Những cây làm thuốc khác


Mộc hương

đăng 07:27 31 thg 8, 2013 bởi công trình cây

Mộc hương

Mộc hương, Quảng mộc hương - Saussurea lappa C. B. Clarke (Aucklandia lappa Decne.), thuộc họ Cúc - Asteraceae.

Mô tả: Cây thảo sống lâu năm, rễ mập. Thân hình trụ rỗng, cao 1,5-2m. Vỏ ngoài màu nâu nhạt. Lá mọc so le; phiến chia thùy không đều ở phía cuống, dài 12-30cm, rộng 6-15cm, mép khía răng, có lông ở cả hai mặt nhất là ở mặt dưới; cuống lá dài 20-30cm. Các lá ở trên thân nhỏ dần và cuống cũng ngắn dần, lá trên ngọn hầu như không cuống; hầu như ôm lấy thân. Cụm hoa hình đầu, màu lam tím. Quả bế hơi dẹt, màu nâu nhạt lẫn những đốm màu tím.

Ra hoa tháng 7-8, kết quả tháng 8-10.  

Bộ phận dùng: Rễ - Radix Saussureae, thường gọi là Mộc hương

Nơi sống và thu hái: Cây được nhập trồng và thích nghi với một số vùng cao của nước ta như Sapa, Tam Ðảo, Ðà Lạt và vùng phụ cận. Nhân giống bằng hạt vào tháng 11-12. Cây ưa đất phù sa cát tơi xốp; nếu đất quá ẩm ướt thì dễ bị bệnh thối cổ rễ.

Trồng một năm thì thu hoạch, có thể để qua năm vào tháng 1,2 khi cây bắt đầu tàn lá, thân khô và lụi dần. Ðào bằng cuốc để tránh gãy nát, cắt bỏ phần mấu thân, lấy củ rửa sạch, phơi hay sấy khô. Có thể dùng tươi hoặc chế biến thành Tửu mộc hương, Mộc hương nướng, Mộc hương sao.

Thành phần hóa học: Trong củ có costus lactone, dihydrocostus lactone, saussurea lactone, costunotide và dihydrocostunolide.

Tính vị, tác dụng: Mộc hương có vị cay, đắng, tính ấm; có tác dụng hành khí chỉ thống, kiện tỳ tiêu tích; nói chung nó có tác dụng làm tan ứ trệ, hoà tỳ vị, đuổi phong tả, tả khí hoả, phát hãn, giải cơ biểu... như Thổ mộc hương. Còn có tác dụng lý khí, dùng để hành khí giảm đau, kiện tỳ, chỉ tả. Loại nướng có tác dụng hoà hoãn hành khí, trợ sức cho đại tràng, chỉ tả lỵ.

Công dụng: Thường dùng trị mọi chứng đau, trúng khí độc bất tỉnh, tiểu tiện bế tắc, đau bụng, khó tiêu, trướng đầy, gây trung tiện, ngừng nôn mửa, tiết tả đi lỵ.

Liều dùng: 0,5-1g nhai nuốt hoặc mài với nước uống, có khi dùng tới 3-6g sắc hoặc tán bột uống.

Ðơn thuốc: Chữa đi lỵ mạn tính: Mộc hương, Hoàng liên bằng nhau, tán bột làm viên, mỗi lần uống 0,2-0,5g, uống ngày 2-3 lần.

Ghi chú: Các chứng do khí yếu gây ra, huyết hư mà háo thì không dùng. Kỵ nóng, lửa.

Mây dẻo

đăng 07:25 31 thg 8, 2013 bởi công trình cây

Mây dẻo

Mây dẻo, Mây cát - Calamus viminalis Willd., thuộc họ Cau- Arecaceae.

Mô tả: Thân dài đến 15m, đường kính 1cm. Lá chét 40-50 mỗi bên, gắn thành nhóm 2-5 lá, bẹ có gai đứng dài 2cm và roi dài 4-5m. Bông mo dài 1-2,5m, chuỳ 3-6, hoa nhỏ cao 2-3mm. Quả tròn, đường kính 4cm, vẩy vàng chót, đỉnh nâu.

Quả tháng 4.

Bộ phận dùng: Rễ - Radix Calami Viminalis.

Nơi sống và thu hái: Loài của Á châu nhiệt đới. Cây mọc ở vùng đồng bằng Nam Bộ, từ thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa cho đến Kiên Giang (Phú Quốc). Cũng phân bố ở Campuchia, thường gặp ở những nương rẫy.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: ở Campuchia dân gian dùng làm dây buộc và đan lát. Rễ được dùng trong một chế phẩm để điều trị bệnh về buồng trứng. Quả dùng ăn được.

Mây dang

đăng 07:24 31 thg 8, 2013 bởi công trình cây

Mây dang

Mây dang, Mây Bắc bộ - Calamus tonkinensis Becc., thuộc họ Cau - Arecaceae.

Mô tả: Dây leo dài tới 10m, to 1-1,5cm. Lá có phiến mang nhiều lá chét, dài 10-25cm, rộng cỡ 2,5cm, mọc so le hay mọc đối, trục lá có gai đen, cao; bẹ có gai cong và roi. Buồng dài và có roi; chuỳ 5-7, dài 15-35cm; nhánh ngắn. Quả xoan, dài 9-11mm, rộng 7-8mm, vẩy vàng nhạt, mép nâu đen.

Bộ phận dùng: Quả - Fructus Calami Tonkinensis.

Nơi sống và thu hái: Cây mọc ở rừng đồng bằng Bắc Bộ đến Nam Bộ. Gặp nhiều trong rừng thường xanh ở Quảng Ninh, Thừa Thiên và Bà Rịa.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ðàn ông có thể nhai quả để ăn, còn đàn bà nếu ăn quả sẽ bị mất máu (Theo A. Pételot).

Mẫu kinh

đăng 07:22 31 thg 8, 2013 bởi công trình cây   [ đã cập nhật 07:23 31 thg 8, 2013 ]

Mẫu kinh

Mẫu kinh, Ngũ trảo lá có răng - Vitex negundo L., var cannabifolia (Sieb. et Zucc.) Hand – Mazz., thuộc họ Cỏ roi ngựa - Verbenaceae.

Mô tả: Cây gỗ nhỏ, cành vuông vuông, có lông mịn vàng vàng. Lá mọc đối, phiến lá kép với 5 lá chét thon hẹp, dài 5-8cm, mép có răng to, mỏng, mặt dưới có lông vàng vàng, cuống phụ 5-15mm. Chuỳ hoa ở ngọn các nhánh. Hoa tím. Quả khô, to cỡ 4mm, màu đen.

Mùa hoa quả tháng 7-11.  

Bộ phận dùng: Lá - Folium Viticis Cannabifoliae, thường gọi là Mẫu kinh diệp. Quả, rễ, thân cũng đều được dùng.

Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Ấn Ðộ, Trung Quốc, Việt Nam. Ở nước ta cây mọc hoang và cũng được trồng ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre để làm cảnh và làm thuốc. Thu hái lá vào mùa hạ, thái nhỏ, phơi khô trong râm. Rễ thân thu hái quanh năm, rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô dùng.

Thành phần hóa học: Lá chứa khoảng 0,05% tinh dầu, còn có alcaloid nishindin.

Tính vị, tác dụng: Lá có vị hơi đắng, cay, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu trừ đàm, chỉ khái bình suyễn, trừ sốt rét. Quả có vị đắng cay, tính ấm, có tác dụng trừ ho, chặn suyễn, giảm đau. Rễ và thân có vị đắng cay, tính bình, có tác dụng hạ nhiệt, trị ho và trừ sốt rét.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Lá được dùng trị cảm cúm, sốt rét, viêm ruột, lỵ viêm đường niệu - sinh dục, eczema, viêm mủ da. Quả dùng trị ho, hen suyễn đau vùng thượng vị, rối loạn tiêu hoá, viêm ruột lỵ. Rễ và thân dùng trị viêm phế quản, viêm gan, sốt rét.

Liều dùng: Rễ, thân lá 10-30g, quả 3-10g.

Đơn thuốc:

1. Cảm cúm, rối loạn tiêu hoá: Lá Mẫu kinh, Thồm lồm và Cò ke, mỗi vị 30g, sắc uống.

2. Ho, hen suyễn: Hạt Mẫu kinh 1,5-3g sắc nước uống hay chế xi rô uống.

Mẫu đơn

đăng 07:21 31 thg 8, 2013 bởi công trình cây

Mẫu đơn

Mẫu đơn - Paeonia suffruticosa Andr., thuộc họ Mẫu đơn - Paeoniaceae.

Mô tả: Cây thảo, sống nhiều năm thành bụi cao đến 2m, thân không lông. Rễ phát triển thành củ. Lá kép hai lần, mặt trên xanh đậm, mặt dưới trắng nhạt, lá chét nguyên hay có thùy. Hoa to, đường kính 15-20cm, ở ngọn các nhánh, rộng đến 20cm, thơm, thường xếp từng đôi, cánh hoa nhiều, trắng, đỏ tía hay vàng, nhị nhiều, vàng; lá noãn 5, rời nhau, không lông. Quả đại có vỏ quả dày.

Hoa tháng 5-7, quả tháng 7-8.  

Bộ phận dùng: Vỏ rễ - Cortex Moutan, thường gọi là Mẫu đơn bì.

Nơi sống và thu hái: Gốc ở Trung Quốc, được nhập trồng vì hoa đẹp và để sử dụng làm thuốc. Người ta thường dùng vỏ rễ phơi khô.

Thành phần hóa học: Có paeonolide, paconol, paconiflorin; còn có acid benzoic, phytosterol, các glucosid, alcaloid, saponin.

Tính vị, tác dụng: Vị đắng, cay, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt lương huyết, hoạt huyết tán ứ, tán độc phá ban.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng chữa nhức đầu, đau khớp, thổ huyết, khạc ra máu, đái ra máu, cốt chưng lao nhiệt, kinh bế, thống kinh, ung thũng sang độc và đòn ngã tổn thương.

Đơn thuốc:

1. Chữa bệnh ôn nhiệt, sốt nóng vào mùa hè - thu, viêm não cấp, sưng gan, sốt xuất huyết, sốt cao co giật, hôn mê trằn trọc, khô khát, gầy rộc: Dùng Đơn bì, Huyền sâm, Sinh địa, Mạch môn, Ngưu tất, Quyết minh tử sao, Dành dành sao hay Hoa hoè sao qua, mỗi vị 12g sắc uống.

2. Chữa đơn độc sưng tấy, quai bị, bắp chuối, sưng vú, viêm tinh hoàn, cùng các chứng ứ máu sưng viêm phát sốt và phụ nữ đau bụng phát sốt trong khi hành kinh. Dùng Đơn bì, Bông trang, Huyết giác, Hoàng lực, Ðơn châu chấu, Chó đẻ răng cưa, mỗi vị 12g sắc uống.

Máu chó

đăng 07:20 31 thg 8, 2013 bởi công trình cây

Máu chó

Máu chó - Knema globularia (Lam) Warb, thuộc họ Máu chó - Myristicaceae.

Mô tả: Cây nhỡ cao tới 10m, có các nhánh non phủ một lớp lông mềm màu hung đỏ, cành già nhẵn, có khía. Lá dạng màng, thuôn ngọn giáo, có mép nguyên, mặt trên bóng nhẵn, có gân lông chim với 11-15 đôi gân phụ nổi rõ. Cum hoa ở nách lá, có lông mịn màu đo đỏ. Quả hình trứng, hình cầu hay gần như bầu dục, khi chín nhẵn, vỏ quả mỏng, áo hạt nguyên hay hơi xẻ ở đỉnh. Hạt có vỏ mỏng và nhẵn.

Bộ phận dùng: Hạt - Semen Knemae.

Nơi sống và thu hái: Cây của miền Ðông Dương, mọc hoang ở vùng rừng núi. Thu hái vào tháng 9-10. Hạt có dầu mùi hắc. Khi dùng giã nhỏ, cho thêm ít muối rang đỏ lên rồi ép lấy dầu hoặc giã rồi nấu cho dầu nổi lên mà gạn lấy cũng được.

Thành phần hoá học: Hạt chứa dầu.

Tính vị, tác dụng: Vị chát, hơi the, tính ấm, có tác dụng tiêu độc, sát trùng.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường phối hợp với các loại thuốc khác làm thuốc chữa ghẻ, ngứa, lở, hắc lào. Người ta dùng hạt Máu chó (2 phần), quả Bồ hòn (1 phần) hạt Củ đậu (1 phần) đều giã nhỏ, đem nấu lấy một thứ dầu hỗn hợp để dùng. Bôi một lớp mỏng vào chỗ ngứa sau khi rửa sạch và cào cho trợt da.

Hải Thượng Lãn Ông đã chế thuốc bôi chữa lở ngứa và các loại ghẻ lở: Hạt Máu chó, hạt củ đậu, Củ nghệ đều bằng nhau, Diêm sinh bằng 1/2 mỗi vị trên, tán nhỏ, hoà với dầu vừng hay mỡ lợn mà bôi (theo Bách gia trân tàng).

Có thể dùng hạt Máu chó làm loại xà phòng thuốc đặc trị.

ở Thái Lan người ta dùng dầu hạt làm thuốc trị bệnh ngoài da và trị ghẻ.

Mắt trâu nhỏ

đăng 07:19 31 thg 8, 2013 bởi công trình cây

Mắt trâu nhỏ

Mắt trâu nhỏ, Cam núi, Cây răng dê - Micromelum compressum Merr (M. mintum Seem) thuộc họ Cam - Rutaceae.

Mô tả: Cây nhỡ mảnh, cao tới 6m, các nhánh phủ lông nhỏ nằm màu hung. Lá kép lông chim lẻ; lá chét 7-13 hình ngọn giáo rất không cân ở gốc, thon dài thành mũi nhọn sắc, mép hơi khía lượn, mặt trên phủ lông nằm rất ngắn, chỉ hơi rô ở phiến. Quả dạng bầu dục, nạc, có nhiều tuyến.

Mùa hoa tháng 11-3.

Bộ phận dùng: Lá- Folium Micromeli Compressi.

Nơi sống và thu hái: Loài phân bố từ Ấn  Ðộ qua Trung Quốc đến tận Châu Ðại Dương. Ở nước ta cũng chỉ gặp ở rừng miền Trung.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Dân gian dùng lá giã ra để xoa đắp trị ghẻ (theo Poilane). Lá nấu xông chữa vàng da, ngộ độc thức ăn (Viện dược liệu).

Măng tây

đăng 07:18 31 thg 8, 2013 bởi công trình cây

Măng tây

Măng tây - Asparagus officinalis L, thuộc họ Thiên môn - Aspargaceae.

Mô tả: Cây thảo có thân mọc ngầm trong đất, thường gọi là thân rễ. Thân rễ dày, mang nhiều rễ dài, đường kính 5-6mm, màu nâu sáng, xốp. Các thân đứng mọc trong không khí lởm chởm những vết sẹo của những nhánh đã rụng. Các thân khi sinh này mang những vòng cành biến đổi thành lá hình kim. Lá thật tiêu giảm. Hoa rất nhỏ, màu lục, hình chuông, dài độ 6mm, tập hợp 4-6 cái thành nhóm ở nách lá của các cành dạng lá. Quả hình cầu, dày màu đỏ.

Hoa tháng 7-8.

Bộ phận dùng: Rễ - Radix Asparagi Officinalis, thường có tên là Thạch tiêu bách.

Nơi sống và thu hái: Cây của miền Nam châu Âu, được trồng ở nhiều nước trên thế giới. Ta cũng trồng chú yếu để lấy chồi non (măng) làm rau ăn, măng là những chồi của thân rễ của cây. Khi nó vừa ló lên mặt đất thì người ta cắt đi vì khi ấy nó còn mềm; khi nó lên cao nữa thì mạch gồ xuất hiện làm cho màng cứng khô ăn. Có thể thu hái măng và rễ quanh năm.

Thành phần hoá học: Các thành phần đã biết là nước 90-95% glucid 1,70-2,50% lipid 0,10-0,15%, protid 1,60-1,90%, cellulose 0,55-0,70%, các vitamin A, B1, B2, C, khoảng 10% chất khoáng với mangan, sắt, photpho, kali, calcium four, brome, iod, một ít tanin, một saponosid mà genin là sarsasapogenin; các chồi non chứa asparagin, coniferin, một ít rutosid (có nhiều hơn ở các phần xanh) các vết anthocyamosid và một chất có lưu huỳnh có thể là dẫn xuất methylsulfonium của methylmercapten (methanethiol) có mùi khó chịu. Trong rễ có sarsasapogenin coniferin, acid chelidonic, mannit, asparagin, muối kali.

Tính vị, tác dụng: Rễ cây có vị đắng, hơi cay, tính hơi ấm, có tác dụng nhuận phế trấn khái, khư đàm, sát trùng Măng có tác dụng làm dịu sự kích thích, lợi tiểu, nhuận tràng, trợ tim, làm dịu, bổ và kích dục, còn cung cấp chất khoáng cho cơ thể, làm giảm lượng glucose niệu. Rễ lợi tiểu hơn măng, làm giảm lượng muối, giúp ăn ngon và làm dịu tim Asparagin rất cần cho sự xây dựng, sự phân chia các tế bào và sự phục hồi cơ thể.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Măng thường dùng để ăn, có mùi dễ chịu, dùng rất tốt, cho người suy niệu, thấp khớp, thống phong, viêm phế quản mạn tính, đái đường,

đánh trống ngực.

Rễ được dùng cho các trường hợp giảm niệu của bệnh nhãn tim, các bệnh về thận, thuỷ thũng, vàng da.

Ở Trung Quốc, Măng tây được dùng trị phổi nóng sinh ho và sát trùng, được dùng ngoài trị bệnh ngoài da, ghẻ, nấm và ký sinh trùng.

Ghi chú: Dùng Măng như rau hoặc dùng dịch chiết. Người bị viêm bàng quang, viêm khớp cấp tính không nên dùng. Rễ dùng dưới dạng nước sắc, cao lỏng hay xirô. Không dùng cho người bị viêm đường tiết niệu cũng như người bị bệnh thần kinh.

Màng tang

đăng 07:12 31 thg 8, 2013 bởi công trình cây

Màng tang

Màng tang - Litsea cubeba (Lour.) Pers, thuộc họ Long não - Lauraceae.

Mô tả: Cây nhỡ cao độ 5-8m, thân vỏ xanh, có lỗ bì, già thì có màu nâu nâu xám, cành nhỏ và nằm. Lá mọc so le, phiến lá hình mác dài độ 10cm, rộng 1,5-2,5cm, dày, mặt trên màu xanh lục, mặt dưới xám sau biến màu đen, mép nguyên; cuống lá mảnh; gân lá rõ. Hoa nhỏ khác gốc, màu vàng nhạt, mọc thành chùm ở nách lá. Quả mọng hình tròn hay hình trứng khi chín màu đen, mùi rất thơm.

Hoa tháng 1-3, quả tháng 4-9.  

Bộ phận dùng: Rễ, cành, lá, quả - Radix, Ramulus, Folium et Fructus Litseae. Quả thường gọi là Tất trưng già.

Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang ở vùng rừng núi cao trong các savan cây bụi như Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, tới Kontum, Lâm Ðồng và đã được trồng ở một số nông trường để làm cây che bóng cho chè, có nơi dùng lấy quả để cất tinh dầu. Trồng bằng hạt vào mùa xuân. Thu hái quả vào mùa hè thu rễ và lá thu hái quanh năm.

Thành phần hoá học: Quả chứa tinh dầu (38-43%) một nguồn chiết xuất citral hàm lượng thường là 80%. Cây chứa tinh dầu (0,81%) và alcaloid laurotetanin. Vỏ chứa alcaloid N-methyl-laurotetanin.

Tính vị, tác dụng: Vị cay, đắng, tính ấm; có mùi thơm của sả; có tác dụng tán phong hàn, ôn trung hạ khí, trừ thấp giảm đau.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Rễ được dùng trị 1. Ngoại cảm, nhức đầu đau dạ dày; 2. Phong thấp đau nhức xương đau ngang thắt lưng, đòn ngã tổn thương; 3. Ðầy hơi; 4. Sản hậu ứ trệ bụng đau, kinh nguyệt không đều.

Quả cũng dùng trị ăn uống không tiêu, đau dạ dày.

Lá dùng ngoài trị nhọt, viêm mủ da, viêm vú và trị rắn cắn.

Liều dùng: Rễ 15-30g, dạng thuốc sắc, quả 3-9g dạng thuốc sắc, lá tươi dùng giã nát đắp.

Ðơn thuốc:

1. Ngoại cảm tê thấp đau nhức xương; Rễ Màng tang và thân 15-30g sắc uống.

2. Viêm vú cấp tính: Lá màng tang tươi, dầm trong nước vo gạo và dùng đắp.

3. Ðau bụng kinh niên, đầy hơi ỉa chảy: Quả màng tang, rễ Xuyên tiêu, rễ cúc áo hoa vàng, rễ Kim sương, rễ Chanh, liều lượng bằng nhau nấu thành cao lỏng, uống.

Măng leo

đăng 07:10 31 thg 8, 2013 bởi công trình cây   [ đã cập nhật 18:08 30 thg 12, 2013 ]

Măng leo

Măng leo, Măng bàn tay, Thuỷ tùng - Asparagus plumosus Bak, thuộc họ Thiên môn - Asparagaceae.

Mô tả: Cây leo có thân mảnh, nhẵn, mang nhiều cành nằm ngang. Rễ dài, hơi nạc. Diệp chi (cành dạng lá) hình kim nhọn, dài 4-5mm, tụ hợp thành từng túm xếp như ở trong một mặt phẳng. Lá thật hình tam giác. Hoa nhỏ, lưỡng tính, dài độ 3mm, màu trắng, tập hợp 1-4 cái trên một cuống ngắn ở gần ngọn các cành. Quả mọng hình cầu, màu đen tím, có 1-3 hạt.

Ra hoa vào mùa hạ

Bộ phận dùng: Rễ củ - Radix Asparagi Plumosi.

Nơi sống và thu hái: Loài cây của Nam Phi châu, được trồng ở nhiều nước. Người ta đã tạo được nhiều thứ có cành lá dẹp dùng để trang trí. Cây dễ trồng, nhân giống bằng hạt hay giâm cành.

Tính vị, tác dụng: Rễ củ có tác dụng giải nhiệt, lợi tiểu.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Dân gian dùng rễ củ sắc uống làm thuốc thông tiểu và trị lao phổi.

1-10 of 150