Sa môn Sa môn, Cây vẩy ốc - Salomonia cantoniensis Lour., thuộc họ Viễn chí - Polygalaceae. Mô tả: Cỏ cao 5-20cm, nhẵn. Thân hình sợi, có cánh, nhất là ở ngọn, nhiều khi phân nhánh. Lá hình trái xoan hay hình tam giác, ít khi hình tim ở gốc, có mũi nhọn ở ngọn, nhẵn. Hoa mọc thành bông hơi thưa, 5 lá đài hình trái xoan nhọn, có răng ở mép; 3 cánh hoa, cánh thứ 3 hình mũ ở ngọn, tù, với 2 tai nhỏ hình tam giác tù ở gốc mũ; 4 nhị hàn liền thành bẹ bởi các chỉ nhị, bầu hình tam giác ngược, 2 ô. Quả nang có mạng lõm, hai cánh có răng; hạt đen, to 1,5mm.
Bộ phận dùng: Toàn cây - Herba Salomoniae Cantoniensis. Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam. Mọc ở nhiều nơi thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Hà Bắc, Vĩnh Phú, Bắc Thái, Lạng Sơn, Lào Cai cho tới Lâm Đồng. Thành phần hoá học: Rễ có mùi metyl salicylat. Tính vị, tác dụng: Vị hơi cay, tính ấm, có hương thơm, hơi có độc; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu thũng, kháng khuẩn chống đau, khử ế. Công dụng: Thường được dùng chữa sốt trẻ em, chữa đau mắt (Viện Dược liệu). Ở Trung Quốc dùng trị rắn cắn, dao chém, vô danh thũng độc, đau răng và mắt sinh màng. Ở Ấn Độ, cây được giã ra và đắp vào miệng trẻ em bị bệnh spru. Đơn thuốc: 1. Mắt sinh màng trắng: Sa môn nấu nước và rửa. 2. Đau răng: Nấu nước Sa môn dùng ngậm. 3. Mụn nhọt độc và rắn cắn: Giã cây tươi đắp. |
Cây làm thuốc > Những cây làm thuốc P3 >