Cây hoa lá màu, cây bụi, thảm > Cây cau lùn >
Cau lùn
Cây cau lùn làm cảnh
Tên thường gọi: Cau Lùn Tên khoa học: Areca catechu Họ thực vật: Arecaceae (họ Cau Dừa) Trên thị trường cũng đã có rất nhiều loài cau như cây cau trắng, cau sâm banh, cau vua, cau đỏ, cau đuôi chồn,…và cây Cau Lùn là một trong số những cây thuộc họ cau dừa được sử dụng nhiều. Cau Lùn là loại cau đặt biệt, tốc độ sinh trưởng của cây chậm hơn những cây khác nên chiều cao của nó cũng tăng chậm theo ngày tháng so với các cây cùng họ. Phải mất 20 năm thì cây mới cao được khoảng 2m vì thế nó có tên gọi là Cau Lùn nhưng bù lại cây cau lùn có sắc xanh thẫm của lá, xanh mướt của thân trông rất mát mắt. Thân cây Cau Lùn có dạng cột, cao, thẳng, phân chia thành nhiều đốt, phần gốc phình to từ dưới lên trên, cùng với các đốt thân tạo cho phần gốc thân trong giống như chậu hoa, nhìn rất đáng yêu. Lá cây Cau Lùn xanh mướt, dạng lá kép lông chim, mọc tập trung ở đầu cành, có bẹ lớn ôm thân gọi là mo cau. Cây Cau Lùn thuộc loại cây ưa sáng, sống ở điều kiện nóng ẩm, có khả năng chịu khô hạn. Cây thích hợp trồng làm cây cảnh trên nhiều loại đất miễn là đủ ẩm và không quá khô hạn. |
Cách trồng cau lùn
Ở nhiều gia đình, ngày tết, ngày giỗ vẫn phải có trầu cau trên mâm cúng. Họ muốn gửi lên cho tổ tiên và các bậc tiền bối lòng thành kính của mình. Cây trầu thì dễ trồng và mau cho lá, còn cây cau thì khó hơn. Ta có nhiều giống cau nhưng giống cau lùn được nhiều người ưa chuộng, nó sớm cho quả mà lại cho quả quanh năm. Quả ra ngay từ những đợt đầu tiên, có những chùm quả trĩu xuống gần sát mặt đất. Cau lùn rất ít sâu bệnh và cũng không kén đất. Tuy nhiên, cũng nên tránh những nơi đất thấp. Chi phí cho việc trồng cây cau lùn không tốn mấy. Thế nhưng, ngoài việc sớm cho ta thu hoạch và thu hoạch quanh năm, nó còn tạo cảnh quan đẹp cho gia đình. Ngay trước cửa nhà hoặc quanh vườn mà có một hàng cau lùn thì thật là hấp dẫn. Nó khác gì hàng vạn tuế. Vì vậy, rất nên trồng cau lùn. Để có giống, trước hết ta phải chọn cây mẹ tốt, đó là những cây dưới 8 tuổi, có buồng trái to, quả đều và đã bắt đầu chín đỏ. Ta hái quả xuống, đựng vào bao tải ẩm và cất vào nơi thoáng mát. Khoảng 20 ngày sau, mở bao nếu thấy đầu cuống quả có nẩy lên một mộng nhỏ màu trắng, to bằng hạt đậu xanh thì nghĩa là cây đã nẩy mầm. Lấy những quả này ươm tiếp trong cát ẩm, khoảng 20 ngày sau kiểm tra, quả nào nảy mầm thì đưa ra trồng vào túi bầu. Thành phần các chất trong túi bầu gồm 4 phần đất pha cát và 1 phần phân hoai mục. Đặt mầm hướng lên trên rồi phủ đất. Ta xếp các túi bầu thành luống để tiện chăm sóc. Làm giàn bên trên, khi có mưa ta che cót hoặc nylon. Không nên xếp túi bầu vào nơi cớm nắng để tránh bị nấm phá hại cây con. Ta chăm sóc tới khi cây cao độ 20-30cm là có thể đưa đi trồng, phải chọn vị trí trồng từ trước để sau này không thể xê dịch được nữa. Ta đào hố và bón lót, bà con ở phía bắc có kinh nghiệm dùng ốc để bón lót. Người ta cho ốc vào 1 chum rồi đổ nước sôi vào cho ốc chết hết. Đậy kín chum lại một thời gian. Tới khi nào hết mùi hôi thì vớt vỏ ốc ra và đổ xuống đáy hố trồng cau để tạo độ thông thoáng, còn nước đó dùng để tưới cho cây. Nếu không có ốc, có thể thay bằng xỉ than, bên trên đổ đất mặt vào. Nếu trộn đất mặt với bột xơ dừa để lấp xung quanh cây thì càng tốt, nó giúp cho cây mau lan rễ ra. Giai đoạn đầu phải tưới thường xuyên cho cây. Nếu có điều kiện, nên che mát cho nó một thời gian. Nhớ che chắn để lợn, gà không phá hỏng cây. Vì ở cau lùn các lá thường bó xít vào nhau nên rệp sáp, rệp phấn và rệp vẩy ốc có chỗ lưu trú để phá hoại cây. Ta dùng Supracide hoặc Suprathion phun vào sẽ diệt được chúng. Nhìn chung, trồng cau không khó. Mỗi nhà nên trồng thêm một ít cây cau lùn. |
1-2 of 2