Cây cau cảnh đỏ

Cau kiểng đỏ – loài cây cảnh khoe sắc độc đáo

Cau kiểng đỏ có nguồn gốc ở miền Nam Thái Lan, Malaysia, Borneo và Sumatra. Tại đây chúng tồn tại ven các khu rừng tiếp giáp vùng đầm lầy hoặc ven biển thủy triều, trở thành loài bán ngập, nhưng không thể chịu ngập lâu dài. Do vậy số cá thể ngày càng ít đi, rơi vào tình trạng bị đe dọa tuyệt chủng, được ghi vào danh sách Đỏ IUCN và được bảo vệ nghiêm ngặt ở Indonesia, cho mãi đến năm 2000 mới được loại ra khỏi danh sách Đỏ IUCN.
Trong số hàng ngàn loài cây thân cột nhiệt đới thuộc họ Cau – Arecaceae (còn gọi là họ Cau Dừa hay họ Cọ) đa số thường có bẹ lá màu xanh lá cây, từ xanh lá mạ đến xanh lục thẫm, bóng láng hoặc có phủ lớp phấn trắng, chỉ có một số rất ít loài có cuống lá và bẹ lá trổ gam màu khác. Trong thiểu số đó, Cau kiểng vàng là một điển hình, có bẹ lá mang sắc vàng, đã tạo nên một sắc thái lạ mắt, khiến nhiều người ưa chuộng, chọn làm cây cảnh nội-ngoại thất khá phổ biến. Nhưng độc đáo hơn thế nữa là loài Cau kiểng đỏ, với kiểu mọc cụm nhiều thân to 5-10 cm, cao 5-7 m, mang những lá dài đến 1,5 m, mỗi lá có khoảng trên dưới 50 lá phụ dài 50 cm, rộng 3 cm, phân bố đều trên một cuống đỏ, kéo dài thành một bẹ cũng đỏ ôm lấy một phần thân cây tạo thành một báp tròn trông tựa ống son môi phân nhánh cùng khoe sắc đỏ tươi rực rỡ, khiến cho ai đó bất chợt nhìn qua là không thể làm ngơ được. Ở những nơi khí hậu mát mẻ, cường độ chiếu sáng lớn, ngoài việc bẹ lá rực sáng lên, vỏ thân còn xuất hiện màu tím và xanh tím tạo thành những sọc chạy dọc xen lẫn với màu xanh của vỏ thân khiến cây càng đẹp hơn. Chính kiểu trổ màu này đã khiến cho loài Cau kiểng đỏ chiếm vị trí độc tôn trong số hàng trăm loài cau kiểng.

Những người chơi cây cảnh xem đây là loài cây kiểng quý hiếm, dùng để trồng trang trí cho cả ngoại thất lẫn nội thất. Người ta chỉ cần trồng một, hai bụi ở một góc nào đó của sân vườn, cũng đủ tạo một điểm nhấn mạnh cho cảnh quan cây xanh vốn điệp màu.

Với hình thái đặc sắc, nó được trồng phổ biến dần ở nhiều vùng nhiệt đới châu Á với nhiều tên gọi tiếng Anh khác nhau như Sealing Wax Palm, Red Sealing Wax, Lipstick Palm, Maharajah Palm… Với màu sắc gây ấn tượng, nó được người Trung Quốc gọi là Ấn chương tông, người Việt chúng ta thì gọi là Cau kiểng đỏ, Cau cảnh đỏ, Cau bẹ đỏ hay Cau đỏ bẹ. Tên khoa học của Cau kiểng đó là Cyrtostachys renda (tên đồng nghĩa là Cyrtostachys lakka, Bentinckia renda)

Ngoài việc trồng đất, có thể trồng cây trong chậu. Cây sinh trưởng chậm, ưa sáng lúc trưởng thành, cần che bóng nhẹ khi còn non. Cây cần tưới nước đủ ẩm nhưng không chịu úng lâu dài, nên khi trồng đất cần chọn chỗ thoát nước tốt, nếu trồng chậu thì cần kiểm soát mức độ đẫm nước để cây sinh trưởng bình thường. Có thể để chậu trong nhà, nhưng phải chọn những nơi có ánh sáng mạnh, tránh để những góc thiếu sáng, cây sẽ sinh trưởng kém, màu đỏ bẹ và cuống không rực và có thể rụi dần lá. Trồng ở công viên, sân vườn không nên đặt dưới tán cây lớn, tránh tình trạng cây thiếu sáng, cây mọc nghiêng lệch, von yếu cây, sinh trưởng kém, màu sắc không tươi thắm. Cũng như nhiều loài khác trong họ Cau, Cau kiểng đỏ được nhân giống bằng hạt, tốt nhất là hạt tươi. Gieo hạt tươi sẽ mất thời gian 2-4 tháng để nẩy mầm, gieo hạt khô có thể mất cả 1 năm. Do đã có màu sắc độc đáo, lại nảy mầm và sinh trưởng cũng chậm khiến cho cây càng quý hiếm.

Cây được nhập trồng ở nhiều thành phố Việt Nam không rõ tự bao giờ, nhưng mức độ phổ biến có lẽ không cao như những loài cau kiểng khác.

Trong số nhiều tỉnh thành miền Trung, có lẽ Hội An là nơi có nhiều sân vườn tư thất, khách sạn, khu du lịch sinh thái… có trồng Cau kiểng đỏ.

Cau kiểng đỏ cũng đã xuất hiện ở vài nơi khác, mặc dù chưa được phổ biến. Hy vọng trong thời gian tới nó sẽ được nhân rộng để góp phần tô điểm không gian cho phong cảnh thêm đẹp và thơ mộng hơn. Tôi tin rằng, khi tiếp cận, nhiều người sẽ thích thú với ngoại hình của một loài cây cảnh đặc trưng như thế và sẽ có lắm người đưa trồng trong khuôn viên tư thất của mình.

Theo XC.

...................

Kỹ thuật nhân giống và trồng cau cảnh

Cau cảnh chỉ nhân giống được từ hạt của quả để tạo cây con. Để nhân giống, cần chọn các quả già (quả 2 năm), khi vỏ quả đã có màu nâu vàng, hơi khô thì đem trồng; lấy hạt khô từ các quả già ngâm trong nước 10 – 12 giờ ủ nơi ấm để khi gieo, hạt mọc nhanh.

Đất gieo hạt nên làm tơi xốp, phía trên làm giàn che để giữ ẩm cũng như tránh sương muối vì thời vụ gieo hạt thường vào cuối năm. Sau khi lên luống, khoảng cách là 20 x 30cm (cây x hàng) với 2 hàng hoặc 3 – 4 hàng trên 1 luống. Dùng đất lấp hạt ở độ sâu 1 – 1,5cm, trên mặt phủ rơm rác mục để giữ ẩm và khi tưới không làm trôi đất, đóng váng mặt. Tưới giữ ẩm thường xuyên sau khi gieo mỗi ngày 2 lần vào sáng và chiều tối, đến khi hạt mọc thì tưới mỗi ngày/lần.

Khi cây đã có 2 – 3 lá , có thể bỏ giàn che,tiến hành xới mặt luống, làm cỏ và thúc bằng nước phân chuồng pha loãng. Sau 1 – 1,5 năm, cây cau con có thể được chuyển trồng trong chậu hoặc xuất bán.

Kỹ thuật trồng: Đất trồng cau cảnh nên chọn đất thịt, giàu dinh dưỡng. Mùn có khả năng giữ nước, thoát nước tốt. Không nên chọn đất nhiều rác, xác thực vật mục để tránh giun và bệnh gây hại cây.

Trong điều kiện nước ta, cau cảnh là loại cây dễ sống, nên có thể trồng ở các thời gian trong năm, song thích hợp nhất là trồng vào tháng 3 – 4 và tháng 8 – 10 hàng năm. Trồng tháng 3 – 4 khi cây bắt đầu sinh trưởng mạnh hoặc khi cây ở thời kỳ sinh trưởng chậm hoặc ngừng sinh trưởng.

Khi trồng trên đất hay trong chậu cần cú ý bón phân lót trước khi trồng và trồng nông, lấp đất ở gốc không quá sâu đễ tránh cây bị “nghẹn” sinh trưởng và ra nhánh kém, trồng xong cần tưới nước để giữ ẩm và làm chặt gốc cho cây khỏi bị đổ. Sau khi trồng, tưới nước ngày/lần cho đất đủ ẩm, tránh làm đất quá ẩm và sũng nước trong thời gian 10 – 15 ngày để cây bén vào đất.

Chăm sóc cây: Cau cảnh cần được trồng hoặc đặt để ở những nơi đầy đủ ánh sáng. Không đặt đặt nơi ánh sáng yếu, trong nội thất vì bản lá sẽ mỏng, cây sinh trưởng yếu, kéo dài sẽ làm lá chóng rụng và chết. Do yêu cầu nước khá cao để sinh trưởng, ra nhánh nên cau cảnh yêu cầu tưới nước đều, không để đất quá khô Định kỳ 2 tháng tưới cho cây bằng nước phân chuồng 1/15 – 1/20, thúc cho cây và giữ cho bộ lá xanh tốt.

……………..
Xem thêm các loại cây lá màu khác tại: cây lá màu
Xem thêm các loại cây bóng mát thân gỗ khác tại: cây bóng mát

Comments