Cây trồng công trình, dự án
Cận cảnh quy hoạch siêu đô thị Nhật Tân - Nội Bài
Hai bên đường Nhật Tân - Nội Bài có các công trình có chiều cao tối đa lên tới hơn 100 tầng. Tòa nhà cao nhất sẽ nằm ở khu tháp tài chính - thương mại Phương Trạch. Chiều 23/6, tại UBND huyện Đông Anh, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã công bố và bàn giao quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) hai bên tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài, đoạn 1, đoạn 2 và đoạn 3 cho chính quyền các huyện Đông Anh và Sóc Sơn quản lý. Theo quy hoạch được công bố tổng chiều dài tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài khoảng 11,1 km. Phần diện tích nghiên cứu lập quy hoạch đô thị được Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội công bố chiều nay rộng khoảng 1.810,1 ha. Trong đó, đoạn 1 có chiều dài khoảng 5 km, rộng 396,8 ha với dân số khoảng 6.535 người; đoạn 2 dài khoảng 4 km, rộng 524,9 ha với dân số khoảng 20.291 người; đoạn 3 dài khoảng 2,l km, rộng 888,4 ha với dân số khoảng 70.012 người. Về chiều cao công trình, đoạn 1 gồm các công trình có chiều cao tối đa khoảng 7 tầng; đoạn 2, các công trình có chiều cao tối đa khoảng 20 tầng; đoạn 3, các công trình có chiều cao tối đa lên tới hơn 100 tầng. Tòa nhà cao nhất sẽ nằm ở khu tháp tài chính - thương mại Phương Trạch với chiều cao dự kiến là 108 tầng. Về không gian kiến trúc cảnh quan đô thị, đoạn 1, tạo lập hình ảnh đô thị sinh thái, các công trình thấp tầng, kiến trúc hài hòa, xen lẫn với không gian cảnh quan cây xanh, mặt nước. Đoạn 2, tạo lập hình ảnh đô thị mang tính hiện đại, sôi động, gắn với các hoạt động thương mại, dịch vụ; các cụm công công trình cao tầng kết hợp với các khoảng không gian mở tạo ra không gian đô thị hiện đại, sinh động. Đoạn 3, tạo lập hình ảnh đô thị mang tính biểu tượng, đặc trưng với các công trình kiến trúc điểm nhấn; là không gian đô thị mới gắn với các hoạt động văn hóa. Với quyết tâm xây dựng tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp) thành một trong những không gian trọng yếu nối kết khu trung tâm Thủ đô với không gian cửa ngõ hàng không của quốc gia; Nơi tạo lập các trung tâm dịch vụ công cộng của Thủ đô gắn kết với các không gian mở của khu vực phía Bắc và cảnh quan tự nhiên hệ thống không gian xanh mặt nước, sông Hồng, sông Thiếp - đầm Vân Trì, đầm Xuân Du, sông Cà Lồ; tháng 5/2016, UBND TP. Hà Nội đã Quyết định thành lập Ban chỉ đạo Khu vực phát triển đô thị hai bên tuyến đường Võ Nguyên Giáp (Nhật Tân - Nội Bài) do ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Thành phố làm Trưởng Ban. Cuối năm 2015, Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ cho phép lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, khả năng ứng vốn đầu tư kết cấu hạ tầng khung, có đề xuất dự án khả thi, đạt hiệu quả cao nhất về kinh tế - xã hội; có đề xuất giá tiền sử dụng đất không thấp hơn giá sàn được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hà Nội cũng kiến nghị giao nhà đầu tư thành phần phát triển đô thị ứng vốn để đầu tư hạ tầng kỹ thuật khung và được khấu trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp trên cơ sở cân đối nguồn thu từ tiền sử dụng đất các dự án phát triển đô thị. Thủ tướng Chính phủ đã cho phép UBND thành phố Hà Nội chủ động áp dụng các hình thức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật đối với từng dự án cụ thể, trong đó có hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất hoặc chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án. Trường hợp áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư, UBND thành phố Hà Nội phải đảm bảo lựa chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực và kinh nghiệm (kỹ thuật, tài chính và quản lý) để thực hiện dự án khả thi và hiệu quả cao nhất. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội quyết định theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật. Theo baodauthau |
Khốn khổ vì thiếu cây xanh
Với hơn 10 triệu dân cùng tốc độ đô thị hóa chóng mặt, diện tích cây xanh trên đầu người tại TP Hồ Chí Minh hiện ở mức rất thấp, lại bị cắt xén nhiều. Việc phục hồi mảng xanh, xây dựng công viên đang "giậm chân tại chỗ" do nhiều nguyên nhân khiến môi trường sống của người dân ngày càng ngột ngạt. Tình trạng khốn khổ vì thiếu cây xanh đang hiện hữu ở nhiều khu vực nội đô của TP Hồ Chí Minh. Theo quy hoạch công viên cây xanh TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, chỉ tiêu cây xanh khu vực nội thành là 2,4m2/người, khu vực nội thành mở rộng là 7,1m2/người, còn khu vực ngoại thành là 12m2/người. Tuy nhiên, mật độ cây xanh công cộng trên địa bàn hiện chưa tới 1m2/người, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn quy định. Ghi nhận cho thấy, nhiều quận khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh có mật độ dân cư cao nhưng thiếu công viên cây xanh như Quận 4, Quận 8, Bình Thạnh, Bình Tân... Tại quận Bình Tân, quy hoạch quận này có công viên tập trung thuộc Tiểu khu 3, khu dân cư Bình Trị Đông với tổng diện tích 47ha, tuy nhiên đến nay công viên này vẫn chưa được xây dựng. Còn tại quận Gò Vấp, Công viên văn hóa Gò Vấp rộng 37ha đã được quy hoạch từ năm 2001 nhưng đến nay vẫn còn nằm trên giấy. Ngay cả huyện Củ Chi - có quỹ đất lớn - dự án Công viên Sài Gòn Safari cũng "bất động" hơn chục năm qua. Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cho biết, người dân không chỉ có nhu cầu ở mà còn có nhu cầu "thở". Tuy nhiên, hiện mảng xanh trên địa bàn thành phố quá ít so với nhu cầu của người dân. Dù mỗi năm thành phố trồng thêm rất nhiều cây xanh nhưng vẫn không đáp ứng nhu cầu của một đô thị trên 10 triệu dân, cộng thêm tốc độ đô thị hóa nhanh và dân nhập cư mỗi năm rất lớn. Một trong những nguyên nhân khiến các dự án công viên cây xanh khó thực hiện là do quỹ đất có hạn, đặc biệt đất trống khu vực nội thành gần như không còn. Trong khi đó, hiện thành phố chưa có khả năng tài chính để thực hiện các quy hoạch công viên cây xanh tập trung. Do thiếu kinh phí, một số quy hoạch công viên thành phố phải chuyển đổi một phần diện tích sang công trình khác, trong đó chủ yếu "nhờ" vào việc tăng mảng xanh tại các dự án nhà ở. Tuy nhiên, trên thực tế, đa phần các dự án nhà ở, dự án phát triển đô thị lại ít hoặc không xây dựng mảng xanh, thậm chí cắt xén đất dành cho cây xanh để xây dựng các công trình thương mại, dịch vụ nhằm mục đích kinh doanh. Kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng cho thấy, hầu như dự án nào cũng vi phạm về công trình công cộng, chủ đầu tư đã "hô biến" phần diện tích xây dựng công viên cây xanh để xây nhà hàng, sân quần vợt, siêu thị... Trong khi đó, nhiều dự án dù đã đưa vào khai thác, cư dân sinh sống ổn định nhưng vẫn không hoàn thiện các hạng mục công trình công cộng, trong đó có công viên cây xanh. PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh - chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong quy hoạch đô thị - cho rằng, trước quỹ đất hạn hẹp như hiện nay thành phố cần tận dụng từng khoảng đất trống để phát triển mảng xanh, hạn chế tối đa việc "hy sinh" cây xanh để xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, phát triển nhà ở. Nhằm tăng cường mảng xanh cho thành phố, ngành quy hoạch đô thị đang cố gắng phân bổ mảng xanh trong các đồ án quy hoạch chung của thành phố cũng như các quận, huyện. Theo các chuyên gia, để đạt đến một đô thị xanh phải đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe như không gian xanh, công trình xanh cùng với việc bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, công trình lịch sử... Với điều kiện như hiện nay, muốn tăng không gian xanh đô thị, TP Hồ Chí Minh cần lập và quản lý quy hoạch công viên cây xanh đồng bộ, tránh mỗi địa phương quy hoạch mỗi kiểu. Bên cạnh đó, cần kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển mảng xanh tại các dự án hạ tầng giao thông, văn phòng, nhà ở, trung tâm thương mại. Theo HaNoiMoi |
Đắc Nông tập trung cây trồng thế mạnh
Theo ông Hồ Gấm, Phó GĐ Sở NN-PTNT Đăk Nông, hiện nay cơ cấu nông nghiệp của Đắk Nông cơ bản vẫn tập trung vào những loại cây chủ lực có lợi thế là ngô, hồ tiêu, cà phê, cao su. Định hình cây chủ lực Với lợi thế về đất đai, Đắk Nông có đến trên 535.000 ha đất đỏ vàng, chiếm 82,14% diện tích tự nhiên, trong đó nhóm đất nâu đỏ trên đá mácma có 315.000 ha, chiếm 48,46% diện tích tự nhiên, phù hợp cho sự phát triển của các cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu, cao su… Đây là các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, đóng góp lớn cho tỷ trọng ngành nông nghiệp của tỉnh. Trong những năm gần đây, diện tích cà phê không ngừng tăng lên, ngay cả những nơi không đủ điều kiện như thiếu nước tưới, đất có độ dốc lớn, đất bạc màu, tầng canh tác mỏng... Cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh đã và đang mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con nông dân. Với diện tích 117.000ha, sản lượng khoảng gần 290.000 tấn/năm, cây cà phê chiếm đến trên 50% giá trị sản xuất nông lâm thủy sản của Đắk Nông. Bên cạnh đó, cây hồ tiêu cũng được hàng ngàn hộ nông dân trong tỉnh ra sức phát triển. Đến tháng 2/2016 diện tích hồ tiêu của tỉnh đã đạt 17.188ha, tăng 4.098ha so với cùng kỳ năm 2015. Vùng sản xuất tiêu chủ yếu tập trung ở huyện Đăk Song 4.587ha, chiếm 31%, và Đăk R’Lấp 3.311ha, chiếm 24% diện tích. Ngoài việc trồng tiêu thuần là chủ yếu, người trồng tiêu ở Đăk Nông còn có tập quán xen tiêu với các loại cây trồng khác như cà phê, cây ăn quả… để tận dụng che bóng và tăng thu nhập. Tiếp đến là cây cao su hiện có 24.000 ha, sản lượng gần 9.000 tấn mủ trên diện tích cho thu hoạch 6.000 ha cao su kinh doanh. Đến 2015, diện tích cao su trên địa bàn tỉnh khoảng 32.000 ha, sản lượng 22.000 tấn sẽ là đóng góp không nhỏ cho GDP của tỉnh. Trong nhóm cây công nghiệp ngắn ngày, ngô là cây chủ lực do chi phí thấp, hiệu quả kinh tế cao, nhu cầu nước tưới ít. Những năm qua, do thực hiện tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển những diện tích lúa nước bấp bênh sang trồng ngô nên diện tích và sản lượng ngô liên tục tăng, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sản lượng lương thực của tỉnh. Với thế mạnh của các loại cây trồng phổ biến của tỉnh, trong thời gian tới, Đắk Nông sẽ xây dựng ngành nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, có khả năng cạnh tranh dựa trên nền tảng công nghệ cao, đảm bảo vệ sinh môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chuyển đổi để tăng giá trị Hiện nay, lĩnh vực trồng trọt chiếm giá trị rất lớn trong toàn ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông. Tuy vậy, tăng trưởng của ngành còn thiếu ổn định, mấy năm gần đây có xu hướng chậm lại. Theo Sở NN-PTNT Đắk Nông, những năm qua giá trị sản xuất của lĩnh vực trồng trọt đã giảm từ 92,95% (2011) xuống chỉ còn 88,48% (2015). Chính vì tăng trưởng của khối trồng trọt chậm lại, đã làm giảm tăng trưởng chung. Giá trị sản xuất khối nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 51,02% năm 2015, so với 57,81% năm 2011. Trước thực tế này, Sở NN-PTNT đã phê duyệt kế hoạch “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh” theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững để phát huy hết tiềm năng của lĩnh vực này. Với mục tiêu thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, sản xuất các sản phẩm chủ lực quy mô lớn, tập trung, nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, thay đổi căn bản từ khâu giống, sử dụng giống chất lượng cao, đẩy mạnh các biện pháp thâm canh, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích. Việc tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt phải được thực hiện mạnh mẽ trên nhóm cây công nghiệp dài ngày và sản phẩm chủ lực là cà phê, hồ tiêu, cao su và điều. Theo đó, nông dân và doanh nghiệp giữ vai trò trực tiếp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn... Theo ông Hồ Gấm, để thực hiện đạt hiệu quả, trước hết ngành nông nghiệp tỉnh cần triển khai đồng bộ các giải pháp như tổ chức quy hoạch chi tiết phát triển nhóm cây trồng chủ lực và quy hoạch chi tiết nông nghiệp cho 8 huyện, thị xã trong tỉnh. Ngành cũng sẽ kiện toàn, bổ sung và tăng cường năng lực tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về trồng trọt, tổ chức kiện toàn chức năng nhiệm vụ của Chi cục Bảo vệ thực vật về lĩnh vực trồng trọt. Triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hiện hành liên quan đến khuyến khích, thu hút đầu tư tư nhân, tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh tham gia đầu tư lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, việc ban hành chính sách hỗ trợ người dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tái canh cà phê, khuyến khích doanh nghiệp liên kết trong sản xuất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn có chứng nhận VietGAP GlobalGAP, 4C, UTZ… trên một số cây trồng chủ lực của tỉnh cũng cần được quan tâm hơn. Đặc biệt là công tác kiểm tra chất lượng giống, chú ý đối với giống cây công nghiệp dài ngày và cây ăn trái phải đảm bảo nguồn gốc, chất lượng. Theo nongnghiep.vn |
Khởi động tết trồng cây và tháng thanh niên
Sáng ngày 1/3 tại Khu Di tích K9 - Đá Chông (Ba Vì, Hà Nội), Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Khối Doanh nghiệp Trung ương (DNTW) phối hợp cùng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ" và khởi động Tháng Thanh niên 2016. Đến dự Lễ phát động có đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối DNTW; đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; đồng chí Hồ Xuân Trường, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Khối DNTW cùng các đồng chí cán bộ, đoàn viên các cơ sở đoàn thuộc Khối DNTW. Hoạt động diễn ra trong thời điểm chào mừng thành công Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XII của Đảng, thiết thực chào mừng kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2016). Phát động tại buổi lễ, Bí thư Đoàn Thanh niên Khối Doanh nghiệp Trung ương Hồ Xuân Trường cho biết: Bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng ủy Khối, Trung ương Đoàn, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, tuổi trẻ Khối Doanh nghiệp Trung ương tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiều hoạt động, phong trào thiết thực gắn với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh. Với chủ đề của Tháng Thanh niên 2016 là "Tự hào tuổi trẻ thời đại Hồ Chí Minh", tuổi trẻ Đảng ủy Khối sẽ tổ chức tháng hoạt động cao điểm với phương châm “Thanh niên hành động vì cộng đồng, xã hội chăm lo, bồi dưỡng thanh niên”, đăng ký, đảm nhận thực hiện nhiều công trình thanh niên, hoạt động an sinh xã hội với nhiều hình thức khác nhau. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cũng đăng ký dành 6 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội bằng nhiều hình thức khác nhau và thực hiện các công trình thanh niên. Đặc biệt, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày, càng xuân”, các cấp bộ Đoàn trong Khối tập trung tuyên truyền cho đoàn viên, thanh niên hiểu rõ tầm quan trọng của việc trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh, bảo vệ rừng.. Theo đó, phấn đấu mỗi đoàn viên tham gia trồng và chăm sóc cây xanh, nhằm góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Thay mặt hơn 120.000 đoàn viên, đại diện của tuổi trẻ Đảng ủy Khối DNTW, đồng chí Vũ Thị Thu Hương, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã phát biểu hưởng ứng Tết trồng cây và Tháng Thanh niên 2016 đồng thời cam kết phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đã đăng ký, góp phần thiết thực vào chào mừng kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Tại buổi lễ, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã trao quà tặng cho các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các tân binh mới nhập ngũ đồng thời thực hiện trồng cây xanh hưởng ứng Tết trồng cây. Theo Petrotimes |
Cử người đi học trồng cây
Mới đây, Văn Phòng UBND TP Hà Nội phát đi Thông báo về công tác cắt tỉa cây xanh và trồng mới thay thế trên các tuyến phố. Trong đó, đáng chú ý có nội dung cử cán bộ đi ra nước ngoài học tập ngắn hạn kỹ thuật cắt tỉa, trồng mới cây xanh. “Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Cty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, nghiên cứu, tổ chức lại bộ máy tổ chức của Công ty theo hướng: Thành lập các đơn vị cắt tỉa chuyên nghiệp; Thành lập các xí nghiệp trồng cây mới và phát triển cây giống; Thành lập các xí nghiệp quản lý cây xanh; Thành lập các đơn vị quản lý công viên, vườn hoa. Sau khi cơ cấu lại, các đơn vị bố trí chọn một số cán bộ quản lý, cán bộ nghiệp vụ về cắt tỉa đi học kỹ thuật cắt tỉa, trồng mới cây xanh tại Singgapo, Trung Quốc” – thông báo nêu rõ. Xung quanh đề xuất này, có ý kiến cho rằng, việc cử cán bộ đi ra nước ngoài học trồng cây là không cần thiết, lãng phí. Bạn đọc gay gắt hơn còn đặt câu hỏi “ngay cả việc trồng cây mà cũng phải ra nước ngoài học tập thì không biết người Việt Nam, trí tuệ Việt Nam ở đâu?” Giáo sư Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam cho rằng, cần xem xét kỹ, nếu đi học cái mà Việt Nam chưa có thì là đúng. Tuy nhiên, nếu đi học trồng cây mà trong nước có kinh nghiệm thì đó là việc làm phí tiền. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nêu ra ví dụ: “Tôi sang Đài Loan, họ có tạo ra giống cây hoa mà nở ở nhiệt độ 40 độ C. Đó là loại cây trồng ở hè phố. Những cây đó thì chúng ta nên mua giống cây về trồng, chứ không phải đi học.” Theo giáo sư Dũng, việc đi học và đi mua giống cây về trồng là 2 chuyện khác nhau. "Nếu đi mua những giống cây mà ở Việt Nam chưa có thì đáng khuyến khích, thí dụ như cây hoa nở ở nhiệt độ 40 độ C của Đài Loan thì tôi thấy đáng mua về trồng ngoài đường phố Hà Nội" GS Dũng chia sẻ. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng nhấn mạnh: “Nói đi học trồng cây người ta cười cho, các bạn học lâm nghiệp cười cho.” “Tôi xin nhắc lại, chúng ta nên đi học để tạo những cây gì mình không có” – Giáo sư đưa ra quan điểm. Trên tờ báo Infonet, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng – nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng Hà Nội cho biết: Hiện nay trong nước có rất nhiều chuyên gia từng đi học tập, nghiên cứu tại nước ngoài về các lĩnh vực nông, lâm nghiệp hay quy hoạch kiến trúc đô thị, những người này hoàn toàn có đủ trình độ và hơn hết là hiểu biết về Hà Nội để đưa ra những giải pháp hiệu quả cho quy hoạch đô thị. PGS Hùng phân tích: “Không ai hiểu Việt Nam bằng người Việt Nam, vậy tại sao phải cử người đi nước ngoài học tập?” Góp ý về đề xuất cử người đi nước ngoài, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh vấn đề tìm kiếm chuyên gia, theo ông Hùng, cần phải tìm hiểu xem những chuyên gia đủ trình độ đáp ứng yêu cầu của UBND Thành phố ở đâu, họ chủ yếu là những người đang công tác tại các trường chuyên ngành về sinh học hay kiến trúc. Những người này hoàn toàn có thể tập trung lại thành một nhóm, sử dụng chất xám để giải quyết những vấn đề khúc mắc trong quy hoạch đô thị, đặc biệt là vấn đề cây xanh. PGS.TS Nguyễn Văn Hùng cũng đặt ra một số câu hỏi: “Quy hoạch đô thị thì cũng cần phải biết nhu cầu của đô thị là gì? Hà Nội cần bao nhiêu loại cây đô thị hay chỉ 1-2 loại cây? Chẳng lẽ cùng 1 tuyến phố mà trồng cả một hàng cây hoa sữa thì người dân khu đó chịu sao nổi?”. Xét về thực tế vào thời điểm hiện tại, những người Việt Nam có trình độ đáp ứng đủ nhu cầu quy hoạch đô thị là không ít nhưng lại đang nằm rải rác khắp nơi, chưa có một tiếng nói hay góp ý chung. Theo ông Hùng, những người này là con dân Việt Nam và trong thâm tâm họ muốn Thủ đô của họ có một diện mạo mới nên nếu sử dụng chất xám của họ thì sẽ phát huy tốt nội lực vốn có sẵn của đất nước. Còn việc đưa người đi ra nước bạn chỉ để học tập là tốt nhưng không phải cái gì cũng học được. “Học những thứ quá đơn giản chỉ làm cho người ta coi thường người Việt Nam!” – nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng Hà Nội nhấn mạnh. Còn trong trường hợp nếu bắt buộc phải cử người đi nước ngoài học cắt tỉa cây thì nên cân nhắc kỹ do việc này sẽ ảnh hưởng tới ngân sách nhà nước. Theo quan điểm của ông Hùng, việc đưa người đi nước ngoài học cắt tỉa cây là không hiệu quả mà tốn kém do đặc thù khí hậu của nước ta sẽ không giống với các nước đang phát triển khác. Theo Người đưa tin |
Hòa Bình được hỗ trợ giống cây trồng
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh tiếp nhận và sử dụng số hạt giống cây trồng được cấp nêu trên hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng theo quy định. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng dẫn tỉnh các biện pháp xử lý dịch bệnh trên địa bàn theo quy định. Đồng thời, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên tổng hợp nhu cầu trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn của các Bộ, ngành, địa phương (trong đó có tỉnh Hòa Bình) đề xuất phương án hỗ trợ phù hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Theo Báo Hòa Bình |
Quy hoạch Phải chú trọng đến không gian mặt nước và cây xanh
(VOH) - Những năm gần đây, cùng với quá trình đô thị hóa, TPHCM bộc lộ một số hạn chế trong quy hoạch và quản lý đô thị. Trong hội nghị về ngày đô thị VN, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín, nhấn mạnh “Quy hoạch chúng ta đề ra rất đẹp, rất hay, thành phố trước đây hạ tầng kỹ thuật đáp ứng khoảng 2,5 triệu dân nhưng hiện tại dân số tăng gấp 4 lần. Bài toán đặt ra là xử lý thế nào về quy hoạch hạ tầng kỹ thuật trên nền đô thị cũ. Nếu áp về quy chuẩn lý thuyết chúng ta làm rất nhanh nhưng thực tiễn là vấn đề nan giải”.Đây là vấn đề phóng viên Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM (VOH) trao đổi với ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị VN, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng. * VOH: Thưa ông, đâu là là nét đặc trưng hình thành kiến trúc đô thị của riêng TPHCM ? TS. KTS Trần Ngọc Chính: Phải nói TPHCM được thế giới công nhận là đô thị tầm vóc. Đã là một đô thị lớn như thế thì những công trình nhà ở, đô thị phải có quy hoạch mang tính chất nén, có mật độ cao tầng thì mới thể hiện được một đô thị hiện đại. Vấn đề thứ hai, trước kia TPHCM lấy tên sông Sài Gòn đặt tên cho mình, ngoài ra còn có sông Đồng Nai cũng như hệ thống sông ngòi chằng chịt. Vì thế, đô thị thành phố thường hướng ra các dòng sông. Với đô thị sông nước như thế thì cây xanh cần được nghiên cứu để đáp ứng yêu cầu phát triển. * VOH: So với tốc độ phát triển kinh tế và gia tăng dân số, thì không gian đô thị của TPHCM hiện bộc lộ nhiều khuyết điểm. Ông chỉ rõ những điểm mấu chốt mà TPHCM chưa đáp ứng được ? TS. KTS Trần Ngọc Chính: Trước hết, phải nói đến phát triển hạ tầng. Ở những thành phố phát triển trên thế giới, với số dân khoảng 1 - 3 triệu đã có tuyến metro rồi, trong khi đó thì thành phố hiện chưa có. Thêm nữa, tình hình xe máy, ô tô đang phát triển như thế mà giao thông thì không đáp ứng được. Đường sắt trên cao, hệ thống xe bus nhanh... tất cả đều chưa có. Vấn đề thứ hai, kết nối giao thông còn rất nhiều khó khăn. Ví dụ, đường vành đai 2, vành đai 3 đang tiếp tục làm, đường hướng tâm cũng thế... Có thể nói, TPHCM cần có sân bay quốc tế mới như Long Thành từ lâu mà bây giờ chúng ta mới làm. Trong khi sân bay Tân Sơn Nhất trở thành nơi rất khó cho sự phát triển, mới chỉ 25 - 30 triệu khách/năm đã gây ùn tắc giao thông. * VOH: Quy hoạch đô thị dựa trên nền đô thị cũ là việc làm hết sức khó. Ở góc nhìn của một kiến trúc sư, nhà quản lý, theo ông việc quy hoạch kiến trúc đô thị ở TPHCM cần tổ chức, quy hoạch lại như thế nào ? TS. KTS Trần Ngọc Chính: Quy hoạch TPHCM trên nền của một thành phố có bề dày lịch sử hơn 300 năm vì thế những không gian kiến trúc như quận 1, quận 3, 5... là “hạt nhân”. Trước hết những người làm quy hoạch thành phố phải đánh giá rất cụ thể những kiến trúc, giá trị văn hóa lịch sử, lấy đó để làm nền tảng phát triển. Theo tôi, TPHCM chính là đô thị biển bởi vì chúng ta có Cần Giờ khoảng 300 km2 và vùng sinh quyển lớn có cả cảng biển... do đó, về kinh tế biển, chúng ta hết sức chú ý. Về phát triển đô thị, chúng ta phải phát triển đến các vùng đất cao hơn và kết nối giao thông toàn vùng. Chúng ta phải nghĩ đến quy hoạch khung TPHCM kết hợp với sự phát triển của các tỉnh lân cận Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Vũng Tàu... để thành phố phát triển hài hòa với khu vực xung quanh và đặc biệt, phải quan tâm đến kiến trúc giữa không gian của mặt nước và cây xanh. * VOH: Cảm ơn ông. Theo Đài Tiếng nói Nhân Dân TP HCM |
Bắc Giang phát triển cây ăn quả
Từ thắng lợi của vụ vải thiều năm 2015, tỉnh Bắc Giang đang rốt ráo thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó chú trọng phát triển vùng cây ăn quả tập trung tại Lục Ngạn với vải thiều, cam Canh, bưởi Diễn.... Cam, bưởi trên đất vải thiều Những năm qua, vải thiều tại Bắc Giang nói chung, huyện Lục Ngạn nói riêng được coi là cây xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu của nông dân địa phương này. Từ vụ vải thiều năm 2015 với tổng doanh thu 4.600 tỷ đồng, Bắc Giang định hướng chú trọng cây vải, cộng với một số loại cây ăn quả đặc sản khác. Đối với cây vải thiều là sản phẩm chủ lực, tỉnh Bắc Giang chú trọng việc chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến cáo nông dân áp dụng KHKT vào SX và chế biến, hướng tới sản phẩm sạch, an toàn nhằm giữ vững thương hiệu vải thiều Lục Ngạn. Đến hết năm 2014, diện tích vải theo tiêu chuẩn VietGAP là 6.500 ha, sản lượng ước đạt 35.000 tấn, giá bán bình quân từ 15.000-25.000 đồng/kg. Một số xã có diện tích vải VietGAP lớn như Hồng Giang, Giáp Sơn, Phì Điền, Quý Sơn, Thanh Hải, Tân Quang của huyện Lục Ngạn... Đến nay đã cấp được 70 giấy chứng nhận vải thiều VietGAP cho 70 hộ nông dân, với tổng diện tích là 96,3 ha. Ngoài vải thiều, Lục Ngạn đã và đang tích cực triển khai đề án phát triển một số cây ăn quả có giá trị kinh tế cao trên địa bàn huyện (giai đoạn 2014 - 2020). Hiện nay diện tích cây có múi trên địa bàn huyện đạt hơn 1,2 nghìn ha, trong đó cam Canh, cam Vinh 580 ha, sản lượng ước đạt 2.600 tấn, giá trị đạt 104 tỷ đồng; bưởi Diễn, bưởi da xanh 359 ha, sản lượng ước đạt trên 4.400 tấn, giá trị đạt 30 tỷ đồng, còn lại là cây có múi khác. Theo các nhà khoa học, điều kiện đất và tiểu vùng khí hậu của Lục Ngạn rất thích hợp với nhiều loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như cam đường Canh, cam Vinh, bưởi Diễn, táo Đài Loan... Qua so sánh cam đường Canh cho thu nhập gấp 17 lần, cam Vinh gấp 9,6 lần so với cây lúa... Thực tế cho thấy, một số hộ gia đình ở Tân Mộc trồng cam đường Canh cho năng suất 27 tấn/ha, giá bán từ 45 đến 60 nghìn đồng/kg. Giá trị thu nhập trên một ha đạt 1,3 tỷ đồng. “Mục tiêu của đề án là chuyển đổi 112 ha lúa một vụ không ăn chắc, 3.019 ha đất trồng cây ăn quả khác để đến năm 2020 tăng diện tích vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP và các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; tổng diện tích cây ăn quả 22.112,8 ha, diện tích vải thiều 16 nghìn ha, trong đó vải thiều VietGAP 10.000 ha, các loại cây ăn quả khác 6.112,8 ha”, ông Trần Quang Tấn, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết. Cũng theo ông Tấn, quy hoạch của đề án là Lục Ngạn chia thành các vùng cây ăn quả gồm: Vùng trồng và thâm canh cam đường Canh có 12 xã, diện tích 900-950 ha. Vùng cam Vinh có 13 xã, với diện tích 600-650 ha. Vùng bưởi Diễn có 13 xã, diện tích 620-650 ha. Vùng bưởi da xanh ở 12 xã, diện tích 310-320 ha. Trong quá trình thực hiện sẽ liên kết chặt chẽ 4 nhà (nhà quản lý, nhà nông, nhà khoa học, DN) trong việc hỗ trợ và phát triển các vùng cây ăn quả tập trung. Theo báo Nông Nghiệp |
Cây xanh Đà Nẵng: mới nhìn phần ngọn
Bão số 3 vừa qua chỉ với sức cấp 7, cấp 8 nhưng đã làm ngã đổ hàng trăm cây xanh ở thành phố Đà Nẵng. Sau bão, ngoài nguyên nhân do thời tiết, đã bộc lộ nhiều bất cập trong việc quy hoạch, trồng và chăm sóc cây xanh trên địa bàn thành phố. Gần hai tuần nay, người dân sống trên đường Yên Khê, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng bức xúc khi thấy hàng chục cây xanh dọc tuyến kênh Phú Lộc bị ngã rạp sau cơn bão số 3 vừa qua. Những cây ngã đổ có đường kính từ 20 cm đến gần 40 cm, được trồng gần 3 năm nay Bà Trần Thị Hồng, ở đường Yên Khê, Phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng cho biết: “Nguyên nhân là cây trồng đào hơi cạn, gốc rễ phải đào sâu xuống. Vì do đào cạn nên cơn bão này mới nhẹ mà đã ngã đổ xuống rồi”. Theo ông Phạm Quý Dũng, Tổ trưởng Tổ dân phố 59, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng, bão số 3 có sức gió không mạnh nhưng cây vẫn ngã nằm la liệt. Vậy liệu với những cơn bão sức gió mạnh hơn thì hệ thống cây xanh ở thành phố Đà Nẵng làm sao đủ sức chống chịu. Ông Dũng cho rằng: “Cây phải có bộ rễ cắm sâu vào đất, chứ mới gió đơn giản vậy mà cây đã ngã đổ xuống hết rồi. Thứ nhất là rễ không đủ ăn sâu vào đất. Tán lá đến mùa mưa thì chặt phá tán, đến mùa nắng thì đôi ba tán le que, vừa ra tán thì cây đã đổ rồi. Tình trạng này, cây che bóng mát cho thành phố chưa đạt yêu cầu”. Ông Phạm Ngọc, Câu lạc bộ Sinh vật cảnh thành phố Đà Nẵng cho rằng, công tác quy hoạch, quy định chủng loại cây xanh trên từng tuyến phố ở Đà Nẵng chưa được quan tâm đúng mức. Tại nhiều công trình, do muốn sớm có bóng mát, nhiều chủ đầu tư đã trồng những loại cây lớn, không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng cũng như thời tiết mưa bão ở miền Trung. Ông Phạm Ngọc cho biết: “Để khắc phục tình trạng trên thì đơn vị phụ trách về cây xanh phải chú trọng đến kỹ thuật trồng. Ở miền Trung bão lụt lớn nên việc chằng chống và trồng cho đúng cách là giải pháp giảm thiểu thiệt hại”. Cơn bão số 3 vừa qua đã làm ngã đổ hơn 600 cây xanh trên các tuyến đường chính ở thành phố Đà Nẵng. Trong số này, nhiều cây chưa được chống đỡ, hoặc chưa cắt tỉa tán nên dễ bị trốc gốc khi gió giật. Ngoài việc phục hồi, nuôi sống số cây bị thiệt hại do bão, từ nay đến tháng 11, Công ty Công viên Cây xanh thành phố Đà Nẵng tiếp tục cắt tỉa hơn 60.000 cây xanh trên các tuyến phố để hạn chế thiệt hại trong mùa mưa bão. Ông Đặng Đức Thứ, Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh thành phố Đà Nẵng cho hay: Công ty chỉ có chức năng tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, duy tu, bảo dưỡng hệ thống cây xanh trong phạm vi được bàn giao. Hiện trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều tuyến đường, dự án trồng cây xanh nhưng chưa bàn giao cho đơn vị quản lý. Theo ông Đặng Đức Thứ, Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh thành phố Đà Nẵng, để hạn chế thấp nhất thiệt hại cây xanh trong mùa mưa bão, ngoài việc cắt tỉa tán, chằng chống, khi trồng cây xanh đơn vị thi công nên thực hiện đúng quy định của Bộ Xây dựng. Ông Đặng Đức Thứ cho biết: “Khi trồng cây xanh trên đường phố thì nên thực hiện theo đúng Thông tư số 20 của Bộ Xây dựng. Tức là đường kính thân cây tại chiều cao tiêu chuẩn 1,3m là từ 5 cm đến 6 cm và chiều cao không quá 3 mét. Bởi vì với quy cách như thế thì hệ rễ phát triển ổn định, vẫn còn rễ cọc, cây xanh phát triển bình thường, ít bị ngã đổ”. Thành phố Đà Nẵng hiện có hơn 90.000 cây xanh các loại. Theo Đề án phát triển cây xanh đô thị của thành phố, đến năm 2015 độ che phủ cây xanh bình quân đạt 7- 8m2/người. Song song với việc huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh thì công tác quản lý và quy hoạch hệ thống cây xanh trên địa bàn thành phố cũng cần phải được chú trọng. Có như vậy, Đà Nẵng mới sớm trở thành “thành phố môi trường”, “Đô thị xanh và đáng sống”. Theo VOVgiaothong |
TP HCM yêu cầu khi làm dự án phải tính đến cây xanh
Để tránh xâm hại cây xanh khi thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật, TP HCM yêu cầu từ năm 2015 phải bổ sung nội dung 'thẩm định cây xanh bị tác động' trong báo cáo đánh giá dự án. Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín vừa giao các sở, ngành liên quan nghiên cứu bổ sung nội dung này, đề xuất UBND thành phố ban hành quy định cụ thể để triển khai thực hiện ngay trong tháng 12. Bên cạnh đó, thành phố cũng yêu cầu Sở Giao thông vận tải hoàn thành đề án quy hoạch và cải tạo hệ thống cây xanh ở các tuyến đường và đề án xác định nguy hại, đánh giá rủi ro, quản lý an toàn cây xanh đường phố tại TP HCM. Trong thời gian 2 đề án này chưa nghiên cứu hoàn thành, phải định hướng trước chủng loại cây để có kế hoạch trồng, thay thế cây bị sâu bệnh, mục, già cỗi có nguy cơ ngã đổ, buộc phải thay thế để báo cáo UBND thành phố. Đối với cây cổ thụ, thành phố yêu cầu phải bảo tồn và lập quy trình chăm sóc đặc biệt, trong trường hợp không thể giữ thì mới phải thay thế. Nếu cây bảo tồn không phù hợp với quy hoạch cây xanh của tuyến đường thì phải có sự nghiên cứu kỹ, thận trọng không giải quyết cứng nhắc; Đối với đô thị mới, không chỉ đảm bảo chỉ tiêu quy hoạch đất dành cho cây xanh mà trong đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị phải quy hoạch cụ thể chủng loại cây trồng. Theo UBND thành phố, cây xanh là một bộ phận của đô thị, không chỉ góp phần trong việc bảo vệ môi trường mà còn tạo nên bộ mặt của đô thị. Tuy nhiên, hiện việc quản lý và quy hoạch đô thị còn nhiều bất cập, cây xanh chưa được thật sự quan tâm đúng mức. Thời gian qua, một trong những nguyên nhân phổ biến làm đổ cây xanh trên địa bàn là do bộ rễ của cây bị xâm hại nghiêm trọng trong quá trình thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật (nâng cấp, mở rộng đường; chỉnh trang vỉa hè; cải tạo hệ thống cấp thoát nước, ngầm hóa hệ thống điện...). Liên quan đến việc bảo vệ cây xanh, tại cuộc họp với các sở, ngành ngày 25/11 Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín cho biết để phục vụ việc xây ga ngầm metro trước nhà hát thành phố (công viên Lam Sơn) nhiều cây xanh ở đây phải bị đốn và di dời. Tuy nhiên, ngay sau khi hoàn thành việc thi công sẽ trồng lại để khôi phục mảng xanh cho khu vực. Trung Sơn |