Cây cúc bách nhật

Cây cúc bách nhật. Tên gọi khác: Bách nhật, Nở ngày, Bông nở ngày, Thiên kim hồng, Bách nhật hồng, Thiên nhật hồng.

Tên khoa học: Gomphrena globosa L.
Họ: Rau dền (Amaranthaceae)
Tên nước ngoài: Glob amaranth, bachelor’s button (Anh).

Cỏ đứng cao 30-70 cm, phân nhánh, tiết diện tròn. Thân non màu xanh bạc hay xanh tía, thân già màu hồng tía có mấu phù to màu hồng tía đậm hơn. Toàn cây phủ lớp lông nhám màu trắng. Lá đơn, mọc đối. Phiến lá nguyên, hình bầu dục, hai đầu nhọn, kích thước 5-12 x 2-4 cm, màu xanh đậm ở mặt trên, nhạt hơn ở mặt dưới. Gân lá hình lông chim, nổi rõ ở mặt dưới, gân chính có màu hồng tía ở mặt trên, 4-6 cặp gân phụ hướng cong lên ở mép lá. Cuống lá ngắn, màu xanh nhạt, hơi tía ở gốc, hình lòng máng, đáy cuống hơi phát triển ôm thân, kích thước dài khoảng 1-2 cm. Cụm hoa đầu cô độc ở ngọn cành trên cuống hình trụ dài 5-25 cm, bên dưới đầu có 2-3 lá bắc màu xanh, hình tròn hay hình tim rộng đỉnh hơi nhọn, kích thước 1-2 x 1-2 cm. Đế cụm hoa màu xanh, hình cầu hay bầu dục chiều dài thay đổi. Đầu mang rất nhiều hoa. Hoa vô cánh, đều, lưỡng tính, mẫu 5. Mỗi hoa có 3 lá bắc: lá bắc dạng tam giác nhỏ khô xác màu trắng, giữa có sọc màu tím, thường dính trên đế cụm hoa; hai lá bắc con ở hai bên, khô xác màu tím hồng, hình dải gấp đôi, kích thước 0,5-1 x 0,2 cm, ôm nhau một phần ở gốc và bao nụ hoa. Lá đài 5, đều, rời, khô xác, hình dải dài khoảng 0,5 cm, màu xanh có phớt tím hồng đỉnh, mặt ngoài có lông trắng dài xốp như bông, tiền khai năm điểm. Nhị 5 trước lá đài, đều, ống chỉ nhị màu trắng xanh dài khoảng 0,3-0,5 cm, phía trên chia 5 cặp thùy màu tím hồng; bao phấn màu vàng hình thuôn nhọn, 2 buồng, nứt dọc, đính giữa mỗi cặp thùy, hướng trong; hạt phấn màu vàng, rời, hình cầu, có vân mạng, đường kính 25-30 µm. Lá noãn 2, vị trí trước sau, bầu trên một ô hình cầu hơi dẹp, một noãn đính đáy; một vòi nhụy màu xanh ngắn 1-2 mm, hai đầu nhụy dạng sợi màu trắng xanh dài 2-3 mm, có nhiều gai nạc. Quả bế, hình cầu dẹp, khoảng 2 x 1,5 mm, màu vàng nâu, mang vòi nhụy khô xác dạng gai dài mềm ở trên. Hạt hình hơi cầu dẹp, khoảng 1,5 x 1,5 mm, màu nâu nhẵn bóng, có cán phôi cong.


Phân bố, sinh học và sinh thái:


Cây có nguồn gốc ở châu Mỹ, ở Việt Nam cây được trồng làm cảnh và một số mọc hoang do phát tán hạt. Cây sống một năm, ưa sáng, thích nghi với nhiều loại đất, ra hoa sau 2-2,5 tháng kể từ lúc mọc; mùa hoa: tháng 7-12.

Bộ phận dùng:
Hoa (Flos Gomphrenae) thường được gọi là Thiên nhật hồng, ngoài ra cành và lá cũng được dùng.


Tác dụng dược lý – Công dụng:


Vị ngọt, hơi chát, tính bình, có tác dụng khử đàm, bình suyễn, tiêu viêm, chống ho.
Hoa hoặc toàn cây được dùng trong phạm vi nhân dân làm thuốc chữa hen phế quản, viêm khí phế quản cấp và mạn tính, ho, ho gà, ho ra máu, ho lao, đau mắt, đau đầu, sốt ở trẻ em, bụng trướng đau, đầy hơi, tiểu tiện khó. Dùng ngoài trị chấn thương bầm giập, bệnh ngoài da.

Theo y thư cổ, hoa cúc bách nhật vị ngọt, tính bình, có công dụng thanh can tán kết (làm mát tạng can và làm mất hiện tượng kết tụ), minh mục (làm sáng mắt), chỉ khái định suyễn (làm ngừng ho hen); thường được dùng để chữa các chứng bệnh như đầu phong (đau đầu do phong hỏa, khi đau khi không, có sự xúc động thì đau), mục thống (đau mắt), khí suyễn khái thấu (ho hen), lỵ tật (bệnh kiết lỵ), bách nhật khái (ho gà), tiểu nhi kinh phong (trẻ em co giật), loa lịch (lao hạch), sang dương (lở loét)... Một số cách dùng cụ thể như sau:

Đau đầu do phong hỏa: (1) Hoa cúc bách nhật 9g, mã tiên thảo 12g, sắc uống. (2) Hoa cúc bách nhật 6g, câu đằng 6g, cương tàm 6g, cúc hoa 10g, sắc uống ngày 1 thang.

Tăng huyết áp: Hoa cúc bách nhật 15g, hạ khô thảo 30g, cúc hoa 15g, sắc uống hằng ngày.

Hội chứng tiền đình: Hoa cúc bách nhật 15g, cúc hoa 15g, mạch môn 10g, thạch hộc 10g, tang diệp 10g, sắc uống ngày 1 thang.

Ho do ngoại cảm phong nhiệt: Hoa cúc bách nhật 20g, tỳ bà diệp 30g, bạc hà 10g, sắc uống ngày 1 thang.

Hen và viêm phế quản: (1) cụm hoa cúc bách nhật tươi hoặc 15-20g hoa khô sắc uống ngày 1 thang. (2) Hoa cúc bách nhật trắng 20 bông, tỳ bà diệp 5 cái, sắc uống ngày 1 thang. (3) Hoa cúc bách nhật 30g, kim tiền thảo 30g, sắc uống ngày 1 thang. (4) Hoa  cúc bách nhật 6g, rễ cúc bách nhật 9g, sắc uống ngày 1 thang. (5) Hoa cúc bách nhật 15g, nga bất thực thảo 30g, cam thảo dây 30g, sắc uống ngày 1 thang. (6) Hoa cúc bách nhật 10g, địa long 10g, tỳ bà diệp 10g, ma hoàng sao 6g, hạnh nhân 10g, sắc uống ngày 1 thang.

Ho gà: (1) Hoa cúc bách nhật 19g, nga bất thực thảo 15g, sắc kỹ lấy nước hòa thêm một chút đường phèn uống ngày 1 thang. (2) Hoa cúc bách nhật 10g, bách bộ sao 15g, bối mẫu 6g, bạch cương tàm 10g, câu đằng 10g, sắc uống ngày 1 thang.

Giảm thị lực: Hoa cúc bách nhật 10g, hạn liên thảo 10g, chử thực tử 10g, cam thảo 15g, sắc uống ngày 1 thang.

Kiết lỵ: (1) Hoa cúc bách nhật 10 cụm sắc kỹ lấy nước, hòa thêm một chút rượu vàng uống trong ngày. (2) Hoa cúc bách nhật 15g, tần bì 15g, bạch thược 20g, mộc hương 6g, sắc uống ngày 1 thang.

Viêm đại tràng mạn tính thể lỏng: Hoa cúc bách nhật 15g, câu cốt diệp 30g, hoàng kinh tử 10g, sắc uống ngày 1 thang.

Tiểu tiện bất lợi: Hoa cúc bách nhật 9g sắc uống hằng ngày.

Trẻ em khóc dạ đề: Hoa cúc bách nhật tươi 5 cụm, thuyền thoái 3 cái, cúc hoa 3g, sắc uống ngày 1 thang.

Trẻ em trướng bụng: (1) Hoa cúc bách nhật khô 6-9g sắc uống ngày 1 thang. (2) Hoa cúc bách nhật 5g, lai phục tử 6g, sắc uống ngày 1 thang.

Trẻ em đi lỏng: Hoa cúc bách nhật 6g, bạch truật 12g, cát căn sao 12g, bạch linh 12g, xa tiền tử 10g, sắc uống ngày 1 thang.

Viêm loét da: Hoa cúc bách nhật 15-30g, sắc uống hoặc nấu nước rửa hằng ngày.

……………..
Xem thêm các loại cây lá màu khác tại: cây lá màu
Xem thêm các loại cây bóng mát thân gỗ khác tại: cây bóng mát

Comments