Canh tác thuận tự nhiên (natural farming): Đây là tập hợp những loại hình canh tác bền vững, tuyệt đối tôn trọng các quy luật vận hành của tạo hóa và dựa hoàn toàn vào thiên nhiên cũng như môi trường sống xung quanh để làm nông nghiệp. Mọi loại phân thuốc tổng hợp đều không được phép sử dụng, các kĩ thuật xen canh/luân canh được tận dụng để tăng độ màu mỡ cho đất và chống xói mòn. Đất đai luôn có đủ thời gian “nghỉ ngơi” sau mỗi vụ thu hoạch và nguyên lý “trả lại cho đất” luôn được áp dụng triệt để (chỉ lấy những gì chúng ta thực sự cần, còn lại tất cả phải trả về cho đất). Điểm nổi bật của canh tác thuận tự nhiên là hạn chế những tác động của con người (như bón phân, làm cỏ, tưới tiêu, cày xới…) đối với các quá trình tương tác của tự nhiên. Một trong những người tiên phong thực hiện phương thức canh tác này trên thế giới là một nông dân người Nhật có tên là Masanobu Fukuoka. Thực ra mô hình canh tác thuận tự nhiên đã có từ rất lâu trước khi ngài Fukuoka được biết đến vì nó chính là nông nghiệp truyền thống mà cha ông chúng ta đã thực hành và kế thừa qua nhiều thế hệ. Hai đại diện tiêu biểu của canh tác thuận tự nhiên là: a) Permaculture: mô hình canh tác này “bắt chước” sự vận hành của các hệ sinh thái trên Trái đất (đặc biệt là rừng), thiết kế vườn gồm nhiều tầng tán chú trọng đa dạng sinh học và tuân thủ chặt chẽ các điều kiện tự nhiên và địa lý của khu vực để biến khu vườn thành một hệ sinh thái thu nhỏ bền vững nằm trong tổng thể các hệ sinh thái to lớn hơn. Mô hình này có thể áp dụng cho các hộ nông dân nhỏ lẻ (không có diện tích đất canh tác lớn) và đặc biệt đề cao khía cạnh trí tuệ, đạo đức của nông nghiệp bền vững. b) Agroforestry: mô hình canh tác xen kẽ với rừng, nương nhờ sự đa dạng và cân bằng sinh học sẵn có của rừng để kết hợp trồng cấy/chăn nuôi, giúp đất đai thêm màu mỡ và chống xói mòn. Mô hình này được áp dụng rất thành công ở Châu Phi và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, canh tác thuận tự nhiên có điểm yếu là không có tiêu chuẩn hay quy định khắt khe về hạ tầng như canh tác hữu cơ hoặc canh tác đa dạng sinh học. Khi môi trường sống xung quanh bị ô nhiễm, canh tác thuận tự nhiên rất dễ bị nhiễm độc từ đất đai, nguồn nước, không khí…Nếu muốn tạo ra sản phẩm thực sự “sạch”, các chủ vườn bắt buộc phải thực hiện thanh lọc và cách ly hạ tầng nông nghiệp. Ba loại hình canh tác, bao gồm: Canh tác thuận tự nhiên, canh tác hữu cơ, hay canh tác đa dạng sinh học đều là những loại hình canh tác bền vững, thân thiện với môi trường và tạo ra những sản phẩm sạch. Tuy nhiên chúng đều là những loại hình canh tác đòi hỏi chất xám và sự đam mê nghiên cứu tìm tòi của nhà sản xuất. Chỉ cần chịu khó quan sát, các bạn sẽ phân biệt được ngay các mô hình canh tác này và đẳng cấp cũng như trình độ của mỗi nhà sản xuất luôn thể hiện rất rõ qua chất lượng sản phẩm. Như tôi đã từng nói trong một bài viết, “giấc mơ” hữu cơ nào cũng đáng quý nên mô hình nào cũng đáng được trân trọng. Chỉ có điều các bạn phải trung thực với những gì các bạn có thể làm và can đảm đi tới cuối con đường đã lựa chọn. Theo Jerry Do |
Nông nghiệp hữu cơ >