơi hình tim hoặc cụt, đỉnh nhọn hoắt thành gai, phiến lá dày, mép lá có khía răng cưa to, 3 - 5 cái mỗi bên, nhọn sắc, 3 gân chính và gân mạng nổi rõ ở cả hai bên.

Cụm hoa 1 - 5, hình bống phân nhánh, mọc thẳng ở ngọn. Hoa nhiều màu vàng nhạt. Lá bắc hình bầu dục, tù. Lá đài 9, xếp thành 3 vòng. Cánh hoa 6, hình mác, tù, có 2 tuyến ở gốc, 6 nhị, mọc đối với cánh hoa, bao phấn dài bằng nửa chỉ nhị. Bầu hình trụ, phình ra ở giữa. Quả màu xanh lơ, quả mọng hình cầu, đường kính 6 - 7mm, đầu quả có núm nhỏ, 1 hạt màu nâu đen, dài khoảng 3mm.

Sinh học:

Mùa hoa tháng 2 - 4, mùa quả chín tháng 5 - 6. Phần thân và cành sót lại sai khi chặt có khả năng tái sinh chồi. Hoa, quả nhiều, có thể trồng được bằng hạt.

Nơi sống và sinh thái:

Mọc ở rừng thường xanh mưa mùa ẩm, rừng núi đá còn sót lại ở ven rừng, bờ nương rẫy, ở độ cao khoảng 1700 - 1900 m. Cây chịu bóng và có thể hơi ưa sáng, nơi có khí hậu mát (vùng núi Langbian). Thường mọc rải rác lẫn với một số cây gỗ và cây bụi khác.

Phân bố:

Việt Nam: Lai Châu, Lâm Đồng (Lạc Dương: Núi Langbian, Dankia).

Thế giới: Ấn Độ, Thái Lan.

Giá trị:

Nguồn gen qúy, hiếm và độc đáo của Việt Nam. Rễ và thân có chứa berberin, dùng làm thuốc chữa bệnh đường ruột. Theo kinh nghiệm dân gian: rễ hoặc gỗ thân sắc sống chữa rối loạn tiêu hóa, kiết lỵ, viêm ruột,

Tình trạng:

Sẽ nguy cấp. Do số lượng cá thể ít, phân bố hẹp, đã bị chặt phá bừa bãi hoặc khai thác làm thuốc theo kinh nghiệm dân gian. Mức độ đe dọa: Bậc V.

Đề nghị biện pháp bảo vệ:

Khảo sát lại các điểm phân bố kể trên và xác định nơi còn sót lại, khoanh vùng bảo vệ từng khu mọc tập trung. Lấy một số cây con về trồng giữa giống tại các trại thuốc Đà Lạt (Lâm Đồng), Sìn Hồ (Lai Châu), Tam Đảo (Vĩnh phúc).

Có thể nghiên cứu trồng bằng hạt để phổ biến cho nhân dân địa phương trồng làm hàng rào vườn và nương rẫy.

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam - trang 184.

Comments