NHỌC TRÁI KHỚP LÁ THUÔN

đăng 16:19 25 thg 9, 2013 bởi công trình cây

NHỌC TRÁI KHỚP LÁ THUÔN

Enicosanthellum plagioneurum (Diels) Ban, 1975.

Polyalthia plagioneurum Diels, 1930

Disepalum plagioneurum (Diels) Johnson, 1989

Uvaria petelotii Exell, 1932.

Họ: Na Annonaceae

Bộ: Na Annonales

Đặc điểm nhận dạng:

Cây gỗ cao 10-15(25) m, đường kính có thể tới 30 cm, cành non không có lông. Lá mỏng, nhẵn, thuôn hoặc hình bầu dục, cỡ (6)8-15(18) x (3)4-5(6) cm, đầu lá có mũi ngắn, gốc lá hình nêm; gân bên 10-14 đôi, hơi rõ ở cả 2 mặt; cuống lá dài 5-7 mm. Hoa rất thơm, mọc đơn độc ở đỉnh cành; cuống hoa dài 2-4 cm. Lá đài hình bầu dục, có nhiều gân cong hình cung nổi rõ. Cánh hoa màu vàng nhạt ở gốc, phía trong có điểm tím hồng, gần đều nhau, hình thuôn, dài 3-4 cm, rộng1-1,5 cm, xếp lợp trong nụ và xoè ra khi hoa nở. Nhị nhiều, mào trung đới hơi có lông. Lá noãn nhiều (50-60), dài hơn nhị; bầu có lông; vòi rõ, lớn dần về phía đỉnh thành núm loe rộng và nghiêng vát, hơi có lông ở đỉnh. Noãn 1-2, đính ở gốc bầu. Phân quả hình trứng ngược, khi chín màu tím thẫm; cuống phân quả dài 3-5 cm, khi tươi thường màu đỏ thẫm, loe rộng ở đỉnh và phân đốt (có khớp); vỏ quả rất mỏng. Hạt màu xám hơi nâu, có cánh nhỏ và phẳng viền quanh mép.

Sinh học và sinh thái:

Mùa ra hoa tháng 4-5, có quả tháng 5-6, tái sinh chủ yếu bằng hạt. Mọc rất rải rác trong rừng nguyên sinh nơi ẩm hoặc ven suối, ở độ cao 500-1900 m.

Phân bố:

Trong nước: Lào Cai (Sapa), Vĩnh Phúc (Tam Đảo), Hòa Bình (Mai Châu, Đà Bắc, Kim Bôi), Nghệ An (Quỳ Châu), Đà Nẵng (Bà Nà), Quảng Nam, Kontum (Ngọc Gùa).

Thế giới: Trung Quốc.

Giá trị: Cây cho gỗ dùng đóng đồ gia dụng. Loài có hình thái quả rất đặc sắc: cuống phân quả có khớp chia đốt, khi chín phân quả rụng (gẫy) tại khớp, còn cuống phân quả vẫn tồn tại với đế hoa ở trên cây.

Tình trạng: Thường bị khai thác lấy gỗ; việc chặt phá rừng (ở Hòa Bình: Đà Bắc, Kim Bôi; Nghệ An: Quỳ Châu; Quảng Nam) làm nơi cư trú bị xâm hại.

Phân hạng: VU A1a,c,d.

Biện pháp bảo vệ: Loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá "hiếm" (R). Không chặt phá những cây gỗ lớn đang có ở Vườn quốc gia Tam Đảo (ở độ cao 900 -1200 m), đưa cây con về trồng tại Trạm đa dạng sinh học Mê Linh (Vĩnh Phúc).

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam 2007 trang 50.

Comments