Cây hoa tường vi Tên khoa học: Tường Vi. Tên khoa học: Lagerstroemia indica Linn. Họ: Lythraceae (Tử Vi). Nguồn gốc: Trung Quốc, Nhật Bản. Cây gỗ nhỏ, phân cành nhánh nhiều, cành non có 4 cạnh, nhẵn, màu nâu trắng. Lá mọc gần đối, hình trái xoan ngược thuôn, gần như không có cuống, màu xanh pha tím, mép nguyên, nhăn nheo. Cụm hoa hình chuỳ ở đầu cành. Nụ hoa hình cầu. Hoa lớn trung bình màu tím hay màu hồng, đôi khi gần trắng với cánh hoa có móng dài, phiến mảnh nhăn nheo. Nhị nhiều. Quả nang hình cầu, ngoài có cánh đài bao bọc. Hạt có cánh. Tốc độ sinh trưởng trung bình. Cây dễ nhân giống từ hạt hoặc giâm cành. Ưa khí hậu mát ẩm, có thể chịu được khô hạn. Đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt. Cách chăm sóc: Thường xuyên loại bỏ những chồi phát xuất từ gốc đi, nhất là đối với cây trồng trong chậu. Hàng năm, sau thời kỳ hết hoa, dùng mũi kéo tách hết phần chồi đến sát thân mẹ. Nếu ta không thường xuyên bỏ chồi gốc, qua thời gian từ 1-2 năm, cây mẹ sẽ yếu và chết từng phần. Để cây cho hoa bền, đẹp, bạn nên làm như sau: khi xuân về, cây bắt đầu phát chồi, bạn nên chăm sóc bình thường, không bón quá nhiều để các chồi ra ngắn đốt. Khi chồi ra dài khoảng 5cm, bạn ngắt búp chỉ để từ 2-4 nách lá và cứ làm thế cho cây đâm nhiều chồi mới. Đến khoảng 20 tháng 3 âm lịch thì ngừng không ngắt chồi nữa. Trong thời gian này, nên cho cây đủ nước và tăng cường lượng lân (hoặc pha tro bếp vào nước tưới 2 lần / tháng). Khi ta tăng lân cho cây làm cho đốt cây ngắn, cành cứng đủ sức mang những chùm hoa to. Khoảng trung tuần tháng 4 âm lịch, cây sẽ có hoa, khi đó bạn sẽ có một cây với những cành hoa rực rỡ. Khi các cành đã nở hết hoa, nên cắt cành đó đi, cũng chỉ để lại 2-4 nách lá và lại bón thêm lân và chăm sóc bình thường. Sau khoảng 1 tuần, từ những nách lá kia sẽ cho ra chồi mới và từ những chồi ấy lại cho bạn những chùm hoa. Nếu chăm sóc tốt, làm đúng như đã nêu trên, bạn sẽ có cây tường vi ra hoa liên lục đến tận tháng 10 âm lịch.
.......................... Tường Vi (Bá Tử Kinh) Lagerstroemia indica L. Hoa thường được nhắc đến trong âm nhạc, một số loài hoa tên gọi nghe rất quen, nhưng có thể được định danh không đúng. Hoa Tường Vi là một ví dụ. Trong bài “Đêm thấy ta là thác đổ”, Trịnh Công Sơn đã mượn hoa Tường Vi để nhắc đến một người thân yêu ngày cũ: Một đêm bước chân về gác nhỏ Chợt nhớ đóa hoa Tường Vi Bàn tay ngắt hoa từ phố nọ Giờ đây đã quên vườn xưa… Hình ảnh hàng rào Tường Vi trong bài “Cô láng giềng” của Hoàng Quý gợi nhớ đến một lời hứa của cô bạn gái trước ngày chia tay: Năm xưa khi tôi bước chân ra đi Đôi ta cùng đứng bên hàng Tường Vi Em nói rằng em sẽ chờ đợi tôi… Từ lâu tôi cứ nghĩ hoa Tường Vi trong nhạc Trịnh Công Sơn và Hoàng Quý là hoa một loại hoa Hồng leo thuộc họ Rosaceae, thường được trồng làm hàng rào. Nhưng một ngày nọ, tôi ngạc nhiên khi biết loài hoa Bá Tử Kinh đang nở rộ trong vườn nhà còn được nhiều nơi (chủ yếu là miền Bắc và miền Trung) gọi là Tường Vi. Hoa Tường Vi hay Bá Tử Kinh thuộc họ Tử Vi (Lythraceae), cùng họ với hoa Bằng Lăng. Cây Tường Vi cũng mọc bụi như Hồng Tường Vi, nhánh cây mang hoa rất dài và ẻo lả, thường phải dựa vào giàn hay hàng rào mới có thể đứng vững. Tường Vi / Bá Tử Kinh thường ra hoa vào mùa mưa. Vào cuối tháng 4 đầu tháng 5, những nhánh cây bắt đầu mang các chùm nụ tròn trĩnh xinh xắn, nặng trĩu đầu cành. Khi hoa nở cũng là lúc cơn mưa hạ ào ạt mỗi chiều làm tả tơi những cánh hoa mỏng manh. Những chùm hoa màu hồng thắm rơi đầy trên mặt đất loang loáng nước, thật buồn cho kiếp hoa. Nhưng vào những buổi sáng nắng đẹp, Tường Vi phô bày tất cả vẻ rực rỡ của mình, làm lu mờ những bông hoa khác trong vườn… Lá Tường Vi / Bá Tử Kinh cũng rất đẹp, màu xanh thẫm, thon nhỏ ở gần cuống và tròn bầu ở đầu lá với một đỉnh nhọn. Cánh hoa mỏng như giấy, dợn sóng tự nhiên không theo quy luật nào. Hoa Tường Vi tập trung ở đầu nhánh cây, mỗi cơn gió nhẹ thoảng qua là nhánh hoa lại đong đưa, những cánh hoa hồng thắm loăn xoăn lung lay theo chiều gió. Từ giữa đài hoa, các vòi nhị đực mang túi phấn vàng tươi lắc lư quanh bầu nhụy xanh cao vút. Lũ ong nghe mùi mật hoa, rủ nhau kéo về như trẩy hội. Chúng lăng xăng, nhanh nhẩu bay từ hoa này sang hoa khác, vừa hút mật ở đây một tí lại bay qua kia hút mật, rối rít như sợ hết phần. Ngắm lũ ong thật vui mắt, nhưng focus vào chúng thì thật khó, có lẽ chẳng có côn trùng nào “lanh chanh” bằng lũ ong! Theo tôi nghĩ, đoá hoa Tường Vi trong nhạc Trịnh Công Sơn chính là Tường Vi Lagerstroemia indica L., vì người Huế thường gọi Bá Tử Kinh là Tường Vi (Trịnh Công Sơn là người gốc Huế). Còn bông hoa Tường Vi trong nhạc Hoàng Quý, tôi đã tìm ra câu trả lời sau khi tìm đọc trọn phần ca từ của ca khúc này: “Đành lòng nay tôi bước chân ra đi Giơ tay buồn hái bông hồng tường vi” …………….. |