Những cây làm thuốc P3


Su su

đăng 02:22 4 thg 9, 2013 bởi công trình cây   [ đã cập nhật 18:28 30 thg 12, 2013 ]

Su su

Su su - Sechium edule (Jacq.) Sw., thuộc họ Bầu bí - Cucurbitaceae.

Mô tả: Cây leo sống dai có rễ phình thành củ. Lá to, bóng, hình chân vịt, có 5 thuỳ, tua cuốn chia 3-5 nhánh. Hoa nhỏ, đơn tính, cùng gốc, màu trắng vàng; hoa đực họp thành chuỳ, hoa cái đơn độc ở nách lá; chỉ nhị dính nhau; bầu 1 ô, 1 noãn. Quả thịt hình quả lê có cạnh lồi dọc và sần sùi, to bằng nắm tay, chứa một hạt lớn hình cầu.

Bộ phận dùng: Lá, quả - Folium et Fructus Sechii Edulis.

Nơi sống và thu hái: Nguyên sản ở Brazin, được đem vào trồng ở đảo Reunion từ năm 1836, sau đó được truyền đến các nước miền Nam châu Âu và các nước vùng nhiệt đới. Ta có nhập trồng lấy quả ở vùng có khí hậu mát như Sapa, Tam Đảo, Đà Lạt và vùng phụ cận. Cây Su su có ưu điểm là ít sâu bệnh, quả dễ cất trữ, vận chuyển, năng suất cao. Nhiệt độ thích hợp 12-13oC. Ở miền Bắc, trồng tháng 8-11 (tốt nhất là tháng 9-10) thu hoạch tháng 1-2, rộ nhất tháng 3-4. Có 2 loại giống Su su gai và Su su trơn. Trồng nơi cao ráo đủ ẩm, đào hố bón lót, mật độ trồng 2,5 x 3m hay 3 x 3m. Chăm sóc, che nắng sau khi trồng. Cây cao 1-1,5m, cắm que cho leo giàn, phủ đất kín hốc, bón phân cách gốc 40-50cm, hoặc hoà nước tươi. Sau 2-3 tháng, bắt đầu được thu hoạch, 5-7 ngày hái một lần. Năng suất trung bình 300-500 tạ quả/ha.

Thành phần hoá học: Quả chứa nước 94%, protid 0,85%, glucid 3,7%, có vitamin C 4mg%.

Tính vị, tác dụng: Lá có tác dụng thanh nhiệt tiêu thũng.

Công dụng: Quả Su su là loại rau ngon dịu, có thể luộc, xào, hầm thịt, nấu canh, làm nộm, có thể dùng ngâm nước muối làm dưa, thịt quả có thể giã lấy bột (1 kg quả cho khoảng 13g bột mịn, trắng), còn bã dùng làm thức ăn cho gia súc; bột này có thể dùng làm bánh với trứng, sữa và đường. Chồi ngọn của Su su khi còn non cũng dùng làm rau ăn như các loại đậu Côve, có thể xào, hoặc tráng với trứng (cũng giống như măng tây tráng trứng). Các củ hình thành ở rễ các cây trồng 2-3 năm, có củ nặng 200g - 1 kg. Các củ non có thể dùng nấu ăn thay khoai tây.

Ở Trung Quốc, lá được dùng trị sang dương thũng độc.

Xem thêm:

Những cây làm thuốc phần 1; Những cây làm thuốc phần 2

Những cây làm thuốc phần 3; Những cây làm thuốc phần 4

Những cây làm thuốc phần 5. Cây làm thuốc

Súng

đăng 02:21 4 thg 9, 2013 bởi công trình cây

Súng

Súng - Nymphaea stellata Willd., thuộc họ Súng - Nymphaeaceae.

Mô tả: Cây sống ở nước. Thân rễ ngắn, có nhiều củ nhỏ. Lá mọc nổi trên mặt nước, có cuống dài, phiến tròn hay xoan, mép có răng, mặt trên xanh lục, mặt dưới tím. Hoa mọc riêng lẻ, màu tím hoặc xanh lơ, có khi trắng, rộng 7-15cm, thường có 4-6 lá đài xanh có đốm đen, 11-14 cánh hoa, khoảng 40 nhị với bao phấn có mỏ vàng, nhiều lá noãn rời nhau.

Bộ phận dùng: Thân rễ và hoa - Rhizoma et Flos Nymphaeae Stellatae.

Nơi sống và thu hái: Loài cổ nhiệt đới, mọc trong các hồ ao ruộng nước. Thường được trồng lấy cuống hoa nấu canh ăn và củ cũng ăn được. Khi dùng làm thuốc, nhổ cây lấy rễ củ dưới đất, rửa sạch, loại bỏ vỏ ngoài, phơi khô, xông lưu huỳnh, bảo quản nơi khô ráo.

Thành phần hoá học: Cây chứa alcaloid (nupharin), một hoạt chất estrogen. Trong củ còn có tinh bột.

Tính vị, tác dụng: Súng là loại cây có tính chất làm dịu dục tình, chống co thắt, gây ngủ, hơi bổ tim và hô hấp; rễ có tác dụng cường tráng, thu liễm.

Công dụng: Thường dùng trị các trạng thái kích thích tình dục (cương đau dương vật, loạn dâm, mộng tinh, di tinh) hoặc bạch đới, bạch trọc, chứng mất ngủ, hội chứng bồn chồn, tim đập mạnh, lỵ, ỉa chảy, ho (có khi cả ho lao), viêm bàng quang, viêm thận, đái són; còn dùng chữa đau lưng mỏi gối.

Ở Ấn Độ, cũng dùng như Súng đỏ - Nymphaea rubra Roxb. Thân rễ tán bột dùng trị đầy hơi, ỉa chảy và trĩ; nước sắc hoa dùng chữa tim đập nhanh.

Cách dùng::: Ngày dùng 30g dạng thuốc sắc hay hoàn tán, thường phối hợp với các vị thuốc khác. Có thể dùng hoa hay củ hãm uống mỗi lần 1 thìa cà phê bột hoặc hoa củ khô trong một chén nước sôi, ngày 2-3 lần giữa các bữa ăn và trước khi đi ngủ. Hoặc dùng cao nước với liều 0,2-0,3g củ dùng lùi trong tro bếp nóng để ăn. Hạt cũng ăn được. Lá cũng dùng chữa sốt rét cơn.

Chú ý: Người đại tiện táo bón, tiểu tiện bí không nên dùng.

Sung rỗ

đăng 02:20 4 thg 9, 2013 bởi công trình cây

Sung rỗ

Sung rỗ - Ficus variolosa Lind. ex Benth. (F. langbianensis Gagnep., F. pyriformis Hook. et Arn. var. brevifolia Gagnep.), thuộc họ Dâu tằm - Moraceae.

Mô tả: Cây gỗ hoặc cây gỗ nhỏ, không lông, cao 3-10m. Lá mọc chụm ở ngọn các nhánh; phiến thon dài 4-12 (15)cm, rộng 1,5-4cm, cứng, không lông, gân phụ 8-10 cặp. Quả Sung hình quả lê, ngọn cắt ngang, cao 6-10mm; có cuống trên bao chung; rồi cuống dài đến 13-15mm.

Bộ phận dùng: Thân, lá - Caulis et Folium Fici Variolosae.

Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Trung Quốc, Campuchia, Việt Nam, Malaixia. Ở nước ta, cây mọc ở Lào Cai, Bắc Thái tới Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng.

Công dụng: Vỏ cây có sợi làm giấy, làm bông nhân tạo.

Ở Vân Nam (Trung Quốc) thân được dùng làm thuốc thanh nhiệt lợi niệu; lá dùng trị đòn ngã tổn thương.

Sung ngọt

đăng 02:20 4 thg 9, 2013 bởi công trình cây

Sung ngọt

Sung ngọt, Sung trái - Ficus carica L., thuộc họ Dâu tằm - Moraceae.

Mô tả: Cây gỗ nhỏ, thường có dạng bụi cao trung bình 3-4m, song thân cây có thể có chu vi tới 1m. Lá dai, nạc, có lông, dài và rộng 10-20cm, hình chân vịt hay dạng tim nhiều hay ít, rất đa dạng, thường có 5-7 thuỳ cách nhau bởi những góc lõm sâu; phiến xanh sẫm ở trên, xanh nhạt ở dưới và ráp. Quả sung to, dạng như quả lê, hình gụ hay gần hình cầu, có màu sắc thay đổi khi chín.

Hoa tháng 4-5; quả chín tháng 9-10.

Bộ phận dùng: Quả và rễ - Fructus et Radix Fici; thường gọi là Vô hoa quả

Nơi sống và thu hái: Gốc ở Cận đông (Xyri, Iran, Á tiểu Hy Lạp) nay trở thành hoang dại ở vùng Địa trung hải. Ta nhập trồng ở Phú Yên, Khánh Hoà; cây chịu vùng nắng khô. Nạc khi chín ngọt, khi phơi khô ngọt như Chà là.

Thành phần hoá học: Quả chứa proteose, amino acid, tyrosin, carotin, các acid fumaric, chikimic, quitic, các men cravin, lipase, protease. Lá chứa 0,06% chất đắng ficusin và bergapten. Nhựa chứa enzym proteolytic. Người ta đã tách được psoralen, bergapten, taraxasterol và b-sitosterol.

Tính vị, tác dụng: Quả, rễ có vị ngọt, tính bình; có tác dụng thanh nhiệt, kiện vị, chống ho, cầm máu, trừ lỵ, tiêu thũng, và nhuận phế.

Ở Ấn Độ, người ta xem quả có tính nhầy dịu, giải khát, làm mềm và bổ dưỡng. Dịch của nạc quả xanh có vị cay.

Công dụng: Ở Trung Quốc quả và rễ được dùng chữa tiết tả, bệnh trĩ, mụn nhọt, viêm nhánh khí quản, háo suyễn, phổi nóng sinh ho.

Ở Ấn Độ, quả được dùng làm thức ăn bổ dưỡng; dịch quả xanh được dùng để huỷ các mụn hạt cơm thường.

Sung lá đàn

đăng 02:19 4 thg 9, 2013 bởi công trình cây

Sung lá đàn

Sung lá đàn, Sung tỳ bà - Ficus pandurata Hance, thuộc họ Dâu tằm - Moraceae.

Mô tả: Cây gỗ nhỏ. Lá có phiến nhỏ hay vừa, dài 4,5-11cm, rộng 2,5-4,6cm, hẹp ở nửa dưới, đầu tù, có mũi hay không, gốc tròn, gân gốc đến 1/3-1/2 phiến, mặt trên có thể nâu đen, mặt dưới lục xám; cuống dài cỡ 1cm, trên cuống 4-5mm; bao chung có lá xoan, cao 1,5mm.

Bộ phận dùng: Vị cay, hơi chát, tính bình; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, khư phong lợi thấp, hoạt huyết điều kinh.

Công dụng: Ở Vân Nam (Trung Quốc) có nơi người ta dùng: Rễ trị ho gà, sữa chảy không đều, nhọt ở lưng. Lá trị hoàng đản, đau lưng, sốt rét, sưng amygdal, sưng vú, đau nhọt ở lưng, rắn cắn. Ở Quảng Tây, rễ, lá được dùng trị phong thấp tê đau, đau dạ dày và trị hư nhược sau khi bị bệnh.

Súng đỏ

đăng 02:18 4 thg 9, 2013 bởi công trình cây

Súng đỏ

Súng đỏ, Súng cơm - Nymphaea rubra Roxb. ex Salisb., thuộc họ Súng - Nymphaeaceae.

Mô tả: Cây thảo thủy sinh có thân rễ thuôn, có chồi. Lá tròn, màu nâu đo đỏ rồi xanh, rộng 30-45cm, mép còn răng. Hoa đỏ tía sẫm, rộng 15-25cm, nở tử 20 giờ đến 11 giờ sáng hôm sau trong 3 hay 4 tối; lá đài đỏ, 7 gân; cánh hoa 12-20; nhị cỡ 50, có chỉ nhị rộng màu đỏ son; bầu đến 20 ô.

Bộ phận dùng: Thân rễ và hoa - Rhizoma et Flos Nymphaeae Rubrae.

Nơi sống và thu hái: Loài của Ấn Độ và các nước vùng nóng, ta có trồng ở ao vì hoa to và đẹp.

Công dụng: Cuống lá dùng ăn như rau.

Ở Ấn Độ, thân rễ tán bột dùng trị đầy hơi, ỉa chảy và trĩ; nước sắc hoa dùng trị tim đập nhanh.

Sung dị

đăng 02:17 4 thg 9, 2013 bởi công trình cây

Sung dị

Sung dị, Sung rừng quả nhỏ - Ficus lacor Buch.-Ham., thuộc họ Dâu tằm - Moraceae.

Mô tả: Cây gỗ nhỏ hoàn toàn nhẵn. Lá thuôn-trái xoan hay trái xoan, tròn hay có khi lõm ở gốc có mũi nhọn đột ngột và ngắn, hầu như dai, dài 8-15cm, cuống lá gần như có đốt với phiến, dài 3-5cm. Quả sung ở nách lá, xếp từng đôi, không cuống, nhẵn, đường kính 8mm.

Bộ phận dùng: Vỏ - Cortex Fici Lacoris.

Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc, Thái Lan, Malaixia. Ở nước ta, cây được trồng ở các làng miền Trung.

Công dụng: Ở Ấn Độ, nước sắc vỏ dùng làm thuốc rửa mụn loét, và dùng thụt trong bệnh bạch đới và làm nước súc họng khi ra nhiều nước bọt. Các chồi non dùng để chế cary.

Ở Trung Quốc, vỏ cây già cũng được sử dụng.

Sừng dê

đăng 02:16 4 thg 9, 2013 bởi công trình cây

Sừng dê

Sừng dê, Sừng bò - Strophanthus divaricatus (Lour.) Hook. et Arn., thuộc họ Trúc đào - Apocynaceae.

Mô tả: Cây bụi mọc cao 2m, có cành vươn dài tới 3-4m, cánh non vuông, cành già hình trụ, vỏ có nhiều lỗ bì màu trắng. Lá mọc đối, phiến lá dài 4-10cm, rộng 1,5-5cm; cuống lá ngắn. Hoa mọc đơn độc hay thành cụm hình xim ở ngọn cành. Hoa màu vàng, cánh hoa kéo dài thành sợi. Quả nang, gồm 2 đại nhọn đầu, dính nhau ở gốc, dài 10-15cm. Hạt nhiều màu nâu, có cán mang chùm lông mịn. Toàn cây có nhựa mủ.

Hoa tháng 3-4 (6-7), quả tháng 8-9 (-12).

Bộ phận dùng: Hạt - Semen Strophanthi Divaricati, thường gọi là Dương giác ảo. Cành, lá và dịch cây cũng được sử dụng.

Nơi sống và thu hái: Loài của Nam Trung Quốc, Lào và Việt Nam. Cây mọc hoang chủ yếu ở vùng đồi núi từ Hoà Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế đến Tây Ninh, ở các trảng cây bụi ven biển. Thu hái quả vào tháng 11-12. Lấy hạt, bỏ chùm lông, phơi hay sấy khô. Dây lá thu hái quanh năm dùng tươi hay phơi khô.

Thành phần hoá học: Hạt chứa glucosid: divaricoside, sinoside, D-strophanthin I, II, III.

Tính vị, tác dụng: Hạt (cũng như cành, lá) có vị đắng, tính hàn, rất độc; có tác dụng cường tâm, tiêu thũng, chỉ dương, sát trùng khư phong thấp, thông kinh lạc. Lá có vị đắng, tính hàn, có độc; có tác dụng tiêu thũng, chỉ dương, sát trùng.

D-strophanthin trong hạt, có đầy đủ những tác dụng điển hình so với những tác dụng của Uabain. Nó có tác dụng trợ tim rõ rệt, làm chậm nhịp tim, tăng bài niệu, giảm các dấu hiệu xung huyết nội tạng và ngoại vi, có tác dụng nhanh dùng trong cấp cứu, có thể tiêm tĩnh mạch.

Công dụng: Hạt được dùng trị đau phong thấp, trẻ em bị di chứng bại liệt, mụn nhọt ngứa lở, rắn độc cắn, đòn ngã tổn thương, và gãy xương. Lá được dùng tươi nấu nước rửa hoặc giã đắp trị đòn ngã tổn thương và ghẻ lở. Cành lá tươi có thể dùng trong nông nghiệp làm thuốc diệt côn trùng và giòi.

Hiện nay, người ta dùng hạt chiết D-strophanthin là hỗn hợp glucosid dùng chữa suy tim cấp và mạn tính, trường hợp suy tim không chịu tác dụng của thuốc loại Digitalin. Ngày dùng 1-2 ống tiêm, mỗi ống 2ml có 0,25mg D-strophanthin. Tiêm dung dịch nguyên hoặc pha loãng trong dung dịch glucose, tiêm thật chậm vào tĩnh mạch.

Dân gian thường dùng chất nhựa để bôi các vết mụn hắc lào ngoan cố. Nhưng nhựa này có độc, nhỡ ăn phải bị chết người, vào mắt có thể bị mù; khi dùng phải cẩn thận.

Sung bộng

đăng 02:15 4 thg 9, 2013 bởi công trình cây

Sung bộng

Sung bộng, Sung rừng - Ficus fistulosa Reinw. ex Blume (F. harlandii Benth.), thuộc họ Dâu tằm - Moraceae.

Mô tả: Cây gỗ cao 15m, thân to 30cm. Lá có phiến thon, to vào 12 x 4,5cm, không lông, hay có lông tái, dai, nâu đo đỏ mặt trên, đen mặt dưới; cuống dài 2-3cm; lá kèm cao 1cm. Quả sung chụm trên một u trên thân, lúc chín vàng, to vào 10mm, có cuống ngắn trên tổng bao và cuống dài 1,5-2,5cm.

Quả tháng 5-9.

Bộ phận dùng: Rễ, vỏ, lá - Radix, Cortex et Folium Fici Fistulosae.

Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Nam Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam. Cây mọc ở Quảng Ninh tới Thừa Thiên - Huế, Khánh Hoà, Đồng Nai cho tới đảo Phú Quốc (Kiên Giang).

Tính vị, tác dụng: Có tác dụng bổ khí, nhuận phế, hoạt huyết, thẩm thấp, lợi niệu.

Công dụng: Quả ăn được; quả xanh xào ăn, quả chín ăn tươi. Lá non cũng dùng nấu canh.

Ở Ấn Độ, rễ dùng nấu nước uống cho phụ nữ sau khi sinh.

Ở Vân Nam (Trung Quốc), các bộ phận của cây được dùng trị ngũ lao thất thương, sưng vú, thấp nhiệt, đau bụng ỉa chảy.

Sung bầu

đăng 02:14 4 thg 9, 2013 bởi công trình cây

Sung bầu

Sung bầu - Ficus tinctoria Forst. f. subsp. gibbosa (Blume) Corner (F. gibbosa Blume), thuộc họ Dâu tằm - Moraceae.

Mô tả: Cây gỗ nhỏ hay to hoặc cây leo, phụ sinh lúc còn nhỏ; cành non không lông. Lá xếp từng đôi; phiến bầu dục tròn dài, dài 7-15cm, không cân xứng, đầu tù có mũi, gân gốc không trội, không lông, nhẵn, mặt dưới có ổ khi khô; cuống dài 1cm, lá kèm cao 8mm, không lông. Quả dạng sung 2, tròn, to 7mm, khi chín vàng hay nâu đỏ, có lông mịn, trên cuống ngắn.

Mùa hoa quả tháng 1-4.

Bộ phận dùng: Vỏ rễ, lá - Cortex Radicis et Folium Fici Gibbosae. Vỏ rễ và ký sinh trùng trên lá cũng được dùng.

Nơi sống và thu hái: Loài của Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Lào. Cây mọc ở các trảng ẩm, vùng đồng bằng khắp nước ta và rừng thứ sinh ở miền trung du từ Lào Cai, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Thái, Hoà Bình, Hà Tây, Ninh Bình, Quảng Nam - Đà Nẵng, đến Khánh Hoà, Ninh Thuận.

Tính vị, tác dụng: Vị hơi đắng, chát, tính bình; có tác dụng hoá đàm chống ho, khư phong thông lạc.

Công dụng: Ở Ấn Độ, vỏ rễ dùng làm thuốc lợi tiêu hoá và cũng như rễ, làm thuốc khai vị.

Ở Trung Quốc, tại Vân Nam dân gian dùng vỏ cây hoặc tật ở lá (do ký sinh trùng) để trị cảm mạo, co giật do sốt cao, ỉa chảy và lỵ. Nấu nước xông dùng trị đau mắt do phong hoả. Có nơi dùng trị thương hàn, đau bụng, viêm nhánh khí quản, viêm khớp do phong thấp.

1-10 of 297