Cây ba kích giống

Chúng tôi ươm trồng và bán giống cây ba kích




Kỹ Thuật Trồng Cây Ba Kích

1. Đặc điểm sinh thái

Dây leo, sông nhiều năm, thân non màu tím, có lông, cành non có cạnh. Lá mọc đối, cứng nhọn, hình ngọn giáo thuôn dài 6-14cm, rộng 2,5cm, lúc non màu xanh, có lông dài ở mặt dưới, sau đó ít lông và có màu trắng mốc; lá kèm hình ống. Hoa nhỏ, màu trắng sau hơi vàng, 2-10 cánh hoa, 4 nhị, mọc thành cụm ở kẽ lá, đầu cành. Quả tròn, khi chín màu đỏ. Tránh nhầm với cây ba kích lông và cây mặt quỷ.

Mùa hoa: tháng 5-6, mùa quả: tháng 7-10.

Cây mọc hoang ở vùng rừng thứ sinh, trung du và miền núi các tỉnh phía Bắc, dưới tán một số kiểu rừng nhiệt đới ẩm lá rộng thường xanh, nay trở nên thứ sinh gồm cây bụi và dây leo chằng chịt hoặc ở bờ nương rẫy. Độ cao phân bố khoảng 100m so với mặt biển. Càng lên cao cây càng thưa dần, đến độ cao khoảng 100m thì hầu như hiếm gặp. Có nhiều nhất ở các tỉnh Quảng Ninh, Phú Thọ, Hoà Bình, Hà Giang, Lạng Sơn.

2. Kỹ thuật trồng và chăm sóc

Ba kích ưa sáng, ưa ẩm và chịu bóng, mọc trên đất feralit đỏ vàng, có lượng mùn ở mức trung bình, tơi xốp và hơi chua, nhiệt độ không khí trung bình năm khoảng 21-23°C.

Trồng bằng rễ, cành bánh tẻ hay gieo ươm bằng hạt.

Vào khoảng tháng 3-4, khi thời tiết ấm dần, chọn những cành bánh tẻ ở cây Ba kích sống khỏe, chặt thành từng đoạn 20-30cm, mỗi đoạn có 2-4 mắt. Có thể đem trồng ngay hoặc giâm và vườn ươm cho đến khi nảy mầm, ra rễ mới đem trồng.

Chọn các ruộng cao sát chân núi hay đất nương rẫy đã phát quang, đất còn màu mỡ, luôn ẩm. Cuốc sâu, để ải, làm nhỏ đất, đánh luống cao 20-30cm, rộng 40cm nếu trồng thành 1 hàng hoặc rộng hơn nếu trồng thành 2 hàng. Trên luống cuốc thành các hố sâu 15cm, cách nhau 60cm (trồng được khoảng 30.000 khóm/ha). Bón lót phân chuồng mục (10 tấn/ha), trộn đều. Không dùng phân tươi vì có thể làm thối rễ. Mặc dù Ba kích là cây ưa sáng nhưng ở thời kỳ mới trồng, cây lại ưa bóng. Vì vậy cần làm giàn che cho từng luống, cao 0,7-1m, ở trên che bằng phên hay cỏ tranh, để lượng ánh sáng lọt qua khoảng 50%.

Thời gian trồng thích hợp từ tháng 3-4. Hom giống cắt xong đem xử lý ngay, mỗi hốc 2-3 hom. Hom đặt nghiêng lấp đất chặt chỉ để hở 1-3cm. Nếu không có giàn che, đặt xong phải phủ ngay bằng cây tế guột hoặc rác. Thường xuyên tưới nước, giữ cho đất ẩm. Hom nảy mầm sau 10-15 ngày, tỷ lệ khoảng 60%.

Ba kích sinh trưởng nhanh, chỉ sau 6-7 tháng trồng đã có thể vượt lên trên giàn che, vươn lên sống trong điều kiện chiếu sáng hoàn toàn. Lúc này cần làm giá thể cho cây. Mỗi năm chỉ cần làm cỏ và vun xới 1 lần. Vào thời kỳ hạn hán cần tưới thêm nước.

Ba kích trồng được 3 năm có thể thu hoạch. Năng suất dược liệu là rễ phụ thuộc vào số năm trồng. Thông thường để nhiều năm, năng suất càng cao. Thời gian thu hoạch thường vào tháng 10-11. Cũng có thể vào mùa xuân để tận dụng lấy giống trồng ngay.

Dùng cuốc đào rộng xung quanh gốc, lấy toàn bộ rễ, rửa sạch đất cát. Phơi nắng liền 6-7 ngày, sau đập nhẹ làm bẹt phần thịt rễ, tránh đập mạnh làm nát rễ. Sau đó lại phơi đến khô. cắt thành từng đoạn dài 10cm, rút bỏ lõi, đựng trong bao cói. Để nơi khô ráo, thoáng gió, cần phải xông lưu huỳnh ngay trong kho để tránh mốc mọt.

– Bộ phận dùng: Rễ phơi hay sấy khô của cây Ba kích (Morinda officinalis How.)/ họ Cà phê (Rubiaceae).

3. Thành phần hoá học và tác dụng

Rễ tươi chứa chất đường, nhựa, acid hữu cơ, vitamin c, tinh dầu, anthraglycosid, phytosterol. Nhưng trong ba kích khô không thấy có vitamin c.

– Tăng sức dẻo dai: Với phương pháp chuột bơi, Ba Kích với liều 0-10g/kg dùng liên tiếp 7 ngày thấy có tác dụng tăng sức dẻo dai cho súc vật thí nghiệm.

– Tăng sức đề kháng: dùng phương pháp gây nhiễm độc cấp bằng Ammoni Clorua trên chuột nhắt trắng, với liều 15g/kg, Ba Kích có tác dụng tăng cường sức đề kháng chung của cơ thể đối với các yếu tố độc hại.

– Chống viêm: Trên mô hình gây viêm thực nghiệm ở chuột cống trắng bằng Kaolin với liều lượng 5-10g/kg, Ba Kích có tác dụng chống viêm rõ rệt.

– Đối với hệ thống nội tiết: thí nghiệm trên chuột lớn và chuột nhắt cho thấy Ba Kích không có tác dụng kiểu Androgen nhưng có thể có khả năng tăng cường hiệu lực của Androgen hoặc tăng cường quá trình chế tiết hormon Androgen.

– Nước sắc Ba Kích có tác dụng tương tự như ACTH làm cho tuyến ức chuột con bị teo.

– Nước sắc Ba Kích có tác dụng làm tăng co bóp của chuột và hạ huyết áp.

– Không có độc. LD50 của Ba Kích được xác định trên chuột nhắt trắng bằng đường uống là 193g/kg.

Rễ Ba kích chiết xuất bằng rượu có tác dụng giáng áp huyết; có tác dụng nhanh đối với các tuyến cơ năng; tăng cường não; chống ngủ ngon dùng Ba kích nhục.

Tác dụng đối với hệ nội tiết: Cho chuột và chuột nhắt uống Ba kích thiên thấy không có tác dụng giống như chất Androgen.

Đối với những bệnh nhân nam có hoạt động sinh dục không bình thường, Ba Kích có tác dụng làm tăng khả năng giao hợp, đặc biệt đối với những trường hợp giao hợp yếu và thưa. Ba Kích có tác dụng tăng cường sức dẻo dai, mặc dù nó không làm tăng đòi hỏi tình dục, không thấy có tác dụng kiểu Androgen. Tuy không làm thay đổi tinh dịch đồ nhưng trên thực tế có tác dụng hỗ trợ và cải thiện hoạt động sinh dục cũng như điều trị vô sinh cho những nam giới có trạng thái vô sinh tương đối và suy nhược thể lực. Còn các trường hợp tinh dịch ít, tinh trùng chết nhiều, không có tinh trùng, không xuất tinh khi giao hợp thì sử dụng Ba Kích chưa thấy kết quả.

Đối với cơ thể những người tuổi già, những bệnh nhân không biểu hiện mệt mỏi, ăn kém, ngủ ít, gầy yếu mà không thấy có những yếu tố bệnh lý gây nên và 1 số trường hợp có đau mỏi các khớp, Ba Kích có tác dụng tăng lực rõ rệt, thể hiện qua những cảm giác chủ quan như đỡ mệt mỏi, ăn ngon, ngủ ngon và những dấu hiệu khách quan như tăng cân nặng, tăng cơ lực. Còn đối với bệnh nhân đau mỏi các khớp thì sau khi dùng Ba Kích dài ngày, các triệu chứng đau mỏi giảm rõ rệt.

– Công năng: Ôn thận, tráng dương, cường tráng gân cốt, khử phong thấp.

– Công dụng: Chữa liệt dương, di tinh, phụ nữ khó có thai, kinh nguyệt chậm, bế kinh, đau lưng mỏi gối…

– Ba kích được dùng chữa dương uỷ, phong thấp cước khí, gân cốt yếu mềm, lưng gối mỏi đau. Trong nhân dân, Ba kích là vị thuốc có tác dụng bổ trí não và tinh khí, chữa xuất tinh sớm, di mộng tinh, liệt dương, kinh nguyệt chậm hoặc bế kinh, phong thấp, huyết áp cao.
Ngày dùng 8-16 g, dạng thuốc sắc, cao lỏng, viên chế từ cao hoặc rượu thuốc. Người ta thường đào củ cây mọc hoang về nấu với thịt gà ăn hoặc ngâm rượu uống để bồi bổ sức khoẻ.

Không dùng khi rong kinh, kinh sớm. Người âm hư quá vượng đại tiện táo kết không nên dùng.

– Cách dùng, liều lượng: Ngày 8-16g dưới dạng thuốc sắc hay rượu thuốc. Phối hợp trong các phương thuốc bổ thận.
Comments