Tin tức‎ > ‎

Cây cảnh bonsai

Cách bón phân cho cây cảnh

đăng 00:42 24 thg 6, 2016 bởi công trình cây

Bón phân là một trong những bước quan trọng trong kỹ thuật trồng cây. Tuy nhiên, cách bón phân cho cây cảnh đúng cách thì không phải ai cũng biết.

Bón phân cho cây cảnh là một trong những biện pháp quan trọng của việc nuôi trồng cây cảnh. Tuy nhiên, việc bón phân cũng như con dao 2 lưỡi. Nếu làm đúng, cây cảnh sẽ được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, sinh trưởng tươi tốt, nếu làm sai, cây cảnh có thể héo, úa, thậm chí là chết.

Dưới đây là 1 số cách bón phân cho cây cảnh mà người trồng cây nào cũng cần phải biết.

Mùa bón phân

Chú ý, nên bón phân trong kỳ cây con xúc tiến sinh trưởng, kỳ ra hoa nên bón phân lân để có lợi cho cây ra hoa. Ngoài ra, còn cần chú ý đến mùa bón phân, mùa xuân hè cây sinh trưởng nhanh có thể bón nhiều phân, mùa thu cây sinh trưởng chậm nên bón ít, sang mùa đông thì không cần bón phân.

Thời gian bón phân

Thường bón phân vào lúc chiều tối, đặc biệt chú ý mùa nóng nực không nên bón vào buổi trưa, vì nhiệt độ cao phân dễ gây vết thương cho rễ. Ngoài ra trước khi tưới nước phân, tốt nhất nên xới qua đất trong chậu, như thế có lợi cho việc thấm sâu vào rễ.

Một số nhà trồng hoa đã tổng kết kinh nghiệm bón phân như sau: "4 nhiều, 4 ít, 4 không, 3 kỵ”, trong đó "4 nhiều" là bón nhiều phân khi (1) cây vàng, yếu, (2) trước khi nảy chồi, (3) kỳ ra nụ hoa, (4) sau mùa hoa nở. "4 ít" là bón ít phân khi: (1) cây khoẻ, (2) nảy chồi, (3) hoa nở, (4) mùa mưa. "4 không" là không bón phân khi: (1) cây mọc cao vống, (2) khi mới trồng, (3) nắng nóng nhiều, (4) cây ngủ nghỉ. "3 kỵ" là (1) kỵ phân bón đặc, (2) kỵ phân nóng, tránh bón vào buổi trưa mùa hè lúc nhiệt độ đất cao, (3) kỵ phân dính rễ, tránh khi trồng đem rễ cây hoa trực tiếp tiếp xúc với đáy chậu cồ phân lót, phải cách ly một lớp đất.

Số lần bón

i kỳ từ lập xuân đến lập thu nói chung 1 - 2 tuần bón 1 lần, vào sâu lập thu cứ 2- 3 tuần bón 1 lần, đến lập đông không cần bón.

Phân bón lỏng

Phân bón lỏng là lựa chọn để cải thiện nhanh chóng tình trạnh úa vàng của cây. Tuy nhiên cần đặc biệt chú ý tới liều lượng ghi trên bao bì, dùng ít hơn thì không sao, tuy nhiên nếu nhiều hơn, cây không những không sinh trưởng tốt mà còn có thể bị phát triển rễ, phá dáng, hoặc xấu đi. Nên bón khoảng 3/4 liều lượng được ghi trên bao bì. Trước khi tưới, cần làm ẩm và tới đất, tạo điều kiện cho cây hấp thụ.

Thành phần phân bón

Phân bón thường chứa 3 thành phần cơ bản là N, P, K, tương ứng với Nitơ, Photpho, Kali. Nitơ cần cho cành lá, Phốt pho cần cho rễ, Kali cần cho hoa. Tùy vào mục đích mà người dùng nên chọn tỉ lệ các thành phần trong phân bón cho phù hợp.

Hoa Tết phía Bắc chịu ảnh hưởng thời tiết cực đoan

đăng 16:02 13 thg 12, 2015 bởi công trình cây

Còn 2 tháng nữa mới đến Tết Bính Thân, nhưng thị trường các mặt hàng phục vụ Tết đã rất sôi động, đặc biệt là thị trường cây cảnh. 

Năm nay mùa đông đến muộn, lại không lạnh làm cho người nông dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc chăm sóc đảm bảo cây ra hoa đúng dịp. 

Còn 2 tháng nữa mới đến Tết, nhưng chị Đặng Ánh và bạn đã tìm tới trang trại hoa và cây cảnh để tìm hiểu và mua cho mình chậu hoa trang trí  đẹp mắt trang trí nhà cửa chào đón năm mới.

Năm nay, bên cạnh những giống hoa truyền thống như mẫu đơn, lưu ly, thạch thảo, những giống hoa hồng được nhập khẩu từ Châu Âu cũng rất được ưa chuộng

Chị Đặng Ánh cho biết: "Là cư dân đô thị, chỉ có một khoảng ban công rất là nhỏ mà muốn nhà rực rỡ vào dịp Tết, tôi muốn đến để chọn cho gia đình mình một vài chậu hoa trang trí vào dịp Tết."

Anh Hàn Thư, ở Linh Đàm, Hà Nội nói: "Em muốn tạo không gian thoáng mới cho nhà, muốn tìm cái cây cảnh, hoa nó độc đáo, lạ, tiện thể trang trí cho nhà và đem tặng cho dịp Tết nữa".

Tuy nhiên, do rét muộn với nền nhiệt độ cao hơn mọi năm khiến việc ra hoa và nảy lộc không đúng tiến độ, gây thiệt hại lớn cho nông dân.

Ông Hùng, chủ vườn hoa đã cho gieo 8000 hạt giống cây hồng leo nhập khẩu, nhưng được 2000 cây là có thể bán ra thị trường, cho hoa đúng dịp.

Ông Đào Mạnh Hùng, chủ vườn hoa cây cảnh huyện Thanh Trì, Hà Nội cho biết: "Nông nghiệp phụ thuộc vào thời tiết nhiều. Cho nên các rủi ro về thời tiết làm cho chúng tôi thiệt hại rất là lớn. Nếu như là mọi năm vào thời tiết này thì cây rất đẹp, cả Hà Nội đã rực rỡ hoa rồi, thế nhưng năm nay là rất ít hoa bởi vì là các cây nó rất xấu yếu, thế nên nó không ra hoa được. Hoặc là có ra hoa thì nhìn một chậu cây nó kém thuyết phục

Mặc dù các chủ vườn đã cố gắng áp dụng nhiều biện pháp để chăm sóc cho cây cảnh, nhưng cũng chỉ khắc phục được phần nào .

Chị Nguyễn Thị Thúy, người chăm sóc cây chia sẻ: "Thời tiết thay đổi thất thường mà người dân hay là các nhà vườn đều không làm gì được. Người ta chỉ chạy theo, khắc phục hậu quả mà thời tiết để lại nên rất khó khăn. Mỗi năm khó khăn như thế nào thì mình có biện pháp khắc phục tương đối thôi chứ không thể khắc phục hết được

Theo dự đoán của các chủ vườn giá cả thị trường hoa, cây cảnh cho dịp Tết Bính Thân sẽ tăng 15- 20% so với các năm trước do số lượng hoa cung ứng ra thị trường giảm.

Các chủ vườn hoa cũng hy vọng từ nay tới Tết, thời tiết sẽ lạnh dần và ổn định để hoa phát triển được đều, kịp cung ứng cho thị trường./.

Theo ANTV

Đưa sinh vật cảnh trở thành ngành kinh tế sinh thái

đăng 15:57 13 thg 12, 2015 bởi công trình cây

Sinh vật cảnh là hình thức tổ chức sản xuất không chỉ mang lại yếu tố kinh tế và còn mang lại ý nghĩa về nhân văn, văn hóa và cả vấn đề gắn kết cộng đồng.

Đó là phát biển của ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hội thảo “Phát triển sinh vật cảnh với nông nghiệp, nông thôn và đô thị sinh thái” diễn ra ngày 3/12 ở Hà Nội.

Cũng theo ông Trung, sự phát triển của Hội Sinh vật cảnh đóng một vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới, mang lại môi trường sinh thái đẹp.

Theo Chủ tịch Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam Đỗ Phượng, nông nghiệp không chỉ còn là con trâu đi trước, cái cày theo sau. Nông thôn không còn mang ý nghĩa vùng quê nghèo khổ.

Việt Nam đang đứng trước một nền nông nghiệp dẫu chưa công nghiệp hóa cũng đã có sự gắn bó giữa nông nghiệp – công nghiệp – thị trường. Trong đội ngũ nông dân, đặc biệt là những nghệ nhân trong lĩnh vực sinh vật cảnh đang đang làm ra những sản phẩm nông nghiệp có hàm lượng văn hóa, khoa học cao và có sự góp mặt của nhiều trí thức.

Ông Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Rau quả đánh giá, sinh vật cảnh thực sự là một ngành kinh tế rất thị trường lại đòi hỏi đầu tư công nghệ cao và ứng dụng kỹ thuật cao như lai tạo, nhân giống, tạo giống mới...

Đơn cử như cây trồng trong ngành sinh vật cảnh không chỉ là cây cảnh mà còn là cây bóng mát, cây ăn quả… hay như trồng hoa, nuôi cá cảnh… những ngành này đòi hỏi một trình độ công nghệ và kỹ thuật nhất định.

Cùng với sự phát triển của các ngành kinh tế, cuộc sống của người dân được cải thiện, nhu cầu tiêu dùng hoa, cây cảnh cũng tăng lên nhanh chóng.

Sự phát triển sản xuất hoa, cây cảnh nói riêng và các sản phẩm sinh vật cảnh nói chung đã giải quyết việc làm cho hàng vạn hộ gia đình, đóng góp không nhỏ vào GDP của ngành nông nghiệp, từ đó góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng và xây dựng nông thôn mới, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp.

Việt Nam có nhiều tiềm năng trong phát triển sinh vật cảnh nói chung và phát triển hoa, cây cảnh nói riêng. Theo kết quả điều tra khảo sát của Trung tâm nghiên cứu và phát triển hoa, cây cảnh trung bình một năm người Việt Nam tiêu dùng xấp xỉ 30.000 đồng tiền mua hoa cây cảnh để chơi.

Nếu tính về số lượng cành hoa/đầu người thì Việt Nam vào loại nhất. Hiệp hội hoa lily Hà Lan thống kế cho thấy số lượng củ lily Việt Nam nhập khẩu ngày càng tăng. Năm 2014, Việt Nam đã nhập 55 triệu củ lily từ nước này, nhiều nhất châu Á theo tỷ lệ dân số.

Theo phân tích của ông Đặng Văn Đông, một số chủng loại hoa, cây cảnh có giá trị cao trong thời gian tới là nhóm hoa cắt cành (cúc, hồng, lay ơn, loa kèn, đồng tiền…) hoàn toàn có thể mở rộng và phát triển các vùng hoa này thành những vùng sản xuất áp dụng công nghệ cao.

Khi đô thị hóa mạnh, nhóm hoa chậu, hoa thảm được trồng trong các chậu, túi bầu 100% không cần dùng đất sẽ có xu hướng phát triển nhanh chóng. Bên cạnh đó, còn có các nhóm hoa, cây ăn quả làm cảnh; nhóm cây cảnh phụ trợ; nhóm bon sai, cây thế, cây cảnh; nhóm hoa lan cũng có tiềm năng phát triển lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Đặng Văn Đông cũng lưu ý trong phát triển sản xuất hoa, cây cảnh cần nắm bắt thông tin, thị trường.

Trước khi quyết định đầu tư, người sản xuất cần có những thông tin về nhu cầu thị trường, thực trạng sản xuất, cung ứng của các doanh nghiệp, giá thành sản xuất, đầu ra, đầu vào để từ đó xây dựng phương án kinh tế, dự tính hiệu quả sản xuất tính cả mức độ rủi ro rồi mới quyết định đầu tư.

Để sản xuất hoa, cây cảnh thành công, cần gắn kết với các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật và những người sản xuất kinh doanh có kinh nghiệm, từ đó có sự chia sẻ thông tin và hỗ trợ kịp thời đắc lực.

Theo ông Ma Quang Trung, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam cần nghiên cứu kỹ các chương trình phát triển ngành nông nghiệp để từ đó đề xuất những nội dung phù hợp với nhiệm vụ của hội; tiếp tục phát triển về tổ chức và hội viên, vững mạnh cùng với các hộ cá thể tham gia xây dựng nông thôn mới.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp cùng Hội nghiên cứu về giống, công nghệ kỹ thuật, cải tạo trong nước, trồng cây, nuôi cấy mô, công nghệ tiên tiến… ứng dụng vào sản phẩm.

Các nhà khoa học và các nhà kinh tế tại hội thảo cùng khẳng định, sinh vật cảnh đã trở thành một ngành hàng được ưu tiên phát triển trong quá trình tái cấu trúc ngành nông nghiệp.

Sinh vật cảnh chính là một ngành theo chuỗi, là ngành sản ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật cao và có giá trị gia tăng cao. Phát triển bền vững tức là lồng ghép với vấn đề văn hoá và bảo vệ môi trường sinh thái.

Ghi nhận những đóng góp của các tập thể và cá nhân của Hội Sinh vật cảnh Việt Nam đã có thành tích trong phát triển sinh vật cảnh gắn với nông nghiệp, nông thôn và nông dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tặng bằng khen cho 11 tập thể và 23 cá nhân.

Hội Sinh vật cảnh Việt Nam cũng đã vinh danh 167 nghệ nhân, chủ nhà vườn sinh vật cảnh Việt Nam tiêu biểu năm 2015. Trung ương Hội cũng tri ân, tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển sinh vật cảnh Việt Nam cho lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng một số cán bộ./.

Theo BNEWS

Người Việt chỉ chi 30.000 đồng/năm sắm hoa, cây cảnh

đăng 15:48 13 thg 12, 2015 bởi công trình cây

Ngày 3.12, tại Hà Nội, Bộ NNPTNT phối hợp với T.Ư Hội Sinh vật cảnh Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển sinh vật cảnh với nông nghiệp, nông thôn và đô thị sinh thái”.


Theo kết quả điều tra của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hoa cây cảnh, trung bình một năm người Việt Nam bỏ ra xấp xỉ 30.000 đồng mua hoa cây cảnh để chơi. GS-TS Nguyễn Quang Thạch – Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: “Thực tế hiện nay cho thấy, những người dân trồng hoa ở Tây Tựu, Xuân Quan và các vùng chuyên canh hoa khác có thể làm việc 10-16 giờ/ngày. Kết quả là sản phẩm hoa, cây cảnh họ làm ra chỉ có giá thành bằng 2/3 so với các nước trong khu vực trong khi chất lượng sản phẩm tương đương nhau”.

“Nhà nước nên xem hoa, cây cảnh là một ngành sản phẩm chủ lực, là ngành công nghiệp không khói tạo ra giá trị kinh tế cao từ đó sẽ có chính sách khác, hỗ trợ xây dựng vùng quy hoạch trồng hoa hiệu quả hơn”- ông Thạch nói.

Tạo mô hình để nông dân tự làm giàu

đăng 19:51 3 thg 3, 2014 bởi thuan nguyen

Tạo mô hình để nông dân tự làm giàu

 Xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn) là xã có điểm xuất phát thấp trong quá trình triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, qua 3 năm triển khai, từ xã chỉ có 1/19 tiêu chí đạt, nay Mai Đình đã hoàn thành 19 tiêu chí và là một trong ba xã điểm về xây dựng NTM của thành phố cán đích đúng hẹn.

Xuân Giáp Ngọ 2014, người dân xã Mai Đình vui hơn hẳn bởi đường làng ngõ xóm đã khang trang, đời sống văn hóa, tinh thần cũng như kinh tế của bà con được nâng lên một bậc. Ông Đào Văn Kiêm, Bí thư Đảng ủy xã Mai Đình cho biết, những năm trước kia, đời sống nông dân phụ thuộc hoàn toàn vào nông nghiệp trong đó chủ yếu là cây lúa, thu nhập thấp. Khi bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng NTM, xét theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM, Mai Đình mới đạt được 1/19 tiêu chí. Bên cạnh đó, việc xã được chọn làm điểm xây dựng NTM đòi hỏi thời gian nhanh, khối lượng công việc lớn trong khi số lượng cũng như trình độ, năng lực và kinh nghiệm cán bộ còn những hạn chế nhất định nên cũng gặp nhiều áp lực, khó khăn hơn. Chưa kể mặt bằng nhận thức chung của nhân dân không đồng đều, địa bàn xã rộng, khối lượng các hạng mục công việc cần đầu tư đòi hỏi nguồn kinh phí lớn. Sau 3 năm triển khai, đến nay Mai Đình đã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí NTM là một cố gắng rất lớn của chính quyền và nhân dân trong xã.

Do làm tốt công tác tuyên truyền, học tập kỹ đề án và công khai dân chủ trong thực hiện đề án nên cán bộ, đảng viên và nhân dân đã nhận thức đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm của mình trong việc chung sức tham gia xây dựng NTM. Nhân dân đã hưởng ứng tích cực trong công tác xây dựng, quản lý đóng góp công sức vào việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh nông thôn... Đặc biệt, công tác dồn điền đổi thửa, hiến đất làm đường là điểm sáng của thành phố. Nhiều gia đình đã đóng góp ngày công và tự nguyện hiến tới trên 7.000m2 đất để mở rộng đường làng, ngõ xóm và xây dựng các công trình phúc lợi với giá trị ước tính khoảng hơn 40 tỷ đồng. Ngoài ra, 100% đường trục xã, trục thôn đã được cứng hóa đạt chuẩn theo quy định của Bộ GTVT, không còn ngõ xóm bị lầy lội trong mùa mưa. Tỷ lệ đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện đạt trên 60%. Hệ thống thủy lợi đã đáp ứng được yêu cầu sản xuất và dân sinh, trên 85% số kênh mương do xã quản lý được kiên cố hóa. Hiện hệ thống chợ đã được quy hoạch lại theo hướng văn minh. Toàn xã có 97% nhà kiên cố đạt chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng và không còn nhà dột nát.

Ông Đào Văn Kiêm cho rằng, xây dựng NTM không phải chỉ là phát triển cơ sở hạ tầng mà phải tạo ra những mô hình để người dân tự vươn lên làm giàu. Đó là mô hình thí điểm gieo cấy 200ha lúa hàng hóa chất lượng cao phối hợp với Trung tâm Phát triển cây trồng thực hiện, hay các mô hình trồng ngô nếp hàng hóa, trồng nấm do xã phối hợp với Phòng Kinh tế huyện và Trung tâm Khuyến nông thành phố triển khai... Ở Mai Đình hiện nay có tới 77 đầu máy, 350 ô tô các loại phục vụ cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Đàn gia súc, gia cầm cũng tăng đáng kể với số lượng gấp 2 lần so với năm 2009. Nhờ đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới trên toàn xã giảm từ 3,1% xuống còn 2,2%. Thu nhập bình quân từ mức 17,8 triệu đồng/người năm 2009 đến nay đã tăng lên 26 triệu đồng/người năm 2013.

Theo HNM

Chọn cây cảnh đón tết theo phong thủy

đăng 19:20 10 thg 1, 2014 bởi công trình cây   [ đã cập nhật 21:05 6 thg 12, 2014 ]

Cây Kim tiền

Được coi là loại cây “phú quý”, có tác dụng chiêu tài nên Kim tiền rất thích hợp làm quà tặng trong những dịp mừng lễ, tết, thăng chức, khai trương.

Kim tiền là loại cây cảnh thuộc họ thiên nam tinh, sống lâu năm, xanh tốt. Thân cây to khỏe, nằm dưới mặt đất, trên mặt đất không có thân chính; mầm nảy nhiều và hình thành nhiều thân nhỏ. Cây có lá kép dạng to, cuống ngắn, chắc khỏe, màu xanh lục, sáng bóng rất đẹp. Chúng có tuổi thọ khá lâu, khoảng 2 - 3 năm. Chính vì vậy Kim Tiền được coi là cây “phát” - Kim phát tài.

Trong môi trường tự nhiên, cây Kim tiền phát triển rất nhanh, có thể thành cây có bóng râm to cao. Nếu cột lên cây vài sợi chỉ đỏ hoặc vài đồng tiền vàng (tượng trưng) thì sẽ trở thành cây phát tài, có ý nghĩa về mặt phong thủy và rất đẹp mắt.

Để có một cây Kim tiền thật đẹp chơi tết, bạn nên chọn cây có thân xanh tươi, dày chắc, phiến lá hoàn chỉnh. Nhiều quan niệm cho rằng, những cây đã nở hoa sẽ mang lại nhiều “lộc” nhất. Bởi vậy, nếu chọn mua được cây có hoa tức là bạn đang gặp may mắn. Theo phong thủy, dù trong nhà ở, phòng hội họp, văn phòng, nhà hàng hay khách sạn thì bạn cũng nên đặt cây ở hướng Đông hoặc Đông-Nam

Cây kim ngân cũng là một trong những cây được xem là rất tốt về phong thủy, mang đến cho gia chủ sự may mắn và thịnh vượng trong năm mới.

Kim ngân có tên khoa học là Pachia aquatica, xuất xứ từ Mexico, Brazill Nam Mỹ và đầm lầy Trung Mỹ. Cây cao trên 6m, thân dẻo dai, bền chắc nên được dùng làm bột giấy in tiền tại Anh và Mỹ.

Những năm gần đây, Kim ngân là một trong những loài cây được chọn trang trí nội thất khắp nơi trên thế giới. Bởi nó tạo được khoảng không gian xanh mát cho phòng làm việc, nhà hàng, khách sạn và nhà ở…

Với quan niệm của người Đông phương thì đây là loài cây mang đến sự may mắn và thịnh vượng. Lá Kim ngân xoè rộng như bàn tay, xanh quanh năm, một màu xanh mát mắt. Có lẽ chính điều này mà người ta gọi Kim ngân là cây tiền.

Hoa dừa cạn còn có tên là Hải đằng, và trong Đông y hoa dừa cạn có tên là trường xuân hoa, dương giác, bông dừa. Hoa có 3 màu, phớt hồng, phớt tím và màu trắng.

Cây dừa cạn chỉ cao khoảng 30 - 60cm, lá mọc đối nhau, có hình bầu dục dài, màu xanh đậm, sáng bóng. Nó có màu trắng dịu dàng hoặc hồng phấn trẻ trung hoặc màu tim tím phớt mang lại cho không gian sự bình yên, ấm áp.

Điều đặc biệt ở loài hoa này là, mỗi khi ở đầu cành non một phiến lá cựa mình nhú lên thì liền sau đó, ngay giữa nách lá, hai đóa hoa sẽ xuất hiện. Lá và hoa cùng đua nhau vươn lên khiến cho hình ảnh khóm dừa cạn tuy nhỏ bé nhưng luôn tràn đầy sức sống.

Hoa nở không ngừng từ mùa xuân đến mùa thu và cái tên nhật nhật xuân hay thiên thiên xuân của loài hoa này cũng bắt nguồn từ đó.

Những chậu cảnh hay giò hoa dừa cạn xuất hiện bên cửa sổ hoặc ban công sẽ đem lại cho gia chủ nhiều may mắn. Trong dịp mừng thọ, mừng sinh nhật hay dịp lễ tết, hoa dừa cạn là món quà đầy ý nghĩa. Nếu bạn đang trong giai đoạn thi cử, loài hoa này sẽ mang lại cho bạn sự thành đạt trên con đường học vấn.

Nó cũng là món quà đặc biệt cho buổi lễ khai trương hay lễ mừng thăng chức. Ngoài ra, theo quan niệm phong thủy, dừa cạn cũng được xem là cây có khả năng trừ tà.

Điều mà có lẽ tất cả mọi người đều mong muốn cho gia đình mình có được trong năm mới chính là tài lộc, sung túc. Và không loài cây nào thể hiện mong muốn đó rõ hơn bằng cây Phát Lộc, Phát Tài.

Cây phất dụ có hơn 20 loài cùng họ ở Việt Nam, trong đó, gần như cây nào cũng mang lại may mắn, phát tài đúng như tên gọi của nó. Trong đó phải kể đến Phất dụ xanh: biểu tượng của may mắn. Phất dụ thơm còn gọi là cây thiết mộc lan, thơm về đêm. Phất dụ rồng còn goi là huyết rồng, ngoài làm cảnh nó còn dùng làm thuốc chữa bệnh. Phất dụ lá hẹp còn được gọi bằng cái tên bồng bồng, thường dùng làm bánh. Phất dụ trúc được cho là có khả năng xua đi vận đen, còn gọi là trúc thiết Quan Âm…

Phất dụ tượng trưng cho ngũ hành vì vậy nó rất may mắn. Theo một số quan niệm, người ta thường mua phất dụ theo các cành có số lượng là 3 – cho sự hạnh phúc; 5 – cho sức khỏe; 2 – cho tình duyên; 8 – cho tài lộc; 9 – cho thời vận.

Bạn nên trồng phất dụ ở phía Đông hoặc Đông Nam ngôi nhà – khu vực đại diện cho Mộc và là nơi có ánh sáng thích hợp cho cây.

Theo Nguoi Dua Tin

Đi học nghề cây cảnh

đăng 19:08 10 thg 1, 2014 bởi công trình cây   [ đã cập nhật 20:48 6 thg 12, 2014 ]

Đi học nghề cây cảnh

Tham gia lớp học nghề trồng cây cảnh, tôi đã được trang bị kiến thức về kỹ thuật cắt, tỉa, tạo thế, chăm sóc cây”- học viên Lê Đình Dũng ở thôn Cộng Hòa, xã Hữu Hòa (Thanh Trì, TP. Hà Nội) chia sẻ.

Với gần 100m2 diện tích của gia đình, nhiều năm nay ông Dũng trồng cây cảnh. Những loại cây hiện có trong gia đình ông gồm sanh, đa, sung, duối, vọng cách... được ông trồng rất cầu kỳ trong chậu với nhiều kích thước khác nhau. Tuy nhiên hình dáng các cây không có gì đặc biệt.

Thu nhập tăng

Tham gia lớp học nghề, ông Dũng đã biết cắt, tỉa cành, tạo thế và cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây. “Được thầy giáo hướng dẫn tôi đã biết tạo thế cho cây với nhiều hình dáng, thế độc đáo, đòi hỏi cao về tay nghề, kỹ thuật”- ông Dũng tâm sự.

Cùng tham gia lớp học nghề với ông Dũng, ông Nguyễn Văn Định, thôn Phú Diễn cho hay: “Tôi trồng cây cảnh đến nay gần 10 năm. Trước kia, tôi chủ yếu trồng để chơi trong gia đình, không biết tạo dáng, tạo thế cho cây. Những cây có thế đẹp tự nhiên thì bán nhưng giá cũng chỉ vài trăm nghìn đồng/cây”.

Sau khi đi học về, ông Định đã có thể tạo thế cho cây theo hình các con giáp và những hình dáng khác như dáng ngũ phúc, dáng long... không chỉ độc đáo mà còn lạ mắt. Với hơn 50 gốc cây cảnh, sau khi đã tạo thế, mỗi cây ông có thể bán được từ 5-7 triệu đồng, thậm chí hàng chục triệu đồng.

Sản xuất hàng hóa

Theo kế hoạch, năm 2014, Hội ND xã sẽ thuê 3.000m2 đất của xã sau đó cho các hộ trồng cây cảnh thuê lại, hướng đến quy hoạch thành vùng trồng cây cảnh tập trung.

Ông Lê Đình Hồng- Chủ tịch Hội ND xã Hữu Hòa cho biết: “Toàn xã có 2.897 hộ thì 60 hộ trồng cây cảnh nhưng diện tích không lớn. Họ trồng để chơi là chủ yếu chứ không xác định sống bằng nghề này”.

Với mục đích tạo nghề và giúp ND nâng cao thu nhập, dựa trên điều kiện có sẵn ở địa phương, Hội ND xã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện Thanh Trì tổ chức lớp nghề trồng cây cảnh cho ND. Thời gian học 3 tháng, mỗi tuần học 3 buổi. 70 học viên được học miễn phí, được hỗ trợ dụng cụ thực hành.

Cùng với học lý thuyết trên hội trường, học viên được thầy giáo của Trường ĐH Nông Nghiệp I Hà Nội hướng dẫn thực hành tại các gia đình học viên. Cũng trong thời gian diễn ra khóa học, Hội ND huyện đã hỗ trợ kinh phí và tổ chức cho học viên của lớp học đi tham quan ở xã Nam Điền (Nam Trực, Nam Định) và huyện Gia Lâm (TP.Hà Nội) là những địa phương phát triển nghề trồng cây cảnh.

Theo ông Hồng, sau khóa học, các học viên không còn tâm lý trồng cây cảnh để chơi mà đã xác định đây là một nghề đem lại thu nhập khá cho gia đình.

Theo Dan Viet

Bứng cây mai vàng tiền tỉ

đăng 16:12 17 thg 7, 2013 bởi công trình cây   [ đã cập nhật 16:13 17 thg 7, 2013 ]

Cây mai (tại một quán cà phê trên đường Nguyễn Thái Học, KP4, P.2, TX.Tây Ninh) có đường kính khoảng 30 cm, cao 10 m. Theo nhiều người dân, cây mai này vô cùng hiếm có và là một trong những cây mai lâu đời nhất và “có giá” nhất còn sót lại tại ở thị xã Tây Ninh.

Nhiều người dân, trong đó có cả lực lượng công an, chứng kiến cây mai tiền tỉ bị bứng đi

Tuy nhiên, chủ cây mai hoàn toàn không tiết lộ ai đã mua cũng như đã bán cây mai với giá bao nhiêu.

Chỉ biết, trước đó, có người từ Bình Dương đã từng đến hỏi mua cây mai này với giá 1,5 tỉ đồng nhưng chủ cây mai vẫn không chịu bán.

Trong khi cây mai đang được bứng lên có lực lượng công an đến hiện trường chứng kiến.

Đến gần 17 giờ cùng ngày, cây mai đã được bứng xong và đưa lên xe cẩu chuyển đi nơi khác.

Theo thanhnien

Khởi công nhà máy chế biến quả sơri tại Tiền Giang

đăng 16:10 17 thg 7, 2013 bởi công trình cây

Ngày 17/7, Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV Nichirei suco Việt Nam đã khởi công xây dựng nhà máy chế biến trái cây sơri (Nichirei Việt Nam) tại huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.

Với tổng vốn đầu tư 90 tỷ đồng, nhà máy được xây dựng trên diện tích 3.500m2, bao gồm hệ thống thu và sàng lọc cũng như hệ thống đông lạnh trái sơri. Sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng vào tháng 3/2014, nhà máy sẽ có công suất chứa 4.000 tấn sơri, góp phần quan trọng trong việc đưa sản phẩm sơri, đặc sản của vùng Gò Công ra thị trường thế giới.

Quả sơri có dạng hình tròn, dẹt ở hai đầu, có ba múi. Quả sơri được dùng làm nguồn bổ sung vitamin C cho người ăn kiêng cũng như nhiều nguồn thực phẩm khác. Sơri là loại cây thân bụi, ngoài lấy quả, sơri còn trồng làm cây cảnh.

Ở Việt Nam nói chung, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, Tiền Giang là tỉnh có diện tích trồng sơri tập trung nhất. Tỉnh hiện có 1.215 hộ trồng sơri trên diện tích gần 230ha, tập trung nhiều nhất tại các xã Bình Ân, Bình Nghị, Tân Đông, Kiểng Phước... của huyện Gò Công Đông. Mỗi năm, vùng chuyên canh sơri này cho sản lượng từ 4.000 đến 5.000 tấn quả.

Là một trong bảy loại cây ăn trái chủ lực của tỉnh Tiền Giang, sơri ngoài tiêu thụ nội địa còn được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Singapore, Hong Kong...

Trước đó, Công ty Nichirei suco Inc (Nhật Bản) đã đầu tư khoảng 6 tỷ đồng xây dựng Trung tâm nghiên cứu cây sơri tại xã Bình Nghị, nhằm chuyển giao kỹ thuật thâm canh tiên tiến cho nông dân, góp phần nâng cao chất lượng xuất khẩu, khả năng cạnh tranh của trái sơri, đồng thời tăng thu nhập cho người trồng sơri.

Việc xây dựng nhà máy chế biến là một tin vui cho nông dân vùng chuyên canh cây sơri trên đất nhiễm mặn đầy khó khăn của tỉnh Tiền Giang, bởi đã giải quyết được đầu ra cho loại trái cây này./.

Công Trí (TTXVN)

Gãy đổ cây mai anh đào thọ nửa thế kỷ tại Đà Lạt

đăng 18:58 21 thg 5, 2013 bởi công trình cây

Cây mai anh đào cổ thụ có tuổi thọ hàng nửa thế kỷ của Đà Lạt (tại số 9, đường Thủ Khoa Huân, khu Hòa Bình) bất ngờ bật gốc vào khoảng 6 giờ sáng 11-5-2013, làm người dân tiếc ngẩn ngơ.

Theo chủ quán cà phê Duy Tân (cạnh bên cây mai anh đào), lúc mới mở cửa quán thì ông bỗng nhiên nghe tiếng kêu “rắc” rồi cây mai anh đào cổ thụ bắt đầu đổ nghiêng về đường 3 Tháng 2, nằm chắn ngang con đường này. Cây bật gốc đã làm đứt đường dây điện, dây cáp và làm nghiêng một cột điện. Bên trong gốc cây đã mục.

Vụ cây đổ không làm ai bị thương, chỉ gây ùn tắc giao thông cục bộ nhưng để lại sự tiếc nuối của người dân và du khách bởi đây được xem là một trong những cây mai anh đào đẹp và cổ nhất của Đà Lạt.

 Ngay khi nhận được tin báo, cơ quan chức năng đã có mặt, phong tỏa hiện trường, không cho ô tô lớn đi vào và dọn dẹp cây đổ. Đến 8 giờ cùng ngày, đoạn đường trung tâm của Đà Lạt đã được giải tỏa.

 Những người dân sống gần đó cho biết cây mai anh đào này đã được trồng cách đây hơn 50 năm, là một trong những cây mai anh đào cổ nhất Đà Lạt. Cùng với thông, mai anh đào là một trong những "đặc sản" không thể thiếu của thành phố hoa Đà Lạt, được du khách gần xa yêu thích.

Theo TTXVN

1-10 of 15