Nho núi Nho núi - Ampelopsis brevipedunculata (Maxim.) Trautv., thuộc họ Nho - Vitaceae. Mô tả: Dây leo, cành không lông. Lá có phiến hình tim, dài 6-12cm (đến 20cm), thường có hai thuỳ nhỏ, không lông, mặt trên màu lục mờ, mặt dưới nhạt màu và bóng; gân từ gốc 5, gân phụ 3-4 cặp, mép có răng to. Chùm mang xim lưỡng phân hay tam phân đối diện với lá, ở nhánh non; hoa màu vàng lục, thơm. Quả mọng tròn, đường kính 6-8mm, màu lam đen. Hoa quả tháng 2.
Bộ phận dùng: Quả, rễ - Fructus et Radix Ampelopsis, ở Trung Quốc gọi nó là Sơn bồ đào. Nơi sống và thu hái: Loài của Nam Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Ở nước ta chỉ gặp ở Quảng Ninh và Hà Nội. Thu hái quả và thân vào mùa hạ, mùa thu. Quả phơi khô dùng; rễ thu về rửa sạch, thái nhỏ phơi khô hoặc dùng tươi. Tính vị, tác dụng: Vị ngọt, đắng, tính mát, có ít độc; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết tán ứ, khư phong trừ thấp. Công dụng: Ở Trung Quốc được dùng trị: Cước khí thuỷ thũng, đòn ngã tổn thương, phong thấp đau lưng chân, mụn nhọt lở ngứa. Liều dùng 15-30g khô, dùng ngoài tuỳ lượng giã đắp. Đơn thuốc: (ở Trung Quốc) 1. Đòn ngã đau nhức, ngoại thương ứ máu: Rễ Nho núi 1-3g, nghiền thành bột, hoà với rượu nóng. 2. Phong thấp đau lưng chân: Rễ Nho núi 15-30g, sắc nước uống. 3. Cước khí thuỷ thũng: Rễ Nho núi 15-30g, sắc nước uống. |
Cây làm thuốc > Những cây làm thuốc khác P2 >