Kỹ thuật chặt hạ cây đường phố bằng thủ công

Kỹ thuật chặt hạ cây thực hiện chủ yếu bằng thủ công

Những cây cần hạ là những cây nguy hiểm: Cây nghiêng từ 30° trở lên kèm theo bật rễ, cây chết, cây sâu mục, cây trong chỉ giới xây dựng đã được cấp phép của cơ quan có thẩm quyền.

1. Công tác chuẩn bị

Sau khi tiếp nhận giấy phép cho chặt cây của cấp có thẩm quyền tiến hành triển khai thực hiện các bước:

a. Nội dung khảo sát mặt bằng:

- Tên cây, mã số cây, chủng loại cây.

- Chiều cao cây, đường kính thân cây.

- Địa điểm

- Các công trình xung quanh cây (công trình ngầm, nổi, nhà cửa, dây điện).

- Nghiên cứu kỹ mặt bằng thi công để có phương án cắt sửa hợp lý cụ thể cho từng trường hợp.

- Đánh giá độ dễ dàng hay phức tạp, đề ra phương án thi công.

b. Công tác chuẩn bị chặt hạ:

- Thông báo việc cắt hạ cây với Phường và nhân dân xung quanh nơi có cây biết.

- Giải phóng mặt bằng: Mặt bằng phải được dọn sạch và có đường kính khu vực thi công từ 15 - 20m.

- Tháo rỡ dây điện, dây phơi.

- Tháo bỏ các vật vướng xung quanh khu,vực thi công như: Tường mái, liếp dựa vào cây...

c. Chuẩn bị dụng cụ:

- Chắn đường, cờ, còi

- Dây chão

- Cưa tay (cưa đơn)

- Cưa cá mập cưa 2 người kéo 1,2m

- Xà beng

- Nêm, búa

- Chão lớn Φ 2 - 2,5cm và 2,5 - 3cm

- Cưa máy, cáp kéo.

- Xe thang 12m - 24m tùy theo công việc

2. Tiến hành công việc

Theo nguyên tắc cắt cành lá từ dưới lên trên, còn hạ thân từ trên xuống dưới khi chiều cao thân còn 3 - 4m mới hạ đổ.

a. Xác định khoảng trống để cây đổ:

- Xác định hướng cây đổ

- Chiều dài, rộng nơi cây đổ

- Nơi thuận tiện để vận chuyển gỗ, củi.

- Nếu không có khoảng trống rộng để đổ cây cần phải cắt ngắn thân cây không gây mất an toàn cho người và tài sản.

b. Các công việc chặt hạ cây

* Cắt cành cây (theo quy trình cắt sửa cây)

- Trèo cây bằng thang tre hoặc dùng dây chão quàng qua cổ cây (chạc cây) chập đôi dây chão Φ 2 - 2,5cm. Người đứng dưới cầm dây (giữ dây) cho người cưa cây bám vào dây trèo lên cây.

- Cưa tay đeo vào đầu dây an toàn đã được buộc vào bụng của người trèo cây.

- Cắt cành từ xa vào gần

+ Cắt buông

- Nơi đất rộng không vướng công trình, không làm ảnh hưởng đến hạ tầng kỹ thuật.

+ Cắt treo:

- Nơi đất hẹp, địa hình khó khăn vướng các công trình.

- Treo cành như tỉa cây để không ảnh hưởng đến các công trình.

* Mức độ cắt cành:

- Cắt hết cành tới gần cổ cây (trạc cây) chỉ còn thân cây.

+ Nếu chiều dài của thân cây và rộng gấp hai lần đường kính cây nhỏ hơn khoảng rộng nơi dự định của cây đổ thì tiến hành hạ đổ cây.

+ Nếu khoảng rộng của nơi đổ cây nhỏ hơn chiều dài của cây thì phải cắt thân cây thành từng đoạn nhỏ hạ xuống khoảng trống nơi hạ cây.

* Hạ cây sau khi xác định được hướng cây dự định cho đổ:

+ Mở miệng:

- Khoảng cách nơi mở miệng bằng 1/3 chiều dài của cây, tính từ mặt đất lên.

- Hướng mở miệng cây theo hướng đổ

- Lấy phấn trắng vẽ vào thân cây nơi mở miệng cây theo hình múi bưởi.

+ Trèo lên cây buộc dây chão Φ 2cm nút thòng lọng vào trạc cây. Đầu dây kia buộc vào thân cây khác hoặc vật giữ theo hướng cây đổ.

+ Hai công nhân cầm cưa ngang kiểu cưa cá mập

+ Cưa ngang mặt thớt của cây theo quy định

+ Cưa độ sâu 25 - 45cm tùy theo Φ của từng cây.

+ Dùng cưa ngang hoặc cưa máy cắt cho thân cây (H2) ở độ cao cách mặt thớt bằng chiều sâu đã cưa (25-45cm)

+ Cưa để hai mặt ngang và chéo gặp nhau tạo thành góc 40°

+ Dùng nêm và búa tạ đánh bật miếng gỗ cây đã bị cưa đứt tạo thành 1 lỗ hổng gọi là miệng cây đã được mở.

*. Cắt gáy

- Dùng vòng hay dây khoanh thân cây cách mặt bằng của miệng mở 10cm

+ Lấy phấn trắng khoanh cho rõ để làm cữ cưa cho mạch cưa không ăn lên ăn xuống (H3)

+ Dùng cưa cá mập (2 người kéo) hoặc cưa máy cưa hết đường vạch

+ Cưa mở miệng với góc cắt nghiêng và rộng từ 10- 15 cm thì dừng lại tùy theo đường kính từng cây mà tiến hành cắt mở miệng nhưng không sâu quá 1/3 đường kính thân cây, sau đó cắt gáy, khi cây gần đổ tập trung 3-5 người kéo dây chão buộc ở chạc cây để cây đổ đúng hướng quy định (H4a, H4b).

+ Nếu cưa rít khó kéo thì dùng nêm búa đóng vào gáy để cưa nhẹ hơn.

+ Sau khi hạ cây xong phải dọn dẹp mặt bằng, vận chuyển thân, lá, cành về nơi quy định và lấy xác nhận của chính quyền địa phương.

c. Các phương tiện máy móc phục vụ công tác cắt sửa, chặt hạ và đánh gốc cây.

*. Cắt sửa cây:

- Cưa máy: Cây có đường kính từ 0,6m trở lên.

- Xe thang 12m hoặc 24m đối với cây và cành vươn nhiều.

- Xe vận chuyển cành lá.

*. Sửa cây chướng ngại vật:

- Cưa máy: Điện chiếu sáng, cành khô

- Xe thang 12m: Điện chiếu sáng, cành khô, gỡ tơ hồng.

- Xe MULTICA: Điện hạ thế, điện thông tin, điện cao thế

*. Hạ cây:

- Cưa máy: Sử dụng ở tất cả các loại đường kính

- Xe thang 12m hoặc 24m đối với cây sâu mục và nguy hiểm

- Xe vận chuyển cành lá.

Comments