Tin tức‎ > ‎

Kỹ thuật công nghệ, giống cây trồng mới

Giống cây ăn quả màu lạ hái ra tiền

đăng 14:13 11 thg 12, 2015 bởi công trình cây

Những giống cây ăn quả độc lạ này được nhiều nhà vườn trồng vì cho thu lời cao.
Một trung tâm chuyển giao công nghệ nông nghiệp Thái Lan đã lai tạo ra một giống xoài màu tím lạ mắt. Loại cây ăn quả độc lạ này vẫn giống các loại xoài thường thấy, tuy nhiên, vỏ xoài khi chín lại có màu tím.


Chuối đỏ còn được gọi là chuối Dacca, loại trái cây "đẻ" ra tiền được trồng nhiều ở Úc và rất hút khách.


Thanh long vỏ vàng ruột trắng được nhiều nhà vườn trồng với số lượng lớn bởi nó là một loại trái cây bán chạy trên thị trường và có lợi ích về kinh tế cao.


Giống ổi màu đỏ tươi bắt mắt có nguồn gốc từ Brazil, rất được ưa chuộng trên thị trường.


Sầu riêng ruột đỏ

Trồng rau tại nhà

đăng 13:55 11 thg 12, 2015 bởi công trình cây

Trồng rau tại nhà không những đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mà còn tiết kiệm được chi tiêu cho gia đình. Các bạn chỉ cần chuẩn bị những nguyên vật liệu sau:

Thứ nhất, khoảng 40 thùng xốp, mỗi thùng có giá 5.000/thùng, tổng cộng là 200.000 đồng, tùy nơi bán đắt hay rẻ.

Thứ hai, 20 túi đất vi sinh, khoảng 25.000 đồng/túi. Tổng là 500.000 đồng.

Thứ ba, thêm ba bao phân vi sinh, có giá 40.000/bao, tầm 120.000 đồng nữa.

Thứ tư, ba túi hạt giống cải mào gà, khoảng 75.000/3túi. Bạn có thể chọn nhiều loại hạt giống khác nhau.

Tổng cộng tất cả chi phí cho 4 thứ nguyên vật liệu trên, bạn chỉ tốn khoảng 895.000 đồng mà thôi, không tính nước tưới rau và công bắt sâu.

Gia đình tôi đã thử và thành công. Trung bình ngày 2 bữa rau (ăn từ rau cải mầm, rau cải mơ, đến lá cải mào gà), nếu đi chợ bạn sẽ tốn khoảng 20.000/ngày, nhân với 90 ngày (tức là ba tháng mùa đông), tổng cộng là 1,8 triệu đồng.

Chỉ với 895.000 đồng bạn đã có rau sạch để ăn trong ba tháng, nhưng nếu không tự trồng bạn phải đi chợ và chi 1,8 triệu đồng để mua rau. Với phương thức này, bạn có thể tiết kiệm được phân nửa tiền để dùng cho việc khác, lãi to đấy chứ đúng không?

Trong quá trình trồng rau tại nhà, các bạn cần chú ý đến những vấn đề sau:

Khi gieo hạt giống được một tuần, bạn cần tỉa bớt 1/3 cải mầm để ăn, có thể nhổ cả rễ của chúng.

Thêm hai tuần nữa, chúng ta sẽ có cải mơ để ăn. Lúc này, bạn nên dành riêng một hộp khoảng 7 hoặc 8 cây để ăn lá.

Hộp nào hết rau bạn lại gieo hạt tiếp, như vậy, gia đình bạn sẽ có rau ăn nối tiếp nhau.

Đến vụ tiếp theo, bạn chỉ việc mua thêm đất trộn vào. Chi phí giảm so với lần một khoảng 70%

Bí quyết của nhà tôi là cơm nguội, nước vo gạo cho vào một thùng đổ đầy nước hai ngày cho lên men. Nước ấy dùng để tưới rau hàng ngày.

Mỗi khi cần rau để nấu ăn, bố mẹ nên rủ bọn trẻ hái rau cùng, sẽ rất vui cả nhà nhé.

Theo VNExpress

Cải tạo giống để tăng năng suất, chất lượng cây trồng

đăng 20:38 10 thg 12, 2015 bởi công trình cây

Mấy năm gần đây, tại huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa), nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao đã bị thoái hóa, giảm năng suất, chất lượng nên ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Vì vậy, ngành nông nghiệp huyện đang triển khai thực hiện các biện pháp cải tạo giống để góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.



Giống đã thoái hóa


Những năm trước, cây mía tím trồng ở Khánh Sơn cho năng suất, chất lượng vượt trội so với các địa phương khác trong tỉnh; mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân. Tuy nhiên, qua mỗi mùa thu hoạch, người dân lại tái sử dụng phần ngọn hoặc gốc mía của chính ruộng mía đó để trồng cho vụ sau, dẫn đến nhiều ruộng mía bị thoái hóa, phát sinh sâu bệnh.

Bà Mấu Thị Mộc (tổ dân phố Hạp Thịnh, thị trấn Tô Hạp) chia sẻ: “Năm nay, gia đình tôi trồng được 2 sào mía. Vì thương lái thường mua cả ngọn mía để bảo quản được lâu hơn, nên gia đình tôi phải để mía lưu gốc vụ sau. Trên cùng một diện tích, nếu trồng bằng ngọn thì sẽ cho năng suất khoảng 4.800 cây/sào, nhưng nếu để lưu gốc, mía kém phát triển, năng suất chỉ bằng một nửa hoặc hơn một chút. Mong các ngành chuyên môn sớm tìm được giống mía tốt để nông dân chúng tôi nâng cao năng suất”.

Cây chuối mốc cũng là một trong những loại cây trồng mang lại nguồn thu nhập chính cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Khánh Sơn. Nhưng vì người dân chỉ sử dụng giống chuối tại địa phương, chất lượng thấp nên gần đây nhiều diện tích chuối nhiễm sâu bệnh, giá bán giảm. Do đó, diện tích chuối trên địa bàn huyện đã giảm đáng kể. Điển hình như xã Ba Cụm Bắc, một trong những địa phương trồng nhiều chuối của huyện, diện tích đã giảm đến hơn 70%. Bà Mấu Thị Ngợ, cán bộ khuyến nông xã Ba Cụm Bắc cho biết: “Hiện nay, hầu hết diện tích chuối trên địa bàn xã đã bị thoái hóa, năng suất giảm, chất lượng không còn thơm ngon như trước nên đa số người dân đã phá bỏ cây chuối để trồng keo hoặc bắp”.


Chuyển sang giống cấy mô


Theo ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện, thực hiện chủ trương của huyện về việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản tại địa phương, hiện nay, phòng đang triển khai thực hiện thí điểm việc sử dụng giống cấy mô sạch bệnh để thay thế một số giống cây trồng đã bị thoái hóa. Vừa qua, đơn vị đã cung cấp cây chuối mốc cấy mô cho một số hộ tại các xã, thị trấn trồng thử nghiệm, nếu đề tài thành công sẽ nhân rộng ra sản xuất đại trà trên địa bàn huyện nhằm giúp người dân nâng cao giá trị hàng hóa của cây chuối.

Bà Cao Thị An (thôn Dốc Trầu, xã Ba Cụm Bắc) cho biết: “Hơn một tháng trước, gia đình tôi được phòng NN-PTNT huyện cấp hỗ trợ 500 cây chuối mốc cấy mô để trồng thí điểm. Được sự hướng dẫn, giúp đỡ của cán bộ khuyến nông xã về kỹ thuật chăm sóc, hiện nay 5 sào chuối của gia đình tôi đang phát triển tốt, tỷ lệ cây sống đạt 100%”.

Được biết, thời gian qua, Phòng NN-PTNT huyện còn giao cho Trạm Khuyến nông huyện triển khai thực hiện mô hình cấy ghép chồi cà phê tại các xã, thị trấn. Đến nay, mô hình này đã phát huy hiệu quả khá tốt. Một số hộ gia đình đã áp dụng vào sản xuất. Phòng NN-PTNT huyện cũng đã tham mưu cho UBND huyện về việc chuyển sang trồng giống mía tím cấy mô, dần thay thế giống mía tại địa phương để cho năng suất, sản lượng cao hơn. Dự kiến, phòng sẽ đưa giống cấy mô trồng thí điểm vào năm 2016. Ngoài ra, theo kế hoạch trong thời gian tới, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh sẽ triển khai đề tài “Ứng dụng quy trình thâm canh cây cà phê kết hợp hệ thống tưới tiết kiệm phù hợp với điều kiện canh tác huyện Khánh Sơn” nhằm góp phần tăng tính cạnh tranh của hàng hóa nông sản Khánh Sơn trên thị trường.  

Theo Báo Khánh Hòa

Cây đinh lăng dễ bán, dễ trồng

đăng 02:03 28 thg 9, 2015 bởi Long Hoang

Những năm gần đây, nhận thấy giá trị kinh tế của cây đinh lăng, nhiều người dân trong tỉnh đã đưa loại cây vốn chỉ để làm cảnh này vào trồng hàng loạt và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Nguyễn Trung Vương ở xã Hồng Phong là một trong những người tiên phong trồng đinh lăng đại trà ở huyện Nam Sách. Do đang làm việc tại Công ty CP Dược - Vật tư y tế Hải Dương nên anh nắm bắt được nhu cầu sử dụng đinh lăng làm thuốc ngày càng cao. Năm 2012, anh thuê 1 ha đất tại địa phương để trồng thử nghiệm giống cây này. Anh Vương cho biết: "Không giống như những loại cây khác, đinh lăng dễ trồng, chỉ phải vất vả 5 tháng đầu chăm sóc liên tục cho cây phát triển ổn định còn thời gian sau cứ 3 tháng mới phải chăm sóc một lần. Tuy nhiên, giống cây này phải trồng từ 3-5 năm mới cho thu hoạch cao". Đầu năm 2015, anh Vương bán hơn 30 tấn đinh lăng, được gần 1 tỷ đồng, thu lãi hơn 300 triệu đồng. Từ đó, anh bắt đầu mở rộng quy mô trồng đinh lăng và trồng xen các cây dược liệu khác như gấc, cỏ ngọt... để tận dụng quỹ đất. Đến nay, diện tích trang trại trồng đinh lăng của anh đã lên tới hơn 6 ha. Theo anh Vương, trồng đinh lăng tuy đơn giản, nhưng cũng phải đúng kỹ thuật để cho cây phát triển, đặc biệt là củ - bộ phận cho giá trị kinh tế cao nhất.

Cũng trồng gần 3 ha đinh lăng nhưng khác với gia đình anh Vương là đã tính toán được đầu ra cho sản phẩm ngay từ đầu, anh Nguyễn Đức Cường ở xã Tân Việt (Thanh Hà) chỉ trồng với mục đích cải thiện môi trường chuồng trại. Theo anh Cường, năm 2013, anh thầu 4 ha đất thuộc xã Liên Hòa (Kim Thành) để làm kinh tế trang trại. Lúc đầu, anh tập trung toàn bộ vào nuôi lợn và thả cá. Diện tích đất còn lại anh trồng ổi vừa tạo thêm thu nhập, vừa bảo đảm môi trường thông thoáng cho vật nuôi. Tuy nhiên, do không nắm vững kỹ thuật chăm sóc cũng như điều kiện về đất đai, ổi của anh chết nhiều, số còn lại cho năng suất thấp. Anh Cường cho biết: "Khi ổi chết nhiều, tôi băn khoăn để tìm giống cây khác thay thế. Sau khi đắn đo lựa chọn giữa nhiều loại cây khác nhau, tôi quyết định trồng đinh lăng". Lý giải về lựa chọn này, anh Cường cho biết thêm, khi đang "đau đầu" tìm giống cây phù hợp, anh để ý thấy 3 cây đinh lăng trồng trong vườn nhà ít được chăm sóc nhưng vẫn tươi tốt, cành lá sum suê, gia đình vẫn thường hái lá bán cho các cửa hàng ăn trong huyện. Thấy vậy, anh nghĩ rằng loại cây này có thể thích hợp với mọi loại đất trồng, không tốn công chăm sóc nên đã mua 1.000 cây đinh lăng về trồng xung quanh trang trại. Sau hơn 1 năm trồng, có nhiều thương lái đến hỏi mua lá và cành đinh lăng. Lúc đó, anh Cường mới bắt đầu để ý tới giá trị của loại cây này. Anh tìm hiểu trên mạng internet, qua đài báo, đồng thời liên hệ với những hộ trồng đinh lăng để nắm bắt thêm thông tin về kỹ thuật trồng và thị trường tiêu thụ. Sau đó, anh quyết định phá bỏ số ổi còn lại chuyển sang trồng toàn bộ đinh lăng. Hiện tại, trang trại của anh có hơn 40.000 gốc đinh lăng, trong đó gần 1.000 gốc chuẩn bị cho thu hoạch.

Chị Nguyễn Thị Mý ở xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) cũng trồng hơn 500 gốc đinh lăng xung quanh ao cá của gia đình. Chị cho biết: "Trước đây, gia đình trồng nhiều loại cây khác nhau như ổi, chanh, quất... quanh bờ ao để giữ cho đất không bị lở. Nhưng do không có điều kiện chăm sóc nên các loại cây này đều không cho thu hoạch. Nghe mọi người bảo nhau là trồng đinh lăng dễ chăm sóc lại được giá nên tôi đầu tư hơn 2 triệu mua cây giống để về trồng thử. Dù mới trồng 2 năm, nhưng có nhiều người đã đến hỏi mua. Sắp tới, nếu bán loạt đinh lăng này mà cho thu nhập tốt, tôi sẽ thuê thêm đất để mở rộng diện tích trồng".

Đinh lăng là loại cây có thể tận thu được toàn bộ gốc, rễ, cành, lá, không chỉ vậy nó còn dễ chăm sóc, phù hợp với nhiều loại đất khác nhau nên hiện nay, có nhiều người dân quan tâm tới cây dược liệu này. Hơn nữa, cây giống được nhân bằng biện pháp giâm cành, không phức tạp như chiết và ghép nên người dân có thể tự làm khi trồng bổ sung, hay mở rộng diện tích. Thị trường tiêu thụ đinh lăng thuận lợi do các bộ phận của loại cây này có thể dùng chế biến cao, thuốc, trà... Anh Đinh Gia Thắng ở Quỳnh Côi (Thái Bình), người chuyên thu mua đinh lăng ở Hải Dương cho biết: "Thời điểm hiện tại, giá của cành và lá đinh lăng dao động từ 22.000 - 30.000 đồng/kg, nếu sấy khô thì khoảng hơn 100.000 đồng/kg. Củ đinh lăng có giá cao hơn tùy thuộc vào năm tuổi của cây, cây từ 3-5 tuổi giá 100.000 - 120.000 đồng/kg; cây lâu năm có thể lên tới 1 triệu đồng/kg. Chính vì vậy mà người dân thường bán lá, cành trước, ít khi bán cả cây, để thời gian nuôi củ lớn bán với giá cao. Những cây từ 15-20 năm tuổi, trọng lượng củ thường là 10-20 kg, với mức giá như trên, người dân thu lãi cao và khoản thu từ cành và lá cũng không nhỏ. Với kinh nghiệm thu mua đinh lăng nhiều năm ở các tỉnh và bản thân cũng là người trồng, nhân giống đinh lăng có tiếng ở Thái Bình, anh Thắng nhận định điều kiện về thổ nhưỡng và khí hậu Hải Dương thuận lợi để giống cây này phát triển.

Được coi là "nhân sâm của người nghèo", cây đinh lăng đã và đang tạo ra thu nhập ổn định cho nhiều gia đình. Tuy nhiên, để loại cây này có thể phát triển bền vững mang lại hiệu quả kinh tế cao thì người dẫn cần được định hướng đúng, tránh trồng ồ ạt khiến cung vượt cầu, được mùa mất giá như một số cây trồng khác.


MƠ NGUYỄN/Báo Hải Dương

Kỹ thuật trồng dâu "khủng" - cây dâu Đài Loan

đăng 18:40 14 thg 4, 2014 bởi thuan nguyen

Dâu quả dài Đài Loan - còn được gọi là “quả thánh trong dân gian” - là giống dâu duy nhất không có vị chua, hàm lượng đường cao, ngọt lịm, hương vị tươi mát, dinh dưỡng phong phú, màu sắc đẹp.
cây và quả dâu Đài Loan

Nguồn gốc

Giống dâu Đài Loan quả dài còn gọi là giống dâu quả siêu dài, được các nhà khoa học Đài Loan tuyển chọn trong quá trình lai tạo giống dâu quả thông thường với giống dâu quả dài dại, có tên tiếng Anh là Muberry, tên khoa học Morus macroura, thuộc chi dâu tằm (Morus), họ dâu tằm (Moracace) nguyên sản là vùng thung lũng độ cao 1.000 - 1.300 m của dãy Hymalaya hoặc rừng mưa nhiệt đới.

Cây dâu quả dài có thể ra quả ngay từ năm đầu, năm được mùa thì năng suất có thể đạt 100 kg quả trên 1 cây, mỗi chồi mới có 3 - 6 quả, bình quân quả đơn nặng 4,5 gram, dài 8 - 20 cm, đường kính 0,5 - 0,9 cm, khi chín màu đỏ hoặc đen tía, thịt quả có độ đường 22 độ.

Cây sai quả nhất 4 năm tuổi đạt 26 kg quả/cây, năng suất quả đạt trên 45 tấn/ha/năm, năng suất kỷ lục có thể đạt 70 tấn/ha/năm. Trong điều kiện tự nhiên có thể ra quả một năm 2 lần vào vụ xuân và vụ thu, là giống dâu quả năng suất đặc biệt cao và ổn định.

Quả dâu Đài Loan giàu chất dinh dưỡng. Hơn 2.000 năm trước đây quả dâu đã được xếp vào loại thực phẩm bổ dưỡng dành cho các vị Hoàng đế Trung Hoa. Cây dâu sinh trưởng trong môi trường tự nhiên trong sạch, không bị ô nhiễm nên gọi là loại quả sạch, thơm ngon.

Đặc biệt là dâu quả dài Đài Loan là giống dâu duy nhất không có vị chua, hàm lượng đường cao, ngọt lịm, hương vị tươi mát, dinh dưỡng phong phú, màu sắc đẹp, nên còn được gọi là “quả thánh trong dân gian”, vừa là thực phẩm bổ dưỡng, vừa có thể làm thuốc quý.

Sử dụng quả dâu Đài Loan để ăn tươi, làm mứt dâu, dâu khô, vang dâu… có tác dụng làm giảm mỡ máu, ngăn ngừa xơ cứng động mạch, làm đẹp da, chống lão hóa, tăng khả năng miễn dịch, kiềm chế u bướu, dưỡng huyết bổ âm… được giới y học đánh giá là “trái cây bảo vệ và tăng cường sức khỏe thế kỷ 21”.

Dâu quả dài có tính thích ứng rộng, có thể vừa trồng lấy lá, vừa lấy quả, quả to vị ngọt, không hạt, năng suất cao có thể đạt trên 30 tấn/ha/năm, năng suất lá cũng rất cao, đặc biệt lá vụ thu, năng suất trên 15 tấn/ha.

Cây dâu thẳng đứng, cành dài, nhiều cành nhánh. Trồng ở Quảng Đông (Trung Quốc) nảy chồi vào tháng 2, tháng 3 bật chồi, cuối tháng 4 bắt đầu có quả chín. Trồng ở Việt Nam tháng 3 đã có quả chín.

Kỹ thuật trồng

- Mật độ: Mật độ trồng khoảng 5.000 cây/ha (1,5 m x 1,2 m).

- Làm đất: Đất trồng dâu được cày bừa kỹ rồi rạch hàng sâu 50 cm, bón lót mỗi cây 10 kg phân chuồng và phân lân.

- Chăm sóc: Vào đầu xuân trước khi nảy chồi thì cắt bằng các cành chỉ để 15 - 20 cm. Vào vụ xuân năm thứ 2 thì mỗi cây chỉ để 3 - 4 cành khỏe dưới gốc cắt cành chỉ để dài 15 - 20 cm. Đến năm thứ 3 sau khi kết thúc thu hái quả thì cắt toàn bộ cành ở phía gốc để cây mọc mầm mới, tỉa hết những cành nhỏ, cành yếu, tập trung dinh dưỡng cho cành chính.

Mỗi năm bón thúc 2 - 3 lần. Lần thứ nhất bón 15 tấn phân chuồng hoai cho 1 ha. Vào vụ thu đông ở thời kỳ ra hoa kết quả (từ tháng 2 đến tháng 3) thì bón khoảng 500 kg phân chuồng, 150 kg kali và ở nơi có điều kiện bón thêm phân trên lá KH2PO4 nồng độ 0,3% phun 10 ngày 1 lần.

Vào sau lúc tỉa cây (mùa hè) lại bón thêm 25 tấn phân chuồng + 450 kg ure + 600 kg supe lân trên 1 ha. Vào cuối mùa hè (tháng 7) bón thêm 300 kg phân phức hợp, vào cuối tháng 8 lại bón thêm 250 kg phân phức hợp, đến vụ thu đông bón thêm mỗi ha 30 tấn phân chuồng.

Viện Nghiên cứu & phát triển công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây đã trồng thử 2 giống dâu quả tròn và quả dài vào tháng 4/2013 tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Đến tháng 3/2014 đã có quả. Viện đã phân tích thành phần dinh dưỡng của 2 loại quả này như sau:

TT

Loại giống

Brix

(%)

Chất khô (%)

Đường tổng số (%)

Axit tổng số (%)

Vitamin tổng số (mg/100g)

1

Dâu quả tròn

8,8

9,95

6,05

0,682

57,57

2

Dâu quả dài

8,6

16,96

6,89

0,256

60,60


(Theo nongnghiep.vn)

Cách trồng và chăm sóc cây cẩm cù hoya

đăng 19:26 4 thg 4, 2014 bởi thuan nguyen

                 Cây Cẩm cù bám cành cây 
Cẩm cù là 1 loại cây có tên khoa học là hoya.
Đặc điểm chung phổ biến nhất của loại cây này là lá dày, mọc đối, hoa có cánh hoa và nhụy hoa khi nở có 5 cánh cân xứng giống như hình 1 ngôi sao và hoa thường nở thành từng chùm.

Trong tự nhiên chúng thường mọc bám vào các thân cây hoặc vách núi đá.
Chúng tượng trưng cho những ngôi sao trên bầu trời.
Cây cẩm cù rất dễ chăm sóc tuy nhiên cũng cần có trồng đúng kỹ thuật trồng và chăm sóc để cây phát triển khỏe mạnh và ra hoa thường xuyên hơn.
Điều kiện thích hợp nhất để cây phát triển.
Ánh sáng : 40 - 60 %
Độ ẩm : cao ( giá thể ẩm nhưng không ướt )
Dinh dưỡng: Tưới bổ sung B1 pha loãng hoặc nước vo gạo
Chuẩn bị giá thể: Giá thể có thể sử dụng nhiều loại khác nhau,
Mụn dừa: 50
Trấu hun hoặc tro: 20
Trấu tươi: 20
Phân bò khô: 10
Hoặc nếu không có trấu tưới và phân bò có thể sử dụng công thức trộn giá thể sau
Mụn dừa: 60
Trấu hun hoặc tro bếp: 40
Cẩm cù có rất nhiều loại khác nhau vì vậy cần thay đổi riêng với từng loại.
(Theo Agriviet.com)

KỸ THUẬT TRỒNG CẢI CẦU VỒNG (SWISS CHARD/RAINBOW CHARD)

đăng 18:54 4 thg 4, 2014 bởi thuan nguyen

GIỚI THIỆU
Cải cầu vồng có thể được xem như là loại rau xanh đẹp nhất và bổ dưỡng cho sức khoẻ vì có nhiều màu sắc rực rỡ, lại mang rất nhiều dưỡng chất. Tuy nhiên, do loại cải này dễ bị hư tổn trong quá trình vận chuyển nên chúng ta thường ít thấy trong các cửa hàng bán rau quả hay siêu thị. Cách tốt nhất để có rau ăn là tự trồng. Và may mắn thay, cải cầu vồng là giống cải rất dễ chịu vì có thể được trồng trong chậu nhỏ, hay găm thẳng xuống đất, và đặc biệt đây là một trong số ít giống rau xanh có thể chịu được môi trường thời tiết lạnh cũng như nóng, miễn được tưới nước đầy đủ.
[​IMG]
                                                      
Rau cải cầu vồng
CÁCH TRỒNG

Loại đất thích hợp nhất để trồng là đất giàu dinh dưỡng, độ ẩm cao, pH ở khoảng 6.0 đến 6.8. Khoảng cách giữa 2 cây là từ 30 đến 45cm. Loại phân bón thích hợp cho cây có thể là bột máu, bã bông, bột lông vũ, phân trộn và đất thịt. Ngoài ra, chúng ta có thể thay thế bằng phân xanh miễn là hàm lượng dinh dưỡng tương đương.
Cũng giống như các loại rau khác, cải cầu vồng rất ưa nước. Cần phải tưới nước thường xuyên, đặc biệt là những tháng không có mưa. Chúng ta có thể áng chừng lượng nước cung cấp cho cây bằng các thiết bị đo lượng mưa. Phủ bổi mùn cho cây bằng các vật liệu như phân trộn, lá cây bằm nhuyễn, trấu, vỏ cây bằm nhuyễn để giữ cho đất ẩm và mát cũng như ngăn ngừa được cỏ dại. Phủ bổi mùn cho cây cũng giúp giữ cho lá cây sạch, giảm nguy cơ nhiễm bệnh.

LƯU Ý
Cải cầu vồng khá dễ trồng và hầu như không gặp vấn đề gì về sinh trưởng. Tuy nhiên, cải có thể bị tấn công bởi các loại rệp, bọ, hay những con sâu bướm chuyên đục lỗ trên lá cây. Ngoài ra cải cầu vồng cũng có thể bị nhiễm bệnh đốm lá do nấm cercospora, hay đốm phấn (downy mildew).

                                                                 Thu hoạch rau
THU HOẠCH VÀ BẢO QUẢN

Có thể bắt đầu thu hoạch từ khi thấy kích cỡ lá cải vừa ăn. Đối với món salad thì có thể cải con cọng nhỏ mềm giòn được ưa chuộng hơn. Nên cắt bỏ gân lá già trước khi nấu hay chuẩn bị làm salad. Lá lớn có thể dùng như rau chân vịt/cải bó xôi (spinach), hoặc làm món thịt hầm, canh, và món mì ống.

Ở những nơi không có mùa đông thì cải cầu vồng có thể được trồng quanh năm, và trồng như cây lâu năm, vì một bụi cải có thể sống được trong vài năm. Khi cải nở hoa, chúng ta có thể cắt cuống hoa đi để cây tiếp tục cho lá. Có thể trữ cải bằng cách để nguyên cọng lá, cho vào bao nylon hay hộp nhựa có nắp đậy, để tủ lạnh được khoảng 2 tuần.


(Theo Agriviet.com)

Cây móng lưng Rồng chữa viêm gan

đăng 18:41 25 thg 3, 2014 bởi thuan nguyen


Móng lưng rồng khô điều trị tốt bệnh viêm gan, vàng da vàng mắt, tắc mật, hủy hoại tế bào gan, tiểu tiện vàng sánh.

Cây móng lưng rồng còn gọi là Thạch bá chi, cây chân vịt, Vạn niên tùng, Hoàng dương thảo, Hồi sinh thảo, Trường sinh thảo, Cải tử hoàn thảo, Linh chi thảo…, có tên khoa học Selaginella Tamariscina...

Cây móng lưng rồng là cây thảo, mọc ở đất trong rừng râm mát, rễ phụ bám chắc vào các phiến đá. Sống lâu năm, cao 10-30cm. Thân đứng hoặc nằm, tròn, màu cánh gián, phân nhánh theo lối rẽ đôi. Rễ phụ từ gốc tỏa các nhánh đâm xuống đất. Lá nhiều, nhỏ, có lưỡi nhỏ. Có hai loại lá, lá ở mặt phẳng dưới thì mọc đối, trải ra hai bên, lá ở mặt phẳng trên thì hướng về phía trước.

Theo Đông y, cây móng lưng rồng có vị hơi đắng, không mùi, tính lạnh và sáp, không độc. Dùng móng lưng rồng tươi có tác dụng tan huyết. Dùng khô sao đen có tác dụng cầm máu, do đó được dùng để điều trị tiểu tiện ra máu, trĩ ngoại, đại tiện có máu tươi, phụ nữ kinh nguyệt kéo dài, chữa bỏng.

Lá hình trứng, đầu nhọn, mép lá có răng cưa thưa. Thu hái toàn cây rồi cắt bỏ rễ, có thể dùng cây khô hoặc tươi đều được. Ngày dùng 20-30g cả lá và rễ khô dưới dạng thuốc sắc uống trong ngày. Dùng ngoài dưới dạng sao giòn, tán bột rắc lên vết thương.

Đặc biệt, móng lưng rồng khô còn điều trị tốt bệnh viêm gan, vàng da vàng mắt, tắc mật, hủy hoại tế bào gan, tiểu tiện vàng sánh.

Sau đây là một số tác dụng của cây móng lưng rồng:

 - Chữa ho ra máu, nôn ra máu, đái ra máu, đi ngoài phân đen, kinh nguyệt quá nhiều: Móng lưng rồng 30g, Long nha thảo 25g. Sắc uống, ngày một thang

- Chữa nhức mỏi toàn thân, viêm khớp xương bả vai, đau dây thần kinh tọa, viêm xoang, thoái hóa cột sống: Dùng 30g cây móng lưng rồng sao thơm rồi hãm nước sôi uống thay trà, thời gian dùng có thể kéo dài hàng tháng.

- Chữa viêm gan cấp tính: Móng lưng rồng 30g; Mộc thông, Ngưu tất mỗi vị 20g. Sắc uống trong ngày.

- Chữa bỏng lửa: Móng lưng rồng sao thơm, tán bột trộn với lòng trắng trứng gà, đắp lên nơi bỏng, sau 2-3 giờ thay một lần.

- Chữa váng đầu, hoa mắt, vàng da: Toàn cây móng lưng rồng 30g sắc với 500ml nước, chia 2 lần uống trong ngày.

- Chữa trĩ xuất huyết: Móng lưng rồng 15g, nấu sôi, chắt lấy nước uống trong ngày thay trà.

Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai không được dùng.

(Theo nongnghiep.vn)

Kỹ thuật ươm cây Thiên Ngân

đăng 20:25 24 thg 3, 2014 bởi thuan nguyen


Cây thiên ngân có tên khoa học là Neolamarckia Cadamba, có đặc điểm thân tròn, thẳng đứng. Hiện loại cây này đã xuất hiện tại các nước như Việt Nam, Trung Quốc, Srilanka, Philippin, Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar, Indonesia… Cây có đặc tính sinh trưởng rất nhanh, sau 5-10 năm đã thành cây gỗ lớn. Nếu thâm canh cao thì chỉ từ sau 5-8 năm đã thu hoạch được cây có kích thước tối đa, đặc biệt loại cây này có khả năng tái sinh cao sau khi đã thu hoạch. 
. Chọn đát tốt không phèn mặn

- Lên luống tránh ngập úng

- Bón lót phân lân lên luống

- Rải thêm một ít tro trấu hoặc rơm mục đã ngoai 0.5cm trên mặt

- Xử lý hạt: 100 gam hạt trộn điều cho 2 kg cát khô

- Rải điều trên 10m2 trên luống

- Che lưới chống nắng

- Đề phòng côn trùng,sâu hại

- Tưới nước sáng,chiều bằng vòi phun nhiễn để giữ ẩm

- Sau khi gieo hạt đươc 8-10 ngày sẽ nảy mầm

- Tỷ lệ nảy mầm từ 5-7 ngàn cây

- Khi cây lên được 2-3cm thì cho vào bầu ươm
(Theo Agriviet.com)

Khánh thành nhà kính ươm trồng cây hiện đại nhất miền Nam

đăng 19:43 10 thg 1, 2014 bởi công trình cây   [ đã cập nhật 18:40 1 thg 7, 2015 ]

Khánh thành nhà kính, nhà lưới hiện đại nhất miền Nam

Ngày 4/1, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa vào sử dụng khu nhà kính, nhà lưới, nuôi cấy tế bào thực vật hiện đại nhất khu vực phía Nam.

Đây là công trình quan trọng nhất của dự án xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải đã đến dự và cắt băng khánh thành công trình.

Khu nhà kính, nhà lưới, nuôi cấy tế bào thực vật bao gồm các hạng mục chính là nhà nuôi cấy mô tế bào thực vật, có khả năng sản xuất nhân giống trên 2 triệu cây giống cấy mô các loại/năm; nhà kính có khả năng điều khiển được nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng; nhà màng cho phép triển khai cùng lúc tối thiểu 3 thí nghiệm với quy mô lớn và trồng nhiều chủng loại khác nhau; nhà lưới có chức năng bảo tồn nguồn gene, trồng thử nghiệm, nhân giống hoa trong chậu.

Khánh thành nhà kính, nhà lưới hiện đại nhất miền Nam

Đây là công trình để triển khai quy trình vi nhân giống nhanh các loại cây trồng (rau, hoa, cây kiểng, cây dược liệu) với quy mô công nghiệp; thực hiện việc lưu trữ nguồn gene giống cây trồng, tiến hành chọn lọc, lai tạo bằng công nghệ sinh học để tạo ra các giống cây trồng mới có các tính nổi trội theo mục tiêu kháng sâu bệnh, chịu hạn, năng suất cao, chất lượng tốt...

Khu nhà kính, nhà lưới cũng được sử dụng tiến hành trồng thử nghiệm các giống cây trồng mới nhằm đánh giá hiệu quả và tính thích nghi trước khi chuyển giao ra sản xuất.

Tiến sỹ Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh cho biết dự án Trung tâm Công nghệ sinh học có tổng vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD, được xây dựng trên diện tích 23ha, bao gồm nhiều hạng mục khác nhau nhằm mục tiêu tạo cơ sở vật chất cho việc nghiên cứu ứng dụng các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ sinh học thực vật từ phòng thí nghiệm vào sản xuất.

Trong những năm qua, Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh đã sưu tập, bảo quản và nhân giống hơn 330 giống hoa lan, trong đó có 111 giống lan rừng Việt Nam; bộ giống cây dược liệu với gần 90 giống các loại; nghiên cứu tạo ra các phẩm sinh học phục vụ cho trồng trọt và thủy sản.

Theo Bao Khoa Hoc 

1-10 of 41