Cây mỡ Tên khoa học: Manglietia glauca Bl ( M. conifera Dandy ). Họ Mộc lan – Magnoliaceae. I. Mô tả hình thái Mỡ là cây gỗ lớn cao tới 25-30m, đường kính ngang ngực đạt tới 50-60 cm. Thân tròn, thẳng. Vỏ xám bạc, thịt màu trắng có mùi thơm nhẹ. Thân đơn trục, cành nhỏ. Tỷ lệ chiều cao dưới cành đạt 2/3 chiều cao. Lá đơn mọc cách, phiến lá hình trứng, gân nổi rõ cả 2 mặt, cuống lá mảnh. Hoa lưỡng tính, mọc đơn độc ở đầu cành, có màu trắng, to. Quả kép hình nón. Hạt có nội nhũ màu đỏ, khi xát hết nội nhũ hạt có vỏ màu đen, có mùi thơm. Hạt có nhiều dầu. II. Đặc điểm sinh thái Thường gặp mỡ trong rừng thứ sinh ở Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Mỡ là loài cây lá rộng thường xanh. Mỡ thường sống với các loài giổi, giẻ, trâm, ngát, gội. Mỡ thích hợp với vùng có lượng mưa: 1400 -2000 mm/năm. Tháng khô hạn (Lượng mưa nhỏ hơn 50 mm/tháng) không quá 2 tháng. Mỡ thích hợp với nhiệt độ trung bình hàng năm từ 22 -24oC, nhiệt độ tối cao tuyệt đối 42o C, nhiệt độ tối thấp tuyệt đối -1oC. Mỡ ít chịu nắng nóng và giá rét, đặc biệt ở giai đoạn tuổi non (Ngô Quang Đê, 1992). Dưới 18 tháng tuổi, mỡ là cây cần che bóng. Mỡ sinh trưởng tốt nhất ở độ chiếu sáng bằng 1/3 độ chiếu sáng trực xạ tự nhiên. ánh sáng gay gắt mùa hè và mùa thu không thuận lợi cho sinh trưởng của mỡ. ánh sáng thấp trong mùa đông và ánh sáng tán quang trong mùa xuân thích hợp với sinh trưởng của mỡ (Nguyễn Hữu Thước, Nguyễn Liễn, 1965). Khi mỡ lớn có yêu cầu ánh sáng cao hơn. Tán cây tự nhiên trong băng chừa che băng mỡ trồng (5 tuổi) đứng cạnh (cách 2,5 m), mỡ thiếu ánh sáng, mọc yếu, lá úa, thân mảnh, sinh trưởng xấu hơn với các hàng khác (Lâm Công Định, 1965). Mỡ thích hợp đất tốt, sâu ẩm, thoát nước, nhiều mùn. Thành phần cơ giới sét nhẹ đến sét phát triển trên phiến thạch mica, phiến thạch sét, riolit, poóc phia. Mỡ thường xanh quanh năm. Ra hoa vào tháng 3-4. Quả chín vào tháng 8-9. III. Kỹ thuật gieo trồng 1. Thu hái hạt giống: Hạt được thu hái trong vòng tháng 8-9. Khi chín quả chuyển từ màu xanh sang xám, có đốm trắng, lác đác có một số quả lẻ. Tách quả ra, hạt đỏ tươi, vỏ cứng màu đen, nhân trắng có tinh dầu. Khi chín, nẻ, thường bị chim ăn lớp thịt mềm ở ngoài làm rơi rụng hết hạt, do vậy đến mùa thu hái cần thường xuyên quan sát. Cần thu hái ngay quả lúc mới bắt đầu chín nứt. Quả lấy về ủ thành đống cao dưới 50 cm trong 2-3 ngày. Hàng ngày đảo quả cho chín đều. Phơi quả trong nắng nhẹ hoặc trong râm cho nứt hẳn ra. Tách quả ra lấy hạt đỏ. Ngâm hạt đỏ trong nước lã, chà sạch lớp cùi ngoài, rửa thật sạch lấy toàn hạt đen. Hong nơi râm mát cho ráo nước rồi đem sử dụng. Hạt mỡ có dầu nên chóng mất phẩm chất, cũng có thể bảo quản trong cát ẩm, giữ được trong vài tháng, song tốt nhất thu hái xong gieo ngay. Mỡ không có quả đều, khoảng 50-60 % số cây là có quả. Cây trong rừng ít quả hơn cây đứng riêng lẻ. Mỗi cây thu được 5-6 kg quả. 1kg quả tươi cho 0,2kg hạt đỏ, tỉ lệ hạt đen /hạt đỏ là 1/4, 1 kg hạt đen có 25000 đến 26000 hạt. 2. Tạo cây con + Chuẩn bị vườn ươm: Đất vườn ươm cần tơi, xốp, sét pha nhẹ hoặc sét pha trung bình, đủ ẩm, thoáng, dễ thoát nước, đất tốt, ít chua, bằng hoặc dốc tụ không đáng kể. Đất được cày bừa kĩ, lên luống cao 10-20cm, dài 10m, rộng 0,8-1,0m. Đất chua cần được bón vôi. Bón lót trước lúc gieo ươm 3-4 kg phân chuồng hoai/m2. + Xử lý hạt trước khi gieo: Do hạt mỡ có dầu vì vậy tuỳ điều kiện thời tiết nóng lạnh, khô ẩm mà có thể hoặc chỉ ủ với cát ẩm cho tới khi một số hạt chín nứt nanh. Hoặc chỉ ngâm với nước lã hoặc nước ấm không quá 40 oC. Ngâm tối đa 24 giờ. Gieo vãi nếu sau này cấy cây. Gieo theo hàng (không qua cấy) cự li 10-15 cm. Cây trong hàng lúc đầu cách nhau 5 cm, sau tỉa thành 10-15 cm, lấp đất sâu khoảng 1cm, che phủ mặt đất bằng rơm đã khử trùng. + Thời vụ gieo chính là vụ thu. Gieo sớm, thu hái hạt gieo ngay để kịp trồng vụ xuân. + Chăm sóc cây gieo. Tưới đều nhẹ đủ ẩm cho đất. Khi hạt mọc mầm (thường sau khoảng 12-15 ngày và kéo dài 1 tháng) thì bỏ rơm rạ, bắt đầu che nắng tạo râm, làm cỏ, phá váng, không làm tổn thương cây còn non. Chú ý đề phòng sương muối. Cây mỡ non có 3-8 lá thường bị nấm cổ rễ, bệnh lan truyền nhanh, làm cây chết hàng loạt, bệnh này xảy ra ở thời kỳ mưa phùn, nhiệt độ ấm. Khi phát hiện có bệnh thì ngừng ngay việc tưới, để khô, không bón thúc, nhổ cây bệnh, phun thuốc Boócđô. + Cấy cây: Đất cấy trên luống (hay trong bầu) đều phải thật tơi xốp, bón lót phân hữu cơ đầy đủ. Thành phần hỗn hợp ruột bầu tối thiểu có 10% phân chuồng hoai, 1%supe lân. Khi cây gieo có 4-5 lá đem cấy là tốt nhất. Sau khi cấy thường xuyên giữ ẩm cho đất, làm cỏ phòng chống sâu bệnh. 3. Kỹ thuật trồng cây mỡ và chăm sóc rừng trồng + Thời vụ: Vụ xuân trồng vào lúc có mưa phùn, đất đã ẩm, lượng mưa lớn hơn lượng bốc hơi Vụ thu thông thường từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 10. Tận dụng ngày râm mát, mưa rào, đất đã ẩm, tránh những ngày nắng nóng, bốc hơi nhiều hoặc mưa to. + Chuẩn bị đất trồng: - Phát dọn sạch, đốt trên toàn diện tích, cách này chỉ nên áp dụng ở nơi địa hình thấp, dạng đồi bát úp, dốc dưới 10o, đất sâu, tầng đất dày. Tuy nhiên ngay sau khi dọn sạch, cần phải trồng lại cây phủ đất để sớm có tàn che, nên trồng cây cốt khí có nhiều ưu điểm. - Phát dọn theo băng được dùng ở nơi đất dốc, nhất là vùng núi cao, dễ xói mòn, tầng đất mỏng, bốc hơi mạnh. + Cách trồng: - Cây mỡ được trồng trên băng chặt theo đường đồng mức. Tận dụng độ tàn che của băng giữ lại những cây gỗ tái sinh tự nhiên do đó không phải trồng lại cây che phủ đất. Phương pháp này tỏ ra nhiều ưu điểm, giữ dược hoàn cảnh của rừng, đất rừng, bảo vệ môi trường. - Băng chừa lại có chiều rộng khoảng 10 m, băng chặt rộng khoảng 20 m. Hố trồng có kích thước 40x40x40 cm. Lấp hố trước khi trồng khoảng nửa tháng bằng đất tơi xốp tất nhiên phải nhặt hết cỏ. + Mật độ trồng: Trên diện tích phát đốt toàn diện mật độ trồng 2500 cây/ha. Trồng trong băng thì cự li cây cách cây 2 m, hàng cách hàng 2,5 m. + Tiêu chuẩn cây giống: Cây xanh tốt, cứng cáp, có 9-11 lá trở lên, cao 25-30 cm, đường kính cổ rễ 0,25-0,30 cm. Không trồng cây cong queo, cụt ngọn, hai ngọn hoặc bị sâu bệnh. + Kĩ thuật trồng. Cây trước khi đem trồng cần được tưới ẩm ở vườn trong ngày hôm trước. Tránh làm vỡ bầu khi vận chuyển cây đến nơi trồng. Cắt bỏ vỏ bầu, đặt cây vào hố ngay ngắn, phủ đất tơi nhỏ và nén chặt từ dưới dần lên trên quá cổ rễ cây 2 cm. + Chăm sóc rừng trồng Trồng mỡ trên đất rừng còn tốt, cây hoang dại xâm chiếm nhanh do vậy cần chăm sóc sớm và kịp thời. Làm cỏ sạch, xới đất, phát dây leo, chú ý phải phát quanh từ từ, để độ chiếu sáng vừa phải, phát quang mạnh đột ngột để ánh sáng quá nhiều dẫn đến bốc hơi mạnh cây dễ bị vàng úa. Ngược lại không để cây con bị cớm lâu. Chăm sóc cây trong 3 năm. Mỗi năm trung bình 2-3 lần. Chú ý phát hiện kịp thời sâu bệnh hại để phòng chống sớm. Mỡ thường bị loài ong ăn lá mỡ phá hoại. Tuỳ tình hình mà áp dụng mức độ phòng chống khác nhau. Mức độ nhẹ: Xới nông, diệt kén quanh các cây có dấu hiệu tán lá bị sâu hại. Xới đất sâu 6-7cm, rộng ra hơn hình chiếu tán lá từ 20-50cm . Một năm xới 1-2 lần từ tháng 2đến thượng tuần tháng 3. Mức độ nặng: Phun thuốc bột 666 nồng độ 6% với liều lượng như sau: 20-25 kg/ha cho rừng mỡ ở tuổi 9-10. 15-18 kg/ha rừng mỡ ở tuổi 6-8. 10-12 kg/ha rừng mỡ tuổi dười 6. Phun thuốc đều trên tán, phun vào buổi sáng (từ 5-7 giờ sáng). |