Cau khóm – loài cây trang trí nội, ngoại thất Trong họ hàng nhà cau, ngoài loài cau bản địa quen thuộc với người Việt từ Bắc chí Nam, đã đi vào giai thoại “chuyện trầu cau”, tạo nên một nét văn hóa độc đáo “tục ăn cau trầu”, “miếng trầu đầu câu chuyện”…, có hàng chục loài cau ngoại lai được nhập nội trồng làm cây cảnh. Trong số đó, một trong những loài phổ biến nhất là Cau khóm, còn được gọi là cau bụi vàng. Có tác giả cho rằng loài cau này có nguồn gốc từ Madagascar, Gs Phạm Hoàng Hộ (1993) thì cho rằng nó có nguồn gốc ở đảo Mauritius phía Đông của Madagascar. Nhiều thông tin cũng cho rằng, hiện nay nó trở thành loài nguy cấp và rất hiếm ở vùng nguyên sản, trong lúc được gặp rải rác trong các khu rừng nhiệt đới ẩm từ Malaysia tới Solomon và trở thành loài cây cảnh rất phổ biến ở nhiều khu cảnh quan nhiệt đới trên toàn cầu. Do vậy, nó có rất nhiều tên gọi bằng tiếng Anh như Yellow palm, Golden Cane Palm, Areca Palm, Golden Fruited Palm, Yellow Butterfly Palm, Golden Feather Palm…Người Trung Quốc dựa vào hình thái của cụm cây mà gọi là Tán vĩ quỳ, người Việt dựa vào màu vỏ thân, màu bẹ lá và công dụng mà gọi là Cau kiểng vàng, hoặc dựa vào cách mọc thân và màu vỏ thân mà gọi là Cau khóm, Cau bụi vàng. Đây là một loài cây thân cột thuộc họ Cau – Arecaceae, tên khoa học là Chrysalidocarpus lutescens (Dypsis lutescens). Cây đâm chồi mạnh từ gốc nên phát triển thành bụi, khi trồng ở đất tơi xốp, nhiều màu mỡ, đủ ẩm và thoát nước tốt, bụi có thể lên tới vài chục cây cao 4-6 m, đường kính thân tới 8-15 cm, khi trưởng thành có dạng như cây gậy có khắc chạm nhiều vành khuyên rõ nét (vết sẹo bẹ lá). Lá có bẹ màu vàng, ôm lấy thân, với cuống dài màu vàng, phiến dài trên dưới 1 m, rộng 50-60 cm. Buồng hoa to 30-40 cm, xanh lúc non, vàng dần lúc quả sắp định hình. Quả hình xoan, to khoảng 1 cm, vàng. Với hình thái tổng hợp từ cách mọc thân, dạng thân, lá cho đến dạng buồng hoa và sắc thái quả trông rất đẹp mắt, khiến cây được nhiều người ưa chuộng và chọn làm cây công trình trồng tôn tạo cảnh quan.Cây thích hợp cho việc trồng ngoài đất để tạo cảnh cho nhiều không gian sân vườn, công viên, điểm xanh… đồng thời cũng thích hợp cho việc trồng trong nhà, nơi có ánh sáng nhẹ. Ở vài nơi, cây được trồng thành hàng, tạo thành một hàng rào trông rất hoành tráng, nhất là đằng sau hàng rào đó là một công trình kiến trúc hiện đại. Khi trồng trong khuôn viên nhà, cây có khả năng hút các khí độc phát tán từ các lớp sơn mới các công trình nội thất, giúp cho việc thanh lọc không khí, vừa làm đẹp không gian, vừa đảm bảo sức khỏe cho con người. Điều cần lưu ý là, khi trồng cây trong chậu nên quan tâm chăm sóc, tưới nước thường xuyên, thỉnh thoảng bón phân (có thể dùng NPK) để cây sinh trưởng khỏe. Thiếu dinh dưỡng và khô nước, lá cây trở vàng, khô dần, cây khẳng khiu và bum đọt. Do cây mọc thành bụi dày đặc, hệ rễ chùm phát triển mạnh nên một thời gian ngắn rễ đan xen đầy chậu. Lúc đó cho dù có bón phân, tưới đủ nước, cây cũng khó phát triển, phải thay chậu. Ở Việt Nam, cây được trồng phổ biến khắp các tỉnh thành. Ở nhiều khu đô thị, người ta thường trồng Cau kiểng vàng ở các công viên, sân vườn công sở, khuôn viên đền chùa… Thông thường cây được trồng dọc biên thành nhiều bụi nối tiếp nhau hoặc trồng điểm xuyết từng bụi lẻ ở những góc quanh dọc theo lối đi lại trong công viên, hoặc tạo điểm nhấn trung tâm một bồn hoa lớn. Ở một vài công viên lớn, cây được chọn trồng làm dải phân cách giữa 2 lối đi. Ở các vườn biệt thự, cây thường được trồng thành cặp đăng đối ở mặt tiền hoặc trồng ở những góc lõm của công trình… Cau cảnh là cây thân gỗ có đốt, phân nhánh dưới gốc tạo thành bụi nhỏ. Thân có nhiều đốt, thẳng, màu vàng ánh, dưới gốc của thân có các chồi nách có khả năng tạo thành nhánh chồi. Các bó mạch gỗ và mạch rây phân tán khắp thân, gỗ thuộc loại gỗ mềm. Lá kép lông chim có bẹ lá ôm lấy thân, khi già thì tách ra khỏi thân để lộ các đốt của thân. Cây thường không to cao, từ gốc có nhiều nhánh mọc thành bụi, khóm. Các nhánh tuy mọc ở gốc của thân, nhưng không thể tách ra nhân giống như đối với các cây thực vật lớp 2 lá mầm được vì khả năng ra rễ kém, khi tách dễ bị chết do lớp gốc bị hỏng. Cây lớn thường ra hoa vào tháng 5-6 và có lá bắc to bao ngoài như dừa, cau ăn quả... có khả năng đậu quả khá cao. Cau cảnh có nguồn gốc từ các vùng nhiệt đới như ở miền Nam nước ta được sưu tập để trồng làm cây cảnh. Cau cảnh yêu cầu điều kiện nóng ẩm và là cây ưa sáng để sinh trưởng và phát triển, vì vậy, các loại cau cảnh không được dùng làm cây cảnh trong nhà, nội thất mà thường đặt để ở ban công, sân hoặc vườn. Tuy nhiên, chúng cũng là một loại cây khá, chịu điều kiện khô hạn song khả năng ra lá là kém, thân trở nên nhỏ và chuyển màu, ít đẻ nhánh. Với điều kiện thích hợp trong một năm, cau cảnh ra được 2 - 3 lá chồi, nhánh ở gốc sẽ phát sinh nhiều. Cau cảnh không yêu cầu khắt khe về điều kiện đất đai. Chúng có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau, miễn là đất có đủ ẩm và không quá khô hạn. …………….. |